MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá trị vốn hóa của chứng khoán Trung Quốc vượt 10.000 tỷ USD

15-06-2015 - 11:15 AM | Tài chính quốc tế

Lần đầu tiên giá trị vốn hóa của TTCK Trung Quốc đã vượt qua mốc 10.000 tỷ USD, cột mốc mới nhất thể hiện đà tăng trưởng đang khiến cả thế giới phải chú ý.

Tóm tắt:

- Trong 12 tháng qua, không có thị trường nào có thể vượt qua mức tăng trưởng (tính bằng USD) của TTCK Trung Quốc. Hiện giá trị vốn hóa của thị trường này đang ở mức cao nhất 5 năm và lượng dư nợ margin cũng đang ở mức kỷ lục.

- Nguyên nhân lớn nhất giúp chứng khoán Trung Quốc tăng điểm mạnh là do đồn đoán chính phủ nước này sẽ đẩy mạnh các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

- Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài không có chung tâm trạng với các nhà đầu tư trong nước. Theo số liệu của EPFR, các quỹ đã rút ròng 6,8 tỷ USD ra khỏi chứng khoán Trung Quốc chỉ trong 1 tuần.


Theo số liệu của Bloomberg, tổng giá trị vốn hóa của các công ty niêm yết trên TTCK Trung Quốc đã chạm mốc 10.500 tỷ USD, tức tăng 6.700 tỷ USD chỉ trong 12 tháng. Chỉ riêng mức tăng này đã lớn hơn quy mô 5.000 tỷ USD của toàn bộ TTCK Nhật Bản. Hiện đang là TTCK lớn nhất thế giới, chứng khoán Mỹ có tổng giá trị vốn hóa đạt 25.000 tỷ USD.

Trong 12 tháng qua, không có thị trường nào có thể vượt qua mức tăng trưởng (tính bằng USD) của TTCK Trung Quốc. Hiện giá trị vốn hóa của thị trường này đang ở mức cao nhất 5 năm và lượng dư nợ margin cũng đang ở mức kỷ lục, bất chấp nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang tăng trưởng ở mức thấp nhất kể từ năm 1990.

“Những con số này phản ánh thái độ chấp nhận mức độ rủi ro cao hơn của nhà đầu tư”, Hao Hong – chuyên gia đến từ tập đoàn quốc tế Bocom – nhận định. “Tuy nhiên mọi người đang chấp nhận một lượng rủi ro không hợp lý so với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế”.

Quyết định hoãn đưa cổ phiếu loại A của Trung Quốc vào chỉ số các thị trường mới nổi của MSCI hôm 9/6 chỉ ảnh hưởng nhỏ đến chỉ số Shanghai Composite Index. Trong tuần trước, chỉ số này tăng tổng cộng 2,9%, lên mức cao nhất kể từ tháng 1/2008. Còn tính trong giai đoạn 12 tháng, Shanghai Composite Index tăng 152%, mạnh nhất trong các chỉ số chứng khoán trên thế giới được Bloomberg theo dõi.

Từ mức 9,6 lần của năm ngoái (thấp nhất kể từ năm 1998), tỷ lệ P/E của Shanghai Composite Index đã tăng lên mức 26 lần. Chỉ số Shenzhen Composite Index cũng đã tăng tới 194% và có tỷ lệ P/E ở mức 77 lần.

Nguyên nhân lớn nhất giúp chứng khoán Trung Quốc tăng điểm mạnh là do đồn đoán chính phủ nước này sẽ đẩy mạnh các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ngân hàng HSBC dự báo trong những tuần tới NHTW Trung Quốc sẽ cắt giảm 50 điểm cơ bản đối với tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Ngân hàng Societe Generale cũng nhận định Trung Quốc cần cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc thêm một lần nữa trong tháng 6. Đây sẽ là lần giảm thứ ba kể từ đầu năm đến nay.

Trong khi các dữ liệu mới nhất cho thấy kinh tế Trung Quốc đang đi vào ổn định, các số liệu từ doanh số bán lẻ đến sản lượng công nghiệp vẫn đang tăng trưởng ở tốc độ thấp nhất trong nhiều năm, đồng thời hoạt động xuất nhập khẩu vẫn còn yếu ớt. Xuất khẩu sụt giảm trong tháng 5 và nhập khẩu đã giảm 7 tháng liên tiếp.

Những báo cáo kinh tế gần như không có chút tác động nào đến các nhà đầu tư Trung Quốc. Trong tuần cuối tháng 5, tổng cộng đã có 4,4 triệu tài khoản giao dịch mới được mở ra cho các nhà đầu tư nội địa. Hôm 11/6, dư nợ margin trên sàn Thượng Hải lập kỷ lục 232 tỷ USD.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài không có chung tâm trạng với các nhà đầu tư trong nước. Theo số liệu của EPFR, các quỹ đã rút ròng 6,8 tỷ USD ra khỏi chứng khoán Trung Quốc chỉ trong 1 tuần.

Thu Hương

Bloomberg

Trở lên trên