Xôn xao chuyện Vietcombank thưởng Tết
Lãnh đạo Vietcombank khẳng định không có chuyện thưởng Tết bình quân 5 tháng lương...
- 21-01-2016Nhân viên ngân hàng kêu "oan" vì mang tiếng thưởng đậm
- 20-01-2016Thu nhập trung bình của nhân viên Vietcombank hơn 24 triệu đồng/tháng
Thị trường xôn xao về mức thưởng Tết Nguyên đán sắp tới của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) bình quân 90 triệu đồng/người. Thực tế như thế nào?
Mức thưởng trên tương ứng với khoảng 5 tháng lương, rất cao so với mức 1-2 tháng lương phổ biến tại nhiều ngân hàng thương mại khác (bên cạnh những thành viên gần như không có thưởng, hoặc rất thấp).
Ngay sau những thông tin trên, nhiều cán bộ nhân viên Vietcombank chia sẻ trên mạng xã hội rằng, họ kỳ vọng mức thưởng đó là thực, vì nhiều lẽ.
Trong ba năm qua, chiến lược kinh doanh của Vietcombank thay đổi: thay vì tăng tốc lợi nhuận, ngân hàng này tập trung dồn lực trích lập dự phòng rủi ro và điều này ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận - một chỉ tiêu quan trọng để đo lường kết quả kinh doanh và lương, thưởng.
Thực tế, cho đến hết năm 2014, kỷ lục lợi nhuận đạt được năm 2011 vẫn chưa được tái lập.
Tuy nhiên, năm 2015, kết quả kinh doanh của Vietcombank đã thay đổi hẳn, có sự bứt phá rõ ràng ở hầu hết các chỉ tiêu, đặc biệt về mặt lợi nhuận.
Năm qua, lần đầu tiên lợi nhuận Vietcombank vượt mốc 6.600 tỷ đồng, vượt xa kỷ lục cũ năm 2011. Đặc biệt, sau những năm tăng trưởng lợi nhuận bình quân chỉ 1,1% giai đoạn 2011-2014, thì năm 2015 đạt tới tốc độ trên 16%.
Đáng chú ý nữa, quy mô lợi nhuận trên được đánh giá là “cô đặc” và chắc chắn, khi ngân hàng này đã thực hiện xong việc trích lập dự phòng rủi ro, với tỷ lệ quỹ dự phòng rủi ro/nợ xấu lên tới khoảng 121%, cao nhất trong hệ thống các ngân hàng thương mại Việt Nam. Tỷ lệ nợ xấu cũng đã giảm mạnh xuống còn 1,76%.
Kết quả kinh doanh cải thiện rõ hơn là cơ sở để cán bộ nhân viên Vietcombank nói chung kỳ vọng sẽ có mức thưởng Tết được như một số thông tin phản ánh nói trên.
Tuy nhiên, một lãnh đạo cao cấp của Vietcombank khẳng định thông tin thưởng Tết Nguyên đán bình quân 5 tháng lương (tương ứng với khoảng 90 triệu đồng/người) là không chính xác và không thể có được mức đó.
Cũng theo vị lãnh đạo cao cấp này, mức thưởng Tết sắp tới của Vietcombank cao nhất cũng chỉ ở khoảng 2 tháng lương, bình quân cũng chỉ xoay quanh 1,5 tháng mà thôi.
“Đây cũng là mức thưởng gần với nhiều ngân hàng thương mại khác, mà không thể có sự đột biến và quá vượt trội được”, lãnh đạo Vietcombank so sánh.
Ngoài ra, cơ chế lương thưởng của Vietcombank năm qua thực hiện khá riêng, dẫn tới dễ bị hiểu nhầm là ngân hàng dồn thưởng vào cuối năm, dịp Tết.
Tại Vietcombank, có hai mức lương là lương cơ bản và lương kinh doanh. Từ đầu năm, cán bộ nhân viên chỉ được tạm lĩnh quanh mức lương cơ bản. Đến cuối năm, xét theo mức độ hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh của mỗi đơn vị, mỗi cá nhân mà họ sẽ được thực nhận mức độ như thế nào theo mức lương kinh doanh mà thôi.
Nói cách khác, ngân hàng “tạm giữ” một phần lương kinh doanh của cán bộ nhân viên, theo mức độ hoàn thành công việc mới trả thực và sát thực sau đó.
Cũng theo cơ chế trên, nếu các đơn vị hoàn thành vượt chỉ tiêu kinh doanh, ngân hàng sẽ có mức thưởng tương ứng nhất định; ngược lại, các đơn vị hoặc các cán bộ nhân viên không hoàn thành thì sẽ không có thưởng, lương kinh doanh cũng sẽ thấp hơn.
Hiện có một số thông tin phản ánh mức lương kinh doanh bình quân tại Vietcombank ở khoảng 22-24 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, lãnh đạo cao cấp của ngân hàng này khẳng định chỉ ở khoảng 18 triệu đồng mà thôi, mức gần với nhiều ngân hàng thương mại khác trong hệ thống.
VNEconomy