“Người Nga sẽ không quay lưng lại với Putin”
"Họ sẽ thắt lưng buộc bụng nếu buộc phải như vậy, người Nga sẽ đoàn kết hơn bao giờ hết và giữ vững lòng tin vào lãnh đạo khi họ cảm nhận được sức ép từ bên ngoài", Phó Thủ tướng Nga Shuvalov phát biểu.
- 22-01-2015Kinh tế Nga vẫn sẽ vững mạnh dù giá dầu giảm
- 22-01-2015Nga lên kế hoạch chống khủng hoảng trị giá 21 tỷ USD
- 18-01-2015"Cú đòn hiểm” của Tổng thống Putin nếu EU dồn Nga tới chân tường
Kinh tế Nga lao đao và quan hệ căng thẳng giữa Nga – phương Tây đang là câu chuyện tốn không ít giấy mực của báo chí thế giới ở thời điểm hiện tại, do đó không có gì ngạc nhiên khi phiên thảo luận với chủ đề “The Russia Outlook” (tạm dịch: Triển vọng của nước Nga) thu hút được đông đảo người tham dự tại Davos.
Tất cả các chỉ số kinh tế cũng như chính trị đều hướng về kịch bản nước Nga sẽ phải bước trên con đường đầy gập ghềnh trắc trở trong tương lai gần. Căng thẳng giữa Nga và Ukraine, lệnh cấm vận từ các chính phủ phương Tây, lãi suất cao và dòng vốn tháo chạy là những yếu tố phủ bóng đen lên triển vọng kinh tế Nga không chỉ trong năm 2015 mà cả năm 2016.
Nga sẽ hạ cánh cứng
Trả lời câu hỏi của Gillian Tett – phóng viên kỳ cựu của tờ Financial Times, Phó Thủ tướng Nga Igor Shuvalov cho rằng cuộc khủng hoảng hiện tại có mức độ nhẹ hơn những sẽ dai dẳng hơn rất nhiều so với những cuộc khủng hoảng mà nước Nga đã trải qua thời kỳ cuối những năm 1990 hay khủng hoảng 2008.
Ông Shuvalov cũng cho rằng nước Nga nên chuẩn bị cho những thời kỳ khó khăn ở phía trước. “Kế hoạch chống khủng hoảng nên trực tiếp vạch ra giải pháp thích ứng với một “cú hạ cánh cứng”. Nước Nga phải ngay lập tức thực hiện những cải cách đã được nhắc đến trong một thời gian dài”.
Cho rằng những nỗi lo sợ về nền kinh tế Nga đôi lúc bị thổi phồng và trở thành những câu chuyện phiếm, Phó Thủ tướng Nga cũng nhanh chóng khẳng định NHTW Nga hành động hoàn toàn độc lập với Bộ Tài chính Nga và không có dấu hiệu nào có thấy nước Nga phải thay đổi hiện trạng.
Trong khi đó, cựu Bộ trưởng Tài chính và hiện là giáo sư tại ĐH Saint Petersburg Alexei Kudrin hối thúc chính phủ cải cách ngay lập tức để giải quyết những nhược điểm của nền kinh tế. “Mô hình cũ của kinh tế Nga đã kiệt sức, và chắc chắn Nga sẽ chuyển sang tư nhân hóa, đặc biệt là trong ngành năng lượng”.
Chuyên gia này cho rằng chính phủ Nga nên thay đổi mô hình hoạt động của thị trường dầu khí. “Một trong những vấn đề là các tập đoàn nhà nước đã không thể tạo ra một nền kinh tế sáng tạo. Niềm tin vào chính phủ cũng sẽ bị xói mòn nếu không có cải cách, và điều này càng khiến Nga gặp nhiều khó khăn khi đối mặt với khủng hoảng kinh tế”.
Người Nga sẽ không quay lưng lại với Putin
Nhắc đến ảnh hưởng của các lệnh cấm vận mà phương Tây đang áp đặt lên Nga, các khách mời đều nhất trí rằng cấm vận là phương pháp tiếp cận sai lầm bởi gây ảnh hưởng đến các cơ hội hợp tác quốc tế. Đồng thời lòng tin của dân chúng đối với Tổng thống Putin sẽ càng tăng lên thay vì giảm sút như phương Tây mong muốn.
“Một người Nga sẽ không bao giờ quay lưng lại với lãnh đạo của họ. Họ sẽ thắt lưng buộc bụng nếu buộc phải như vậy, người Nga sẽ đoàn kết hơn bao giờ hết và giữ vững lòng tin vào lãnh đạo khi họ cảm nhận được sức ép từ bên ngoài”, ông Shuvalov nói.
Đồng tình với quan điểm trên, Andrey L. Kostin - Chủ tịch kiêm CEO của ngân hàng VTB – cũng lưu ý rằng gây áp lực lên Nga sẽ không thể khiến tình hình ở Ukraine thay đổi. “Đây là cách tiếp cận hoàn toàn sai”.
Michael Rake – Chủ tịch tập đoàn BT (Anh) – chia sẻ các doanh nghiệp phương Tây đều muốn căng thẳng giữa Nga và phương Tây sẽ lắng xuống. “Cấm vận gây tổn hại cho cả hai phía. Bạn có thể nhìn thấy kinh tế Anh và Đức thiệt hại như thế nào. Các nước nên tôn trọng lịch sử của nhau và tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư và tạo ra việc làm”.
Nga cần sự giúp đỡ của Trung Quốc?
Giới phân tích cho rằng các lệnh cấm vận kinh tế đang khiến Nga phải gắn kết chặt chẽ với Trung Quốc. Năm ngoái, Trung Quốc và Nga ký thỏa thuận khí đốt trị giá 400 tỷ USD và Nga cũng đang khuyến khích doanh nghiệp Trung Quốc rót vốn nhiều hơn nữa. Wu Xinbo, Viện trưởng Viện nghiên cứu quốc tế trực thuộc ĐH Fudan của Trung Quốc, cho rằng Trung Quốc sẵn sàng giúp đỡ người láng giềng Nga.
“Để giải quyết vấn đề tài chính của Nga, hai nước có thể thành lập hệ thống thanh toán ngân hàng xuyên quốc gia và hợp tác theo các hợp đồng hoán đổi tiền tệ. Nhóm BRICS cũng có khả năng thành lập quỹ 100 tỷ USD để giúp đỡ Nga.
Tuy nhiên, ông Shuvalov cho rằng Nga buộc phải hợp tác với Trung Quốc chỉ là một sự hiểu nhầm. Trên thực tế, Nga còn đẩy mạnh quan hệ hợp tác với Nhật Bản và Hàn Quốc. “Nga muốn cân bằng giữa Đông và Tây, giữa nhập khẩu và xuất khẩu. Kế hoạch tăng cường hợp tác với Trung Quốc cũng như các nước phương Đông khác đã có từ rất lâu”.
Thu Hương