MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thiếu rõ ràng về sàn vàng

02-10-2014 - 11:07 AM | Tài chính - ngân hàng

Có khả năng các sàn vàng không tổ chức kinh doanh như một sàn vàng độc lập, mà dựa vào sàn vàng nước ngoài, còn trong nước chỉ thực hiện một số công đoạn trung gian.

Giao dịch vàng qua sàn giao dịch đã bị NHNN cấm từ năm 2010, tuy nhiên theo thống kê hiện trên thị trường vẫn còn 30 - 40 sàn vàng hoạt động…. Ông Trương Thanh Đức – Chủ tịch của công ty luật Basico cho rằng: Có khả năng là các sàn vàng không tổ chức kinh doanh như một sàn vàng độc lập, mà dựa vào sàn vàng nước ngoài, còn trong nước chỉ thực hiện một số công đoạn trung gian.

Nhưng điều quan trọng là hành lang pháp lý của việc này là không rõ ràng. Việc cấm hay hạn chế kinh doanh phải do Chính phủ quy định. NHNN là cơ quan ngang bộ, không có thẩm quyền cấm kinh doanh nói chung và cấm kinh doanh vàng nói riêng.

Việc này đã được quy định cụ thể tại Điều 7 về “Ngành, nghề và điều kiện kinh doanh”, Luật Doanh nghiệp năm 2005 là: Chính phủ quy định cụ thể danh mục ngành, nghề kinh doanh bị cấm kinh doanh; ban hành, sửa đổi, bãi bỏ hoặc kiến nghị ban hành điều kiện kinh doanh. Và khoản 5, Điều này còn quy định rõ “Bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân các cấp không được quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh.”

Trong khi đó, Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03-4-2012 của Chính phủ Về quản lý hoạt động kinh doanh vàng không cấm và cũng không có quy định cụ thể về điều kiện hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản.

Cách đây 15 năm, Nghị định số 174/1999/NĐ-CP ngày 09-12-1999 của Chính phủ về Quản lý hoạt động kinh doanh vàng cũng không cấm kinh doanh vàng tài khoản.

Vì vậy, trong một thời gian dài trước đây, các sàn vàng hoạt động chỉ biết dựa theo một nguyên tắc bất thành văn là: Được kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm.

Theo ông đâu là nguyên nhân khiến nhiều người biết đầu tư sàn vàng là bị cấm nhưng vẫn tham gia?

Cũng như các hoạt động cá cược bóng đá hay đánh đề, đánh bạc,… tuy pháp luật cấm nhưng trên thực tế vẫn có quá nhiều người tham gia. Bất hợp pháp nhưng người ta vẫn làm và sẵn sàng chấp nhận rủi ro về tiền bạc cũng như chịu pháp luật xử phạt. 

Ngoài ra, có một lý do đáng kể là ranh giới của việc cấm đoán này cũng khá mong manh. Chẳng hạn, cấm cá cược bóng đá nhưng vẫn đang cho phép cá cược đua chó và tiến hành xây dựng đề án cá cược bóng đá. Cấm đánh đề nhưng lại phát triển quá tràn lan các loại sổ xố lô tô mà tác giả Hữu Hạnh đã viết gần hai chục năm trước là, xổ số “bản chất của nó là đánh đề, đánh bạc” (Báo Nhân Dân ngày 03-11-1995).

Hay tuy cấm đánh bạc, nhưng lại vẫn có vài chục casino và khách sạn 5 sao được phép tổ chức đánh bạc dưới hình thức trò chơi điện tử có thưởng. Rồi đánh bạc trả hình trò chơi có thưởng thì tràn lan khắp các hội hè, lễ hội.

Ngoài ra, những hoạt động này nếu sang nước ngoài chơi thì lại là hợp pháp. Vậy, ngồi ở trong nước tham gia chơi với nước ngoài thì khi nào được, khi nào không. Tất cả đều không dễ dàng phân biệt.

Chiếu theo luật thì các chủ của sàn vàng và những khách hàng tham gia giao dịch sẽ bị xử phạt như thế nào?

Chủ sàn vàng có thể bị xử phạt về “Tội kinh doanh trái phép”, theo quy định tại Điều 159 của Bộ luật Hình sự năm 1999, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009. Theo đó, nếu số tiền giao dịch từ 100 đến dưới 300 triệu đồng, thì có thể bị phạt từ 5 – 50 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm. Nếu số tiền giao dịch từ 300 triệu đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính lớn thì có thể bị xử phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 30 triệu đồng.

Ngoài ra chủ sàn vàng và các khách hàng tham gia giao dịch có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc hình sự về hành vi trốn thuế,… bị tịch thu số tiền tham gia giao dịch phạm pháp.

Có nhiều ý kiến cho rằng, giao dịch vàng qua tài khoản là nhu cầu có thật của người dân, NHNN không nên cấm mà nên có những quy định để người dân vẫn có thể chơi và cơ quan nhà nước vẫn quản lý được. Ông nghĩ sao về ý kiến này?

Việc cấm nào cũng có thể bị vi phạm. Nếu không một ai vi phạm, thì điều cấm đoán trở thành thừa. Tuy nhiên, nếu quy định cấm mà bị vi phạm một cách công khai, phổ biến, thường xuyên, kéo dài, thì cần phải xem lại sự hợp lý và cần thiết của nó.

Tự do kinh doanh là một trong những quyền cơ bản của con người. Điều 33, Hiến pháp năm 2013 đã quy định “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm.” Đồng thời, khoản 2, Điều 14, Hiến pháp năm 2013 cũng đã quy định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.”

Bên cạnh đó, khoản 3, Điều 7 về “Ngành, nghề và điều kiện kinh doanh”, Luật Doanh nghiệp năm 2005 cũng quy định, chỉ “Cấm hoạt động kinh doanh gây phương hại đến quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, truyền thống lịch sử, văn hoá, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam và sức khoẻ của nhân dân, làm huỷ hoại tài nguyên, phá huỷ môi trường.” Không thấy lý do nào cần cấm kinh doanh vàng tài khoản nếu dựa vào các quy định hiến định và luật định này.

Vì vậy, cần nhanh chóng triển khai Hiến pháp, cho phép người dân và doanh nghiệp được kinh doanh vàng qua tài khoản, giao dịch trên sàn vàng.

Xin cảm ơn ông!

>>> Sàn vàng chui vẫn thách thức

Khánh Nhi (thực hiện)


hanhle

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên