MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hy Lạp đã thực sự "thoát chết"?

15-07-2015 - 14:21 PM | Tài chính quốc tế

“Lẽ sống của Syriza là chống lại thắt lưng buộc bụng và cải cách”, Giáo sư Hari Tsoukas đến từ Trường Kinh doanh Warwick (Anh) nhận định. “Làm sao mà Chính phủ Hy Lạp có thể theo đuổi một chương trình mà họ đã biểu tình chống lại nó?”

Sau 17 giờ đàm phán căng thẳng, cuối cùng thì chiều qua (13/7), Hy Lạp đã đạt được thỏa thuận để có thể ở lại Eurozone. Tuy nhiên, đó chỉ là một thỏa thuận để có thể thực hiện bước tiếp theo là đàm phán một thỏa thuận khác. Vì vậy, vẫn còn nhiều con đường có thể làm Hy Lạp chệch hướng.

Kể từ khi khủng hoảng nổ ra dưới thời Thủ tướng George Papandreou vào cuối năm 2009, Hy Lạp đã nhiều lần thất hứa. Nếu lịch sử lặp lại, dưới đây là danh sách những rắc rối mà Hy Lạp có thể gặp phải ở gói cứu trợ thứ ba.

Đi tới con đường đồng thuận

Ngay bây giờ, Hy Lạp cần tiền mặt. Nước này phải thanh toán cho NHTW châu Âu (ECB) khoảng 7 tỷ euro trước cuối tháng 8 và đang nợ IMF khoảng 2 tỷ USD.

Các Bộ trưởng Tài chính châu Âu đang bàn bạc về một giải pháp để cứu rỗi Hy Lạp cho tới khi các bên đạt được thỏa thuận cuối cùng. Trước mắt là những cuộc đàm phán khó khăn hơn. “Rõ ràng là rất khó để bất kỳ nước thành viên nào nhận được “tiền tươi” mà không đi kèm với điều kiện”, Bộ trưởng Tài chính Phần Lan Alexander Stubb nói.

Thỏa thuận đạt được hôm qua sẽ phải được thông qua Quốc hội của ít nhất 7 nước gồm Đức, Hà Lan, Slovakia, Áo và Phần Lan. Các nhà làm luật ở những nước này vốn đã hoài nghi về việc cấp thêm cứu trợ cho Hy Lạp.

Bất đồng hoàn toàn có thể nổi lên trong nhóm các chủ nợ. IMF sẽ phải quyết định liệu nợ của nước này có bền vững hay không trước khi thông qua những khoản vay tiếp theo.

Hy Lạp sẽ lại thất hứa?

Các quan chức từ Ủy ban châu Âu (EC), ECB và IMF đều cho rằng hai gói cứu trợ trước thất bại là do hệ thống chính trị của Hy Lạp không thể triển khai các cam kết cải cách như đã định.

Ở thời điểm hiện tại, việc thực thi cải cách sẽ càng khó khăn hơn nữa vì Chính phủ Hy Lạp đang được dẫn dắt bởi một đảng đã mạnh mẽ phản đối cải cách các vấn đề như an sinh xã hội, thủ tục hành chính, hệ thống thuế, tòa án và thuế kinh doanh. Đây đều là những cải cách nằm trong yêu cầu của các chủ nợ.

“Lẽ sống của Syriza là chống lại thắt lưng buộc bụng và cải cách”, Giáo sư Hari Tsoukas đến từ Trường Kinh doanh Warwick (Anh) nhận định. “Làm sao mà Chính phủ Hy Lạp có thể theo đuổi một chương trình mà họ đã biểu tình chống lại nó?”

Liệu Hy Lạp có bán được 55 tỷ USD tài sản?

Điều kiện của gói cứu trợ dành cho Hy Lạp là nước này phải bán 50 tỷ euro (tương đương 55 tỷ USD) tài sản quốc doanh. Vấn đề là đất nước mắc nợ nhiều nhất châu Âu đã cố gắng làm việc này nhưng đều thất bại.

Sau 4 năm nỗ lực và 5 lần thay đổi bộ máy lãnh đạo, Hy Lạp mới chỉ kiếm được 3,5 tỷ euro từ tư nhân hóa.

Trong khi đó, số liệu từ Ngân hàng thế giới và Diễn đàn kinh tế thế giới cho thấy Hy Lạp là nền kinh tế kém hấp dẫn nhất châu Âu. Giá các tài sản của Hy lạp đã giảm sâu sau đợt suy thoái sâu nhất trong hơn một nửa thế kỷ. Hy Lạp liên tục không trả nợ đúng hạn.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi các cán bộ quốc tế trực tiếp triển khai các gói cứu trợ dành cho Hy Lạp nhận định mục tiêu 50 tỷ euro là quá tham vọng.

Thắt lưng buộc bụng + Kiểm soát vốn = Suy thoái

Điều gì sẽ xảy ra khi bạn yêu cầu một đất nước đang chìm trong suy thoái kép và có hệ thống ngân hàng tê liệt thắt chặt hầu bao hơn nữa? Suy thoái sâu hơn có lẽ là câu trả lời hợp lý cho câu hỏi này. Hệ quả tiếp theo là Hy Lạp khó có thể đạt được các mục tiêu và giảm nợ và giảm thâm hụt ngân sách.

Nền kinh tế suy thoái có nghĩa là bất kỳ đời lãnh đạo nào của Hy Lạp đều sẽ tiếp tục phải đối mặt với sự phản đối mạnh mẽ khi cố gắng áp dụng các cải cách trong ngắn hạn.

Hai gói cứu trợ trước đã thất bại vì tình trạng tê liệt về chính trị. Hy Lạp đã có tới 5 Thủ tướng và 8 Bộ trưởng Tài chính kể từ khi khủng hoảng bắt đầu. Bất ổn chính trị là trạng thái thường thấy.

Có tới 40 nhà làm luật trong đảng Syriza (cùng với đảng Hy Lạp Độc Lập) từ chối ủng hộ thỏa thuận vừa đạt được. Trong khi Thủ tướng Tsipras tận hưởng sự ủng hộ của các đảng khác, ông bị tổn thất trong nội bộ đảng của mình và điều này dẫn đến nguy cơ một cuộc bầu cử khác có thể diễn ra trong vài tháng tới.

Những cuộc biểu tình trên đường phố

Người Hy Lạp lại đổ về quảng trường trung tâm ở Athens để biều tình. Trong bối cảnh nền kinh tế xấu đi và các chính sách thắt lưng buộc bụng khiến cuộc sống của người dân Hy Lạp thêm phần khốn khó, các cuộc biểu tình và bạo động đang ảnh hưởng đến ngành du lịch và khiến các hoạt động kinh tế ở Athens bị xáo trộn.

Theo kết quả khảo sát mới nhất, đa số người dân Hy Lạp vẫn ủng hộ ở lại Eurozone “bằng mọi giá”, nhưng sức hấp dẫn của vị trí là thành viên của nhóm này đang giảm đi. 56,2% người được hỏi cho rằng một thỏa thuận tồi tệ với các chủ nợ vẫn tốt hơn là phải ra đi, trong khi 35,4% cho rằng quay trở lại sử dụng đồng drachma sẽ tốt hơn thắt lưng buộc bụng.

Thu Hương

FT

Trở lên trên