Đức đã "ăn đủ" với người tị nạn?
Câu chuyện "cổ tích" mà nước Đức viết cho những người di cư bất ngờ bị tạm dừng khi chính quyền các địa phương không thể kiểm soát được tình hình trước làn sóng nhập cư ồ ạt, và họ cho rằng "như vậy là quá đủ".
- 27-09-201530% người nhập cư tới Đức giả mạo là người Syria
- 13-09-2015Thành phố Munich của Đức quá tải vì người tị nạn
- 11-09-2015Đức đã trục xuất hơn 10.000 người tị nạn tính từ đầu năm nay
Quyết định khôi phục lại quyền kiểm soát biên giới giữa Đức và Áo để tạm ngừng dòng người tị nạn được Thủ tướng Đức Angela Merkel đưa ra khi bà phải đối mặt với áp lực mạnh mẽ từ các quan chức liên bang và địa phương, những người chịu trách nhiệm sắp xếp chỗ ở cho người tị nạn. Thông điệp họ gửi đến nhà lãnh đạo Đức là: như vậy là quá đủ.
Câu chuyện cổ tích…
Trong bối cảnh khủng hoảng di cư đang diễn ra ở châu Âu, Đức đã thể hiện tinh thần sẵn sàng bắt tay trên quy mô lớn. Những chỗ ở được chuẩn bị với đủ thực phẩm và quần áo. Các tổ chức từ thiện với những tình nguyện viên tận tình. Trong khi đa số người châu Âu tỏ thái độ lạnh lùng đối với những người tị nạn thì người Đức đã có được sự tôn trọng của toàn thế giới vì nghĩa cử cao đẹp. Báo chí Đức thậm chí đã gọi đây là "Câu chuyện cổ tích tháng Chín."
Ban đầu, bà Merkel giống như hiện thân của "tình mẹ" trên khắp châu Âu. Khi đó, bà đã quyết định đảm bảo cho người tị nạn Syria lối đi an toàn đến Đức. Động thái này là một hành động nhân đạo cần thiết giúp giảm nhẹ tình trạng người tị nạn đang dồn sang Hungary, nơi mà họ phải chấp nhận sống trong điều kiện rất tồi tệ.
Tuy nhiên, mọi thứ bất ngờ thay đổi. Trước làn sóng di cư ồ ạt, chính quyền địa phương đã không thể đối phó với số lượng lớn người tị nạn. Một quan chức cấp cao từ Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo mà bà Merkel cũng là một thành viên, cho biết: "Tình hình đang thay đổi nhanh chóng". Tại cuộc họp của Ủy ban chấp hành đảng, đại diện liên bang và địa phương đã nói rõ rằng họ không thể đối phó với dòng người di cư ồ ạt như hiện nay.
Bằng chứng là ngày 18/9, gần 20.000 người tị nạn đã tới nhà ga xe lửa chính ở Munich và khiến cho tình hình trở nên nghiêm trọng. Người tị nạn ùn ùn kéo đến nhà ga khiến các quan chức vội vã dựng lều tại một công viên gần đó. Rõ ràng là các nguồn lực Munich có giới hạn.
Các doanh nghiệp địa phương bắt đầu phàn nàn về những tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng đến Lễ hội tháng Mười (Oktoberfest) ở Munich. Các chính trị gia Bayern lo lắng, nhưng không riêng gì Bayern, Berlin cũng rơi vào tình cảnh tương tự.
Tại Liên bang Đức, toàn bộ gánh nặng tiếp nhận người tị nạn đổ lên chính quyền khu vực. Mỗi ngày, có hàng ngàn người di cư mới đến 16 bang, còn các phương tiện vật chất dành cho họ sẽ đến sau. Một số bang từ chối tiếp nhận người tị nạn ở Bayern. Phó Thủ tướng Đức Sigmar Gabriel cho biết số lượng người tị nạn tại nước này có thể vượt quá con số 1 triệu.
"Chẳng bao lâu chúng ta sẽ rơi vào tình trạng khẩn cấp, chúng ta sẽ không thể kiểm soát được tình hình", Thủ hiến bang Bayern Horst Seehofer cảnh báo.
Những điều này buộc bà Merkel, một người luôn có quan điểm chờ thời, khẩn trương đưa ra quyết định, trước khi không thể kiểm soát nổi tình hình. Về học vấn, Angela Merkel là một nhà vật lý học, nên bà luôn "kiểm tra mọi góc độ", như cách bà ứng phó với tình hình với Hy Lạp hay Ukraine. Trang Politico nhận định bà Merkel có thể siết chặt việc kiểm soát làn sóng di cư trong vài tháng và điều này có thể làm cho vấn đề di cư trở nên trầm trọng hơn.
Cuộc khủng hoảng tị nạn là vấn đề khó khăn nhất trong số những vấn đề mà bà Merkel phải đối mặt gần đây.
Trước đó, nhiều lần bà Merkel vẫn tự đưa ra các quyết định quan trọng dù chịu những áp lực mạnh mẽ. Ví như, việc loại bỏ năng lượng hạt nhân tại Đức sau thảm họa ở Fukushima. Điều này là cần thiết để trấn an công chúng, nhưng đã gây ra hậu quả đáng tiếc cho nhiều lĩnh vực: một gánh nặng khổng lồ đè lên ngành công nghiệp Đức, giá điện tăng lên quá cao.
… và cái kết bỏ ngỏ
Việc bà Merkel phải đưa ra vấn đề kiểm soát biên giới như là một "tín hiệu gửi đến châu Âu" nhằm thúc giục các nước khác tiếp nhận người tị nạn. Trên thực tế, Đức chỉ đơn giản là không thể đối phó với tình hình.
Đức đang cố gắng thuyết phục các nước châu Âu khác đóng góp nhiều hơn vào việc giải quyết vấn đề người di cư, nhưng đến nay vẫn chưa thành công.
Pháp và Đức khẳng định lập trường trên một thỏa thuận cứng rắn về số lượng và thời hạn tiếp nhận người tị nạn. Những người phản đối đưa ra mức hạn ngạch cho rằng, điều này sẽ chỉ dẫn đến một làn sóng người tị nạn lớn hơn tràn vào châu Âu.
EU đang tính đến phương án gây áp lực lên các nước không chịu tiếp nhận người tị nạn, và Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere ủng hộ ý định này. Thậm chí, Brussels “dọa” sẽ cắt giảm hỗ trợ tài chính cho các nước thành viên EU tỏ ý từ chối hợp tác về vấn đề phân bổ hạn ngạch người di cư.
Thủ tướng Đức đã kêu gọi tiến hành cuộc gặp khẩn vào tuần tới giữa 28 người đứng đầu các chính phủ và nhà nước thuộc Liên minh châu Âu do tình hình người di cư tiếp tục đến châu Âu đang xấu đi một cách trầm trọng. Vấn đề này có thể được giải quyết chỉ bằng nỗ lực chung của tất cả các nước EU, bà Merkel nhấn mạnh.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ tờ Expert, tờ báo chuyên đưa tin về tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, thế giới, đặc biệt các tin tức liên quan tình hình các nước thuộc không gian hậu Xô Viết. Tờ báo được thành lập năm 1995.
Infonet