MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Cấn Văn Lực: Chưa nên bỏ trần lãi suất thời điểm này

19-03-2014 - 19:08 PM | Tài chính - ngân hàng

Liên quan đến việc hạ lãi suất vừa qua, ông Lực cho rằng, việc này sẽ tạo nên cơ hội, động lực cho các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Hạ lãi suất có đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 2014? Đó là câu hỏi lớn được đặt ra khi một trong những mục đích hạ lãi suất vừa qua của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng nhưng nhiều tổ chức quốc tế nhận định động thái này sẽ "ít có tác động".

Để làm rõ câu chuyện hạ lãi suất vào thời điểm này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng T.S Cấn Văn Lực, Cố vấn cao cấp Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV - mã BID) về chủ đề này.

Vừa qua, NHNN chính thức công bố điều chỉnh giảm lãi suất điều hành và bắt đầu có hiệu lực từ hôm nay. Ông đánh giá như thế nào về điều này?

Về cơ bản điều chỉnh giảm lãi suất điều hành của NHNN thời điểm này là kịp thời và phù hợp; vì tín hiệu lạm phát hai tháng đầu năm thấp, tăng trưởng tín dụng liên tiếp âm hai tháng đầu năm 2014, nên hạ lãi suất thời điểm này sẽ giúp đẩy tín dụng ra, giúp các ngân hàng thương mại giảm chi phí đầu vào và từ đó có cơ sở giảm chi phí đầu ra.

Một số tổ chức quốc tế như ANZ, HSBC nhận định: hạ lãi suất ít có tác động thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Những nhận định đó có chính xác không?

Theo tôi, hạ lãi suất lúc này có tác dụng cả hai mặt. Một mặt góp phần tăng khả năng đẩy tín dụng ra đối với ngân hàng; một mặt giúp các doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ dàng hơn, thúc đẩy sản xuất trong nước.

Ý kiến của ông dường như đồng quan điểm với phát biểu của Phó thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến:“việc giảm lãi suất sẽ tạo nên cơ hội, động lực cho các lĩnh vực đầu tư khác"?

Trước hết, như đã trao đổi, việc giảm lãi suất sẽ tạo nên cơ hội, động lực cho các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đối với lĩnh vực đầu tư khác, cũng có thể có chuyển dịch nhưng không nên quá lo ngại, người dân còn cân nhắc vì những kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, vàng… vẫn còn nhiều rủi ro.

Vậy mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2014 là 12 - 14% sẽ có khả năng đạt được?

Đây là mục tiêu có tính khả thi do nhìn chung nền kinh tế nước ta năm 2014 đang có những dấu hiệu ấm hơn so với năm ngoái, cùng với những nỗ lực xử lý nợ xấu quyết liệt ráo riết hơn và các gói hỗ trợ như gói 30.000 tỷ đồng, gói 4 nhà… đi vào cuộc sống hơn, thì việc đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng như trên là có khả năng.

Nhưng cũng có ý kiến trái chiều cho rằng việc cắt giảm lãi suất không thúc đẩy được tín dụng trong khi nợ xấu mới là vấn đề chính yếu. Ý kiến này liệu có chính xác?

Có nhiều nhân tố tăng cầu tín dụng, trong đó, giảm lãi suất cho vay và xử lý nợ xấu là hai nhân tố quan trọng. Nợ xấu vẫn là vấn đề chính yếu của Việt Nam từ năm trước và kéo qua năm nay. Năm nay, NHNN đặt mục tiêu VAMC mua được khoảng 300 - 400 nghìn tỷ đồng, thì phải rất quyết liệt mới đạt được. Đồng thời, mua nợ là một chuyện nhưng vấn đề xử lý sau đó như thế nào mới là quan trọng.

Do nợ xấu liên quan đến nhiều bộ ngành nên NHNN không thể một mình giải quyết được. Vừa qua, Thủ tướng đã phê duyệt thành lập Ban chỉ đạo xử lý nợ xấu do Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh làm Trưởng ban, Thống đốc NHNN làm phó ban và 13 thành viên khác nhằm thúc đẩy quá trình xử lý nợ xấu.

Trước khi có công bố chính thức của NHNN về giảm lãi suất, một số tổ chức tín dụng đã giảm lãi suất so với trần lãi suất của NHNN. Tại cuộc họp báo gần đây, Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ NHNN cũng thừa nhận trần lãi suất hiện không có nhiều ý nghĩa, vậy theo ông, NHNN có nên bỏ trần lãi suất và khi nào có thể bỏ trần lãi suất?

Vào thời điểm này NHNN chưa nên bỏ trần lãi suất, vì hiện nay thị trường tài chính – tiền tệ chưa thật sự ổn định. Một số ngân hàng thương mại nhỏ vẫn có nhu cầu vốn rất cao, dẫn đến đẩy lãi suất huy động lên cao hơn mặt bằng chung của thị trường.

Theo Minh Hằng

hangnt

Diễn đàn đầu tư

Trở lên trên