MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh tế Nepal kiệt quệ sau thảm họa động đất

29-04-2015 - 10:00 AM | Tài chính quốc tế

Nepal là một trong những quốc gia nghèo nhất châu Á với tỷ lệ thất nghiệp lên đến hơn 40% và GDP bình quân đầu người ở dưới mức 1.000 USD. 59 trên tổng số 75 địa phương của Nepal đã bị ảnh hưởng bởi trận động đất.

Cho tới nay số người thiệt mạng trong trận động đất ở Nepal đã lên đến gần 5.000 người và được cho là sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới. Tuy nhiên, giới phân tích cảnh báo rằng những cú sốc về kinh tế sau thảm kịch này sẽ còn ám ảnh đất nước này trong nhiều năm tới, kể cả sau khi những nạn nhân cuối cùng đã được chôn cất và những đống đổ nát đã được dọn sạch.

Nepal là một trong những quốc gia nghèo nhất châu Á với tỷ lệ thất nghiệp lên đến hơn 40% và GDP bình quân đầu người ở dưới mức 1.000 USD. 59 trên tổng số 75 địa phương của Nepal đã bị ảnh hưởng bởi trận động đất mạnh 7,8 độ richte hôm thứ 7 tuần trước (25/4), trong đó 11 địa phương bị ảnh hưởng nặng nề. Ước tính Nepal sẽ mất khoảng hơn 10 tỷ USD để xây dựng lại đất nước, tương đương một nửa GDP của quốc gia này.

“Vì nhà cửa ở Nepal được xây dựng khá sơ sài do điều kiện kinh tế khó khăn, hậu quả của trận động đất vừa qua là rất lớn”, Rajiv Biswas, chuyên gia đến từ Viện nghiên cứu HIS nhận định.

Trong ngắn hạn, du lịch - ngành chiếm khoảng 10% GDP của Nepal và cũng tạo ra khoảng 10% việc làm - sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Nepal có tới 8 trên tổng số 10 ngọn núi cao nhất thế giới với những cảnh quan kỳ vĩ khó có thể tìm được ở nơi nào khác. Tuy nhiên mỗi năm chỉ có khoảng 600.000 khách tới đây mỗi năm. Điều này có nghĩa là cơ sở vật chất sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng của Nepal.

Vì động đất, hầu hết các khách sạn lớn ở đây sẽ phải đóng cửa trong ít nhất nửa tháng chỉ để hoàn thiện các đánh giá sơ bộ. Sân bay Kathmandu hiện giờ tràn ngập những du khách hoảng loạn trong khi các máy bay không thể tìm được chỗ đỗ do lưu lượng đổ về đây quá lớn.

4 trong số 7 đỉnh núi của Nepal được UNESCO xếp hạng là di sản thế giới đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi trận động đất vừa qua. Ít nhất 18 người đã thiệt mạng trên đỉnh Everest, trong khi ngôi làng nổi tiếng đối với dân leo núi có tên gọi Langtang gần như đã bị san phẳng.

Ngành dịch vụ và sản xuất chắc chắn sẽ bị gián đoạn. Nepal là nơi đặt nhà máy của nhiều tập đoàn châu Á cũng như quốc tế, trong đó có Coca-Cola. Cơ sở hạ tầng ở khu vực nông thôn bị tàn phá nặng nề.

Nepal vẫn còn một chút may mắn khi ngành nông nghiệp ít bị ảnh hưởng. Nông nghiệp vẫn là hoạt động kinh tế chủ đạo của Nepal khi đóng góp 1/3 GDP và có tới 80% dân số Nepal làm việc trong ngành này.

Thủy điện là một nguồn hi vọng khác. Đất nước này có khoảng 6.000 con sông trải dài khoảng 28.000 dặm, khiến Nepal trở thành nước có nguồn tài nguyên nước dồi dào thứ hai trên thế giới. Các nước láng giềng Ấn Độ và Trung Quốc đã rót nhiều vốn đầu tư vào ngành thủy điện của Nepal.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Nepal hiện đã thấp hơn khá nhiều so với của phần lớn các nước láng giềng Nam Á, và ADB đã dự báo tăng trưởng  của khu vực này sẽ giảm từ 4,6% xuống còn khoảng 4,2%. Tuy nhiên kể từ năm 2016 trở đi, hoạt động tái thiết có thể thúc đẩy tăng trưởng GDP (theo dự báo của EIU). Dòng kiều hối gửi về từ nước ngoài (hiện đóng góp khoảng 1/3 GDP) cũng sẽ đóng vai trò quan trọng hơn.

Thu Hương

Time

Trở lên trên