MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phó thống đốc NHNN: Hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế của VN chưa cao

08-12-2015 - 09:43 AM | Tài chính - ngân hàng

Theo nhận định của Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh, quá trình đổi mới ở trong nước, đặc biệt là đổi mới và hoàn thiện thể chế chưa theo kịp lộ trình và mức độ cam kết quốc tế, chưa xây dựng được các chiến lược đối phó với rủi ro và các cú sốc khi hội nhập sâu hơn.

Tại Hội thảo “Phát triển kinh tế - xã hội và ngành ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế” diễn ra sáng nay (8/12), nhìn nhận tổng thể quá trình 30 năm đổi mới, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đánh giá vị thế của Việt Nam ở khu vực và quốc tế được nâng lên, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong giai đoạn tới.

Đến nay, Việt Nam đã là thành viên của tất các các tổ chức quốc tế lớn: tham gia 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA) cả song phương và đa phương, đứng thứ 5 trên tổng số 10 nước thành viên ASEAN về số lượng FTA. Xét về góc độ mở của nền kinh tế tính bằng tỷ lệ kim ngạch ngoại thương/GDP, Việt Nam đứng thứ hai trong khu vực ASEAN.

Theo NHNN, thời gian qua, trong phát triển hội nhập, đặc biệt là sự quyết liệt trong quá trình tái cơ cấu hệ thống TCTD, ngành ngân hàng đã tạo được sự phát triển theo hướng hiện đại, vững mạnh, có khả năng cạnh tranh và hội nhập với các nước trong khu vực và quốc tế, tạo niềm tin đến công chúng và các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, đồng thời nâng cao uy tín trên trường quốc tế.

Với chức năng và nhiệm vụ của mình, NHNN đã kết hợp điều hành hợp lý chính sách tiền tệ, tỷ giá và quản lý vốn, qua đó thúc đẩy dự trữ ngoại hối gia tăng đáng kể trong giai đoạn 2012-2014, tạo nguồn lực “vật chất” quan trọng hỗ trợ ngược trở lại cho công tác quản lý ngoại hối và ổn định tỷ giá, đóng góp lớn vào việc ổn định kinh tế vĩ mô tại Việt Nam trong thời gian qua. Điểm đáng chú ý là giai đoạn từ 2012 trở lại đây, chính sách tiền tệ của Việt Nam đạt được sự độc lập cao trong điều kiện tỷ giá hối đoái ổn định, tự do hóa luồng vốn mở rộng hơn cùng với sự gia tăng đáng kể dự trữ ngoại hối.

Ngoài ra, cơ sở hạ tầng tài chính không ngừng được cải thiện, đáp ứng yêu cầu về khả năng kết nối trong hội nhập quốc tế về lĩnh vực tài chính ngân hàng; năng lực quản trị được tăng cường, điều hành theo hướng tiệm cận với thông lệ quốc tế như áp dụng những quy định trong quản trị rủi ro của Basel II nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh, hoạt động an toàn, hiệu quả; chất lượng nguồn nhân lực được nâng cao,…

Tuy vậy, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cũng chỉ ra thực tiễn cho thấy hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam còn chưa cao, quá trình đổi mới ở trong nước, đặc biệt là đổi mới và hoàn thiện thể chế chưa theo kịp lộ trình và mức độ cam kết quốc tế, chưa xây dựng được các chiến lược đối phó với rủi ro và các cú sốc khi hội nhập sâu hơn.

"Đồng thời, chúng ta chưa chú trọng đúng mức việc thúc đẩy hội nhập trong nước, gia tăng vùng miền, phát huy nội lực để xây dựng nền tảng vững chắc cho hội nhập bên ngoài", Phó Thống đốc nêu nhận xét.

Theo ông, Việt Nam cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức nhất là phát triển kinh tế. Các yêu cầu về ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao chất lượng tăng trưởng, tăng cường năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và cải thiện môi trường kinh doanh, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, khu vực, giữa Việt Nam với khu vực và thế giới, tránh bẫy thu nhập trung bình,… tiếp tục là những vấn đề trọng tâm và then chốt trong đổi mới và phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam trong giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến 2030.

Mai Ngọc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên