MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngăn “tiền bẩn” đổ vào gom vàng

26-12-2014 - 07:26 AM | Tài chính - ngân hàng

Vì sao chỉ nắm thông tin giao dịch mua bán vàng bạc, kim loại quý có giá trị quy đổi từ 300 triệu đồng tiền mặt trở lên?

Theo nội dung Thông tư 35 về hướng dẫn thực hiện quy định về phòng chống rửa tiền đã được Ngân hàng Nhà nước ban hành, yêu cầu các cá nhân, tổ chức phải khai báo thông tin cá nhân, xuất trình chứng minh thư (CMT)… khi mua, bán vàng với những giao dịch có giá trị lớn từ 300 triệu đồng trở lên sẽ phải báo cáo với cơ quan phòng chống rửa tiền về thông tin khách hàng.

Chia sẻ với PVInfonet, một chuyên gia uy tín trong lĩnh vực phòng chống rửa tiền cho rằng, trong chuẩn mực quốc tế về phòng chống rửa tiền quy định cả vấn đề vận chuyển tiền mặt, đá quý qua biên giới… cũng phải khai báo thông tin đầy đủ. “Nghĩa là theo quy định quốc tế phải “chặn” cả đầu mua, bán” – vị chuyên gia nhận định.

Về giao dịch mua bán vàng bạc, kim loại quý có giá trị quy đổi từ 300 triệu đồng tiền mặt, ông giải thích, dù khách hàng giao dịch một hay nhiều lần, miễn là trong một ngày tổng số tiền giao dịch quy đổi giá trị từ 300 triệu đồng trở lên là buộc phải khai báo thông tin cá nhân, xuất trình CMT … để từ đó cửa hàng, đại lý kinh doanh vàng bạc nhận diện được khách hàng mua bán, giao dịch và lấy đó là cơ sở để báo cáo lên cơ quan phòng chống rửa tiền quốc gia.

“Trách nhiệm của cửa hàng vàng là phải báo cáo tất cả các giao dịch này cũng như thông tin của khách hàng lên cơ quan quản lý. Tất cả những thông tin trên sẽ là dữ liệu quan trọng để cơ quan quản lý phân loại, điều tra và xác minh với những giao dịch đáng ngờ”- vị này nói.

Tuy nhiên, trong khi giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đang được khuyến khích thì dường như quy định của Ngân hàng Nhà nước đã “bỏ quên” phương thức thanh toán bằng chuyển khoản, thay vào đó chỉ quy định giao dịch thanh toán bằng tiền mặt có giá trị lớn mới phải khai báo thông tin?

Về điều này TS. Cấn Văn Lực – chuyên gia trong lĩnh vực tài chính ngân hàng lý giải, đơn giản khi tội phạm thực hiện hành vi bất hợp pháp thì chẳng ai để lại dấu vết quá dễ dàng để cơ quan điều tra “sờ gáy”, bởi nếu giao dịch qua chuyển khoản thì mọi thông tin sẽ nằm “sờ sờ” trên hệ thống ngân hàng, từ đó việc truy tìm “thủ phạm” quá dễ dàng.

Cho rằng việc đưa ra quy định buộc giao dịch lớn từ 300 triệu đồng phải khai báo thông tin, ông Lực cho rằng, hiện các nhà băng, đại lý kinh doanh vàng lớn đã thực hiện khá nghiêm túc quy định này của Ngân hàng Nhà nước. Nhưng riêng với những cửa hàng kinh doanh vàng nhỏ lẻ thì dường như sự kiểm soát vẫn còn yếu.

“Việc đưa ra quy định trên một mặt giúp các quy định phòng chống rửa tiền của Việt Nam tiệm cận với quy định của quốc tế. Nhưng không vì có quy định rồi mà chúng ta có thể chủ quan vì thị trường luôn tiềm ẩn rủi ro, khẽ hở nhất định. Và tội phạm thì thường không trừ một thủ đoạn này để “vượt rào”, lách khẽ hở của luật…”- ông bình luận.

Vị chuyên gia này nhấn mạnh, dù luật đã quy định, song tới đây cơ quan quản lý nên có cơ chế giám sát, kiểm soát chặt chẽ hơn nữa với những giao dịch lớn tại các cửa hàng vàng nhỏ lẻ, bởi thói quen giao dịch, mua bán của người dân Việt Nam tại các đại lý, cửa hàng này là không nhỏ.

“Việc kiểm soát các giao dịch lớn tại các cửa hàng vàng bạc nhỏ lẻ không phải do Nhà nước quản lý đúng là rất khó, tiềm ẩn nguy cơ. Nếu các cơ quan chức năng không sớm có biện pháp ngăn chặn, nạn rửa tiền có nguy cơ gây ra nhiều hệ luỵ cho nền kinh tế. Đã đến lúc Việt Nam cần phải sớm chủ động đắp đê ngăn sóng rửa tiền bẩn”- ông đề xuất.


Theo Trường Giang

hangnt

Infonet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên