Thống đốc NHNN: Các NHTM không thể sống mãi bằng tín dụng
Về lãi suất, theo người đứng đầu ngành ngân hàng, năm 2015 tiếp tục đặt vấn đề hạ mặt bằng lãi suất, tuy nhiên chỉ là lãi suất cho các khoản vay trung – dài hạn.
- 22-01-2015Năm 2015: Thanh tra Chính phủ sẽ thanh tra hoạt động cấp tín dụng và sử dụng dự phòng rủi ro
- 14-01-2015Tín dụng khó tăng trưởng theo kỳ vọng
- 12-01-2015Chưa xử lý được nợ xấu thì tín dụng tới doanh nghiệp còn khó
Sáng 23/1/2015 Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank) đã tổ Hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2015. Tham dự Hội nghị này người đứng đầu ngành ngân hàng Việt Nam Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã có những chia sẻ khá thẳng thắn.
Năm 2015 chỉ đặt vấn đề hạ lãi suất trung – dài hạn
Thống đốc NHNN cho biết, hiện nay mặt bằng đã cơ bản ổn định. Dưới góc độ NHTM thì NHNN khuyến khích và kêu gọi các ngân hàng tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay trung – dài hạn thêm 1 - 1,5%/năm, xuất phát từ phân tích cơ cấu thực tiễn, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Việc này là khá khả thi.
“Năm 2014 chúng ta đặt vấn đề hạ mặt bằng lãi suất nói chung có thể giảm từ 1-2%/năm thì cuối năm đúng là chúng ta đã giảm được. Năm 2015 chúng tôi tiếp tục đặt vấn đề hạ mặt bằng lãi suất, tuy nhiên chỉ là lãi suất cho các khoản vay trung – dài hạn” – Thống đốc nói.
Thống đốc Bình cho rằng, đây cũng là quyền lợi kinh doanh của ngân hàng, vì hệ thống ngân hàng hiện nay là rất cạnh tranh, nếu ko kịp thời đưa mặt bằng lãi suất cho vay về mức thích hợp thì ngân hàng đó sẽ tự đánh mất khách hàng của mình.
Trước đó, số liệu cung cấp tại buổi họp báo thường kỳ tháng 12 của NHNN cũng cho thấy: Tính đến thời điểm tháng 12/2014, mặt bằng lãi suất giảm 1,5-2%/năm so với cuối năm 2013. Trong đó, mặt bằng lãi suất huy động giảm 1,5-2%/năm, lãi suất cho vay giảm khoảng 2%/năm, đưa mặt bằng lãi suất thấp hơn mức lãi suất của giai đoạn 2005-2006.
Lãi suất của các khoản vay cũ tiếp tục được các TCTD tích cực điều chỉnh giảm; dư nợ cho vay bằng VND có lãi suất trên 15%/năm chiếm khoảng 3,9% tổng dư nợ cho vay VND, giảm so với tỷ trọng 6,3% cuối năm 2013; dư nợ có lãi suất trên 13%/năm chiếm 10,65%, giảm so với tỷ trọng 19,72% cuối năm 2013.
NHTM không thể sống mãi bằng tín dụng
Thống đốc Nguyễn Văn Bình chia sẻ với Hội nghị, năm 2014 tăng trưởng tín dụng của Vietinbank 14,46% là nằm trong kế hoạch.
“Năm nay NHNN chủ trương tín dụng tăng khoảng 15%, nhưng có điểm khác. Năm 2014 mục tiêu tăng trưởng tín dụng đặt ra là 12-14% để các ngân hàng phấn đấu, nhưng mục tiêu năm nay là 15% để hạn chế tín dụng tăng đến mức này thôi, vì có thể cầu tín dụng tốt lên trong năm nay”.
Theo Thống đốc, năm nay cân đối mọi lĩnh vực, tăng trưởng tín dụng lành mạnh thì chỉ nên tăng 15% để cân đối các chỉ tiêu vĩ mô, nghĩa là các ngân hàng phải chú trọng vào chất lượng tín dụng chứ không phải số lượng như mọi năm.
“Cũng có thể hết 6 tháng của năm nay thì NHNN có thể nới tín dụng lên một chút, lên khoảng 17%”.
Thống đốc phân tích cụ thể, vì giá dầu thô giảm thời gian qua, bên cạnh mặt tích cực cũng có nhiều hệ lụy từ thu ngân sách, sản lượng khai thác dầu mỏ. Phân tích, giá dầu dưới 60 USD/thùng, sản lượng giảm khoảng 1,5 triệu tấn và GDP giảm khoảng 0,2%, nên các hoạt động sản xuất kinh doanh khác phải bù vào do đó rất cần vốn từ ngân hàng. Nên trong trường hợp cụ thể NHNN có thể điều chỉnh chỉ tiêu này để vừa đảm bảo vĩ mô, vừa an toàn cho hệ thống.
Hệ thống ngân hàng từ trước tới nay lợi nhuận đến từ tăng tín dụng là chính. Vẫn biết tín dụng là quan trọng nhưng phải ở tỷ lệ nhất định thì mới an toàn, chứ các ngân hàng chỉ chăm chăm chạy theo tín dụng. Nếu làm như vậy các ngân hàng cũng sẽ không phát triển bền vững được vì dịch vụ ngân hàng phải là chính. Nếu không cắt được “vòi” tín dụng thì các ngân hàng cứ chạy xô theo tín dụng mà không làm tốt mảng dịch vụ.
“Muốn phát triển được mảng dịch vụ gì ngân hàng cũng phải có công nghệ, nên Corebanking của các ngân hàng phải đáp ứng nhu cầu không phải cho hiện tại, tương lai để tạo sự cạnh tranh bền vững trong hệ thống” – Thống đốc Nguyễn Văn Bình kết luận.
Khánh Nhi