Lãnh đạo ngân hàng “tiết lộ” bí quyết để sinh viên mới ra trường được nhận vào làm ngay
Với nhiều người, đặc biệt là các sinh viên chuyên ngành tài chính, kinh tế, ngân hàng và cả phụ huynh của họ, việc được vào làm trong ngân hàng luôn là mong ước. Còn với những người có năng lực tốt, hay “may mắn” được làm đúng công việc yêu thích thì vấn đề được đăt ra lại là làm sao để tồn tại và phát triển trong môi trường hết sức khắc nghiệt ấy.
Trong hệ thống giáo dục đào tạo hiện nay có hàng chục trường cả chuyên ngành lẫn không chuyên đào tạo nhân sự phục vụ ngân hàng, với hàng chục nghìn sinh viên ra trường mỗi năm. Nhưng chỉ có chưa đến một nửa số sinh viên tốt nghiệp được làm đúng chuyên ngành. Các nhân sự này sau đó lại tiếp tục rơi vào vòng xoáy cạnh tranh để có chỗ đứng vững chắc hơn.
Khảo sát của chúng tôi với các ngân hàng thương mại cổ phần cho thấy, Techcombank và Sacombank là hai ngân hàng có kế hoạch tuyển dụng lớn nhất trong năm 2016 này với mỗi ngân hàng cần trên dưới 2.000 nhân sự. Cả hai nhà băng đều cho biết sẽ ưu tiên các ứng viên có năng lực, trình độ, chuyên môn và ngoại hình tốt, và cơ hội cho sinh viên mới ra trường cũng luôn rộng mở.
Techcombank sẽ dành hơn một nửa chỉ tiêu cho sinh viên mới ra trường
Chia sẻ với người viết, ông Phạm Phú Công, Giám đốc Tuyển dụng của Techcombank cho biết, nhà băng này nằm trong số ít những ngân hàng có ưu ái với sinh viên mới tốt nghiệp và dành khoảng 60% chỉ tiêu hàng năm cho các sinh viên mới, còn lại là lấy người có kinh nghiệm, chuyên môn tốt.
Với tư cách là nhà tuyển dụng lớn và có kinh nghiệm, ông Công cho rằng, các sinh viên ngay từ trong quá trình học tập nên chủ động tìm hiểu yêu cầu của nhà tuyển dụng, tham gia các hội thảo nghề nghiệp và tích cực trang bị cho mình những năng lực đáp ứng. Ngoài kiến thức chuyên môn vững vàng, các bạn cần có những kỹ năng mềm rất cần thiết như giao tiếp, làm việc theo nhóm... Sự tự tin, sáng tạo, năng động, kỹ năng làm việc theo nhóm… của các bạn cũng sẽ được các nhà tuyển dụng đánh giá cao.
Trong quá trình tuyển dụng, theo đại diện Techcombank, đối với sinh viên mới tốt nghiệp, ngân hàng nhận và sàng lọc hồ sơ, thi năng lực và phỏng vấn. Đặc biệt ngân hàng này áp dụng thành công phương pháp phỏng vấn nhóm để tìm những ứng viên vượt trội. Mỗi nhóm gồm 5 ứng viên cùng làm việc nhóm, để tranh luận với một nhóm khác về một chủ đề trái ngược. Quá trình này giúp họ đánh giá kỹ năng phối hợp, giao tiếp, phân tích, ảnh hưởng và tính sáng tạo, tinh thần nhiệt huyết của mỗi ứng viên.
“Phải khẳng định rằng, quy trình tuyển dụng của chúng tôi rất minh bạch và luôn tạo cơ hội để các ứng viên thể hiện năng lực của mình. Bạn chắc chắn được lựa chọn khi hội đồng tuyển dụng đánh giá là có năng lực và có khả năng thích ứng và phát triển trong môi trường Techcombank” – vị giám đốc tuyển dụng của Techcombank nói.
Giám đốc tuyển dụng của Techcombank cho biết thêm, hàng năm ngân hàng đều dành ngân sách lớn đầu tư cho đào tạo, huấn luyện nhân sự. Các sinh viên mới ra trường được tuyển dụng sẽ được tham gia ngay khóa đào tạo trong vòng 1 tháng, được cung cấp những thông tin mới nhất và toàn diện về đặc thù của cơ cấu Techcombank, sản phẩm, quy trình, văn hóa của ngân hàng. Sau đó, các bạn cũng được kèm cặp thực địa tại đơn vị kinh doanh để bắt kịp với trình độ của nhân viên có kinh nghiệm. Với các chương trình huấn luyện này, các tân cử nhân sẽ có những kinh nghiệm bước đầu để đáp ứng các yêu cầu công việc như tiêu chuẩn của ngân hàng.
Sacombank luôn rộng cửa chào đón người có năng lực và muốn học hỏi
Tại Sacombank, theo vị đại diện của ngân hàng, không chỉ những sinh viên mới ra trường mà ngay cả những sinh viên còn đang theo học chưa tốt nghiệp, nên chủ động tìm hiểu yêu cầu của nhà tuyển dụng ngay từ trong quá trình học tập, tham gia các hội thảo nghề nghiệp và tích cực trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết trong môi trường làm việc công sở.
Ngoài kiến thức chuyên môn, sinh viên cần có những kỹ năng mềm rất cần thiết như giao tiếp, làm việc theo nhóm... Sự tự tin, sáng tạo, năng động, … của các bạn sinh viên cũng sẽ được các nhà tuyển dụng đánh giá cao. Sacombank luôn chào đón những nhân viên có năng lực và mong muốn học hỏi, phát triển nghề nghiệp tại Sacombank, bất kể là họ đã có hay chưa có kinh nghiệm. Kinh nghiệm có thể được tích lũy qua thời gian và Sacombank sẵn sàng giúp các bạn sinh viên có được điều đó.
Cũng theo vị đại diện này, Sacombank sẽ lựạ chọn các ứng viên dựa trên các tiêu chí phù hợp với chức danh tuyển dụng cũng như theo đặc thù văn hóa ngân hàng. Về tổng quát, Sacombank vẫn ưu tiên lựa chọn ứng viên theo thứ tự Bằng cấp chuyên môn – Tố chất - Kỹ năng – Hình thức (ngoại hình, tác phong) – Kinh nghiệm công tác phù hợp vị trí ứng tuyển.
Đầu vào không quan trọng, thăng tiến mới là yếu tố đáng lưu tâm
Theo Nghiên cứu sinh Châu Đình Linh, giảng viên trường Đại học Ngân hàng Tp. Hồ Chí Minh, chuyện ứng tuyển vào ngân hàng ngày nay đã bớt khó khăn hơn bởi không phải vào để “ngồi mát ăn bát vàng” mà phải nỗ lực thúc đẩy bán hàng và tạo dựng quan hệ với khách hàng. Tất cả quyết định ở yếu tố cung – cầu nhân sự, chứ không còn cơ chế “xin – cho, chạy chọt” nhiều như hình ảnh ngân hàng lúc trước. Ngoài ra, nhu cầu tuyển dụng của ngân hàng sẽ ngày càng thường xuyên cho những vị trí chuyên viên và các nhà quản trị cấp cơ sở. Vì thế, cánh cửa cơ hội việc làm ngân hàng sẽ ngày càng mở rộng cho nhiều ứng viên.
Cũng theo ông Linh, vấn đề quan trọng với các nhân sự mới của ngân hàng là phải làm sao để tồn tại thực sự, họ phải biết kiên trì trau dồi chuyên môn, xây dựng tầm nhìn, khả năng quy tụ…để leo lên các vị trí tiếp theo.
Hầu hết lãnh đạo các ngân hàng khi chia sẻ với chúng tôi cũng đồng quan điểm như vậy. Họ cho rằng, cuộc thanh lọc về nhân sự chỉ căng thẳng và khó khăn với những ai không có năng lực, không vượt qua chính mình và đối thủ. Còn những người có năng lực thì bất kể ngân hàng nào cũng luôn rộng cửa chào đón và tạo cơ hội để họ phát triển lên cao hơn nữa.
Trí Thức Trẻ