MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nghịch lý của đất nước nặng nợ nhất thế giới

30-04-2013 - 10:30 AM | Tài chính quốc tế

Vốn là những người nợ nhiều nhất trên thế giới, người Đan Mạch đang dần mất đi “cơn khát” tín dụng.

Hiện nay, nợ cá nhân của người Đan Mạch cao gấp 267,31 lần so với thu nhập. Tỷ lệ của Thụy Điển là 148,77 lần, của Hà lan và Mỹ lần lượt là 250,45 và 93,87 lần. 

 Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội Ngân hàng thế chấp Đan Mạch, trong quý I vừa qua, các khoản vay thế chấp đang tăng với tốc độ thấp nhất kể từ năm 2000. Hoạt động cho vay tại ngân hàng lớn thứ 2 nước này là Nordea Bank Denmark A/S đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một năm qua. Người Đan Mạch hiện có gánh nặng nợ lớn nhất thế giới khi các cá nhân có mức nợ lớn gấp 3 lần thu nhập. 

Theo Anders Jensen, CEO của Nordea Bank, xét về mặt rủi ro, đây là điều tốt bởi người tiêu dùng đang thực hiện giải chấp. Tuy nhiên, điều này không tốt chút nào vì lợi nhuận từ hoạt động cho vay gần như bằng 0. 

Khủng hoảng kinh tế

Trong các nền kinh tế Scandinavi, Đan Mạch là nền kinh tế bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi khủng hoảng tài chính toàn cầu. Kể từ khi thị trường nhà đất đạt đỉnh hồi năm 2007, các hộ gia đình Đan Mạch chứng kiến tài sản của họ sụt giảm trung bình 400.000 krone (tương đương 69.900 USD). Sau khi bong bóng bất động sản vỡ tung năm 2008, giá nhà bốc hơi 20%, khiến 12 ngân hàng sụp đổ và nền kinh tế lâm vào suy thoái. 

GDP của Đan Mạch suy giảm 0,5% trong năm 2012 – tồi tệ nhất trong vòng 3 năm. Chi tiêu tiêu dùng – nhân tố đóng góp một nửa cho nền kinh tế 300 tỷ USD – giảm 0,1% trong quý IV/2012 và có quý giảm thứ 3 liên tiếp. Theo ước tính của chính phủ Đan Mạch, nền kinh tế sẽ chỉ tăng trưởng 0,5 – 1% trong năm nay, thấp hơn nhiều so với Thụy Điển và Na Uy.

Trong khi neo đồng krone vào đồng euro giúp bảo vệ các nhà xuất khẩu Đan Mạch, cuộc khủng hoảng nhà đất đã làm xói mòn niềm tin của người tiêu dùng. Kết quả là, họ không dám đi vay thêm nữa. Người dân đang tận dụng lợi thế lãi suất thấp hơn để trả tiền gốc cho các khoản vay thế chấp.   

Thắt lưng buộc bụng

Theo ước tính của NHTW Đan Mạch, chi tiêu vào nhà ở sẽ sụt giảm 0,6% trong năm nay và không thể hồi phục trước năm 2014. Tiêu dùng cá nhân sẽ chỉ tăng 0,7% sau khi tăng 0,5% trong năm 2012. 

Mặc dù gánh nặng nợ công của Đan Mạch chỉ bằng một nửa so với mức trung bình của eurozone và mức nợ lớn được hỗ trợ bởi tỷ lệ tiết kiệm lương hưu cao nhất thế giới, suy thoái kinh tế đã khiến người tiêu dùng phải chuyển sang thắt lưng buộc bụng. 

Theo Lasse Nyby, CEO của Spar Nord Bank (ngân hàng lớn thứ 4 Đan Mạch), hoạt động giải chấp sẽ được tiếp tục trong suốt năm nay. Theo ông, đó là phản ứng tự nhiên trước những gì đã diễn ra trong suốt những năm 2000. 

Đây là năm đầu tiên người đi vay sẽ phải trả số tiền gốc của các khoản vay thế chấp để đáp ứng các qui định mới. Theo ước tính của chính phủ, khoảng 1.200 trong số 4.700 hộ bị ảnh hưởng bởi qui định tỷ lệ nợ/giá trị phải ở mức dưới 80%. Tuy nhiên, Hiệp hội các ngân hàng thế chấp cho rằng con số trên thực tế còn lớn hơn rất nhiều. 

Nhiều trở ngại

Lasse Nyby cho rằng tình trạng thất nghiệp và giá nhà đất bấp bênh chính là hai trở ngại lớn khiến tiêu dùng cá nhân không thể tăng lên. 

Ngừng đi vay và chi tiêu, người Đan Mạch đang gửi nhiều tiền hơn vào ngân hàng. Tỷ lệ tiết kiệm của tháng 3 chạm mốc cao nhất kể từ năm 1991. Lượng tiền gửi tăng 6,7%, lên mức 844,8 tỷ krone.  

Nhằm kích thích tiêu dùng, chính phủ của Thủ tướng Helle Thorning-Schmidt mới đây đã quyết định giảm bớt thuế cho những người Đan Mạch muốn cải tạo nhà ở. Gói kích thích này có tổng giá trị 75 tỷ krone, tương đương 13 tỷ USD. 

Thu Hương

huongnt

Bloomberg