MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xử lý tài sản bảo đảm vẫn nan giải

11-08-2014 - 12:06 PM | Tài chính - ngân hàng

Hiện nay, tỷ lệ thu hồi nợ thông qua khởi kiện và thi hành án của NH đang ở mức độ rất thấp (khoảng 1%/tổng số thu hồi).

Theo số liệu từ NHNN chi nhánh TP. Hà Nội, tính đến 30/6/2014, nợ quá hạn của các TCTD trên địa bàn chiếm 6,8% tổng dư nợ (nợ từ nhóm 2 đến nhóm 5 năm 2013 là 6,78%). Trong 6 tháng đầu năm nay, các TCTD trên địa bàn đã xử lý được 9.730 tỷ đồng nợ xấu thông qua các hình thức như khách hàng trả nợ, cơ cấu lại nợ cho khách hàng, xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi vốn, sử dụng dự phòng rủi ro xử lý nợ xấu, bán nợ xấu cho các công ty quản lý tài sản, công ty mua bán nợ và các tổ chức, cá nhân, bán nợ cho VAMC 4.118 tỷ đồng và các hình thức khác.


Xử lý tài sản thế chấp hiện phụ thuộc nhiều vào độ hợp tác của khách hàng

DN khó khăn, nợ xấu tăng thêm là điều dễ hiểu. Trong bối cảnh sức cầu nền kinh tế chưa được cải thiện, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN ngày càng khó, nguy cơ phát sinh thêm nợ xấu gia tăng, quá trình giải quyết nợ xấu chậm và khó khăn. Một trong những nguyên nhân chính là hành lang pháp lý cho hoạt động xử lý nợ, thu hồi nợ xấu tiếp tục là rào cản đối với các TCTD, đặc biệt là trình tự, thủ tục liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm do có quá nhiều cơ quan tham gia gây kéo dài thời gian xử lý và chi phí để xử lý nợ. Hiện nay, tỷ lệ thu hồi nợ thông qua khởi kiện và thi hành án của NH đang ở mức độ rất thấp (khoảng 1%/tổng số thu hồi).

Theo đại diện Maritime Bank, vấn đề bán tài sản thế chấp để thu hồi nợ theo quy định hiện hành đã có các văn bản tạo điều kiện cho bên xử lý tài sản. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện lại có những vấn đề nảy sinh. Đơn cử bên thế chấp tài sản không chịu bàn giao tài sản cho NH để xử lý món nợ đã quá hạn. Có một số trường hợp khách hàng đã ký biên bản bàn giao nhưng không chịu giao tài sản… “Tại Maritime Bank, phần này chiếm đa số”, đại diện Maritime Bank than phiền.

Thực tế là dù rất muốn xử lý nợ xấu, nhưng các NH cũng ngại khởi kiện khách hàng ra tòa án. Vì việc này sẽ lôi NH vào “ma trận” các thủ tục pháp lý với thời gian khó xác định, có thể là 3 năm, 5 năm sau NH vẫn chưa thể kết thúc vụ kiện. Không những thế, ngay cả khi tòa đã tuyên án thì quá trình xử lý tài sản bảo đảm cũng rất rắc rối. Do đó, các NH kiến nghị NHNN phối hợp với các ban, ngành liên quan ra các văn bản cụ thể hơn, nhất là các TCTD cần được trao nhiều quyền hơn trong việc xử lý nợ xấu. Ví dụ như, khi tài sản bảo đảm cần được thu hồi thì NH chủ động xử lý không phải qua nhiều đơn vị trung gian khác, hay phải khởi kiện ra tòa mới xử lý được.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Vietcombank Hà Nội cho biết, trên thực tế thì cơ chế pháp luật và thực thi pháp luật chưa đồng bộ, đặc biệt là trong lĩnh vực xử lý tài sản bảo đảm. Điều này gây rất nhiều khó khăn cho các NH. Theo ông Hùng, việc xử lý tài sản thế chấp hiện phụ thuộc nhiều vào độ hợp tác của khách hàng. Nếu khách hàng không có thiện chí thì chỉ có một con đường là khởi kiện. Hiện nhiều TCTD đã bán nợ xấu cho VAMC, nhưng ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch VAMC cho biết, ngay cả đơn vị này cũng đang gặp vướng mắc ở nhiều khoản nợ xấu đã mua, dù bản án của tòa đã có hiệu lực song cơ quan thi hành án không thể thu hồi.

Để giải quyết vấn đề này, ông Hùng cho rằng cần hoàn thiện khung pháp lý, trong đó tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD trong công tác xử lý tài sản bảo đảm, tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm. Liên quan đến vấn đề thu hồi nợ, hiện nay NH vướng nhiều nhất chính là việc thi hành án với tỷ lệ thi hành án thành công rất thấp.

Sau thời gian thí điểm hiệu quả tại TP. Hồ Chí Minh, chế định Thừa phát lại được triển khai thí điểm tại Hà Nội và một số địa phương đang nhận được nhiều sự ủng hộ do hiệu quả trong việc cung cấp dịch vụ pháp lý. Thừa phát lại là người có các tiêu chuẩn được Nhà nước bổ nhiệm và trao quyền để làm các công việc theo quy định của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP, Nghị định số 135/2013/NĐ-CP và pháp luật có liên quan.

Cụ thể, Thừa phát lại thực hiện việc tống đạt theo yêu cầu của toà án hoặc cơ quan thi hành án dân sự; lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức; xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự; trực tiếp tổ chức thi hành án các bản án, quyết định của Toà án theo yêu cầu của đương sự…

Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, nếu áp dụng rộng hơn chế định này sẽ hỗ trợ các TCTD giải quyết được các vướng mắc, đẩy nhanh tiến trình giải quyết nợ xấu. Việc giảm nợ xấu sẽ khó thực hiện triệt để nếu chỉ có sự cố gắng của các NH. Do đó các NH cho rằng rất cần sự chia sẻ của toàn bộ nền kinh tế, từ bản thân DN cũng như các bộ, ngành có liên quan.

>>> Ngân hàng tự ý bán tài sản thế chấp

>>> Ngân hàng có sẵn lòng nắm người “'không có tóc'?

Theo Nguyễn Minh

trangntm

Thời báo Ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên