MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vay tín chấp vào vòng luẩn quẩn

27-10-2014 - 12:45 PM | Tài chính - ngân hàng

Vài năm gần đây, NH hạn chế cho vay tín chấp vì mức độ rủi ro ngày càng cao và cán bộ tín dụng cũng đứng trước áp lực lớn nếu không thu hồi được vốn vay phải liên lụy đến hình sự hóa.

Để tháo gỡ tình trạng khó khăn trong bối cảnh doanh nghiệp (DN) tắc nguồn vốn trong khi tín dụng không tìm được đầu ra, NHNN ban hành văn bản yêu cầu các NHTM xem xét khả năng cho vay đối với khách hàng không tài sản đảm bảo (cho vay tín chấp). Tuy nhiên, trên thực tế chủ trương này không dễ thực hiện.

Xếp hạng tín nhiệm của CIC chưa cao

Vay tín chấp là hình thức vay vốn dựa trên sự tín nhiệm của NH đối với DN cho các khoản vay ngắn bổ sung vốn lưu động. Thực ra lâu nay các NH đã thực hiện cho vay tín chấp chứ không phải đợi đến chủ trương này, nhưng chủ yếu tập trung ở những DN có lịch sử quan hệ lâu dài với NH, có uy tín và hoạt động hiệu quả. Nhưng vài năm gần đây, NH hạn chế cho vay tín chấp vì mức độ rủi ro ngày càng cao và cán bộ tín dụng cũng đứng trước áp lực lớn nếu không thu hồi được vốn vay phải liên lụy đến hình sự hóa.

Tổng giám đốc một NHTMCP cho rằng, NHNN bật đèn xanh cho vay tín chấp nhưng cũng yêu cầu NH phải đảm bảo chất lượng tín dụng, hạn chế gia tăng nợ xấu. Có nghĩa khi DN không trả được nợ, dù có tài sản thế chấp nhưng thủ tục xử lý tài sản này cũng kéo dài nhiều năm. Vì vậy, NH phải cân nhắc trong việc cho vay, tức quan trọng hàng đầu là chất lượng khoản vay từ dự án vay của DN.

Đoán trước được sự e dè của NHTM, khi đưa ra chủ trương NHNN kèm theo yêu cầu các NHTM tiến hành xếp hạng tín nhiệm đối với DN nhằm tìm ra những DN có đủ điều kiện để cho vay. Tuy nhiên, nhiều DN cho rằng thời điểm này mới bàn đến chuyện xếp hạng tín nhiệm và chờ đợi NH xếp hạng có thể cho vay tín chấp vẫn còn mù mịt.

Trong khi đó việc xếp hạng tín nhiệm ở các quốc gia trên thế giới lẫn trong khu vực như Malaysia, Thái Lan và Indonesia đã làm từ nhiều năm trước, từ xếp hạng quốc gia đến xếp hạng DN, xếp hạng cá nhân, từ đó làm cơ sở để các NH căn cứ xem xét cấp tín dụng. Còn ở nước ta, khi cho vay NH thường tham khảo thông tin DN tại Trung tâm thông tin tín dụng Quốc gia (CIC) thuộc NHNN, nhưng kết quả các NH vẫn lâm vào cảnh nợ xấu chồng chất.

Được biết hàng năm CIC tiến hành xếp hạng tín dụng cho khoảng 25.000 DN. Theo kết quả xếp hạng tín dụng năm 2013 của CIC, nhóm DN xếp hạng tín dụng từ khá, tốt trở lên chiếm 58%, nhưng theo thống kê của NHNN tính đến cuối năm 2013 tỷ lệ nợ xấu vẫn chiếm 3,63% tổng dư nợ, nếu tính cả nợ xấu được cơ cấu lại theo Quyết định 780/QĐ-NHNN khoảng 9%.

Trong khi đó, Công ty Xếp hạng tín nhiệm DN đã được thành lập từ năm 2006 theo đề án của CIC nhằm hỗ trợ cung cấp thông tin cho các tổ chức tín dụng. Theo đó công ty này sẽ hỗ trợ NHTM trong việc ra quyết định cấp tín dụng, giám sát và đánh giá khách hàng, kiểm soát rủi ro một cách hiệu quả.

Nhưng cho đến nay công ty này vẫn chưa trở thành công ty xếp hạng uy tín để NH làm căn cứ xem xét mức độ tín nhiệm của DN. Trong bối cảnh hiện nay, sự tín nhiệm của DN đối với NH chỉ thực sự ở các DN khách hàng truyền thống và thường xuyên, còn các DN khác dù đạt được độ tín nhiệm cao nhưng NH vẫn cần tài sản đảm bảo mới xem xét đưa ra quyết định.

Cửa vay tín chấp chỉ mới hé

Từ khi áp dụng Thông tư 09, nợ xấu của các NHTM đã tăng mạnh so với trước đó, các DN nằm trong diện nợ quá hạn cũng tăng lên. Nợ quá hạn không trả được, hàng tồn kho cao, không còn tài sản đảm bảo, lẽ dĩ nhiên không có NH nào dám cấp vốn tiếp tục cho DN. Như vậy nếu NH cho vay tín chấp, rủi ro càng cao, kéo theo trích lập dự phòng cũng phải cao.

Điều này không khả thi khi NH đang chạy đua với bài toán lợi nhuận trong hoàn cảnh áp lực trích lập dự phòng các khoản nợ xấu đang đè nặng trên vai. Thực ra NH không hoàn toàn đóng cửa cho vay tín chấp nhưng chỉ cho vay tín chấp đối với những DN có uy tín, hoạt động tốt, dự án có khả thi cao, với yêu cầu này đối tượng cũng bị hạn chế rất nhiều.

Theo TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, NHNN đưa ra chủ trương nhưng không thể bắt buộc thực hiện vì NHTM chịu trách nhiệm trực tiếp nếu khoản vay nếu biến thành nợ xấu. Vì vậy, cho vay như thế nào còn tùy thuộc vào việc NHTM xem xét khả năng giám sát dòng tiền DN, xem xét đối tượng vay vốn.

Trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng thấp, thúc đẩy cho vay tín chấp cũng khiến dư luận nghĩ rằng NHNN đang kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng tín dụng đạt mục tiêu đề ra. TS. Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV, cho rằng vay tín chấp chủ yếu là bơm vốn lưu động nên cũng chỉ có thể đưa một lượng tiền nhỏ vào sản xuất kinh doanh, tức chỉ đóng góp rất nhỏ cho tăng trưởng tín dụng nên các NH cũng không vội vã.

Có thể thấy, nhu cầu vay vốn tín chấp hiện nay phổ biến ở khu vực DNNVV. Tuy nhiên, lãnh đạo các NHTM khẳng định cho vay DNNVV chủ yếu tài sản thế chấp là chính, sau đó mới dựa vào dòng tiền vì dòng tiền của các DN này không minh bạch, không quản lý được.

Trong khi đó, DNNVV ở các nước trên thế giới muốn tìm nguồn vốn vay tín chấp thường không dựa vào NHTM mà thông qua quỹ bảo lãnh tín dụng, định chế trung gian giữa DNNVV với NHTM. Nhưng theo thống kê của Bộ Tài chính, cả nước hiện chỉ mới có 10 quỹ bảo lãnh tín dụng với tổng vốn điều lệ đến cuối năm 2013 là 512 tỷ đồng và nhiều quỹ còn chưa đủ vốn điều lệ nhưng không thể hút vốn để bổ sung. Doanh số bảo lãnh lũy kế chỉ mới đạt hơn 2.976 tỷ đồng.

Để hỗ trợ, Chính phủ đã thông qua chủ trương sử dụng nguồn thu từ hoạt động cổ phần hóa DN địa phương để bổ sung tài chính cho các quỹ bảo lãnh tín dụng ở các địa phương, tạo điều kiện để gia tăng vốn bảo lãnh cho DN, nhưng hiện nay quá trình cổ phần hóa diễn ra chậm chạp nên các quỹ vẫn còn trong “chế độ chờ”.

Với những cánh cửa khó mở như vậy, hoạt động cho vay tín chấp ở Việt Nam vẫn cần một thời gian rất dài nữa mới có thể phổ biến như ở các nước khác.

>>> Vay tín chấp:Của khôn người khó

Theo Yên Lam

hangnt

Sài Gòn đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên