Tự tin AEC sẽ đi vào hoạt động cuối năm 2015
Tham dự Davos 2015, lãnh đạo các quốc gia Đông Nam Á đều tin tưởng rằng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) kết nối 10 quốc gia với hơn 600 triệu dân trong một thị trường chung, sẽ trở thành hiện thực vào cuối năm nay.
- 23-01-2015Việt Nam đã sẵn sàng cho việc gia nhập AEC?
- 23-01-2015"Khi AEC được thành lập, bán lẻ sẽ là ngành đầu tiên gặp khó"
- 09-12-2014Thách thức mang tên AEC và những nỗ lực của Việt Nam
Làm sao để các quốc gia khu vực Đông Nam Á có thể tận dụng lợi thế hội nhập từ cộng đồng chung ASEAN là chủ đề chính của một phiên thảo luận trong khuôn khổ Hội nghị thường niên lần thứ 45 của Diễn đàn kinh tế thế giới Davos 2015.
Các khách mời tham dự gồm có Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen, Phó Thủ tướng Thái Lan Pridiyathorn Devakula, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Malaysia Mohd Najib Bin Tun Abdul Razak và đặc biệt là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh.
ASEAN là một khu vực phát triển năng động với thị trường tiềm năng hơn 600 triệu dân. Các quốc gia trong khu vực không chỉ hợp tác chặt chẽ trên lĩnh vực chính trị mà đang tăng cường hội nhập kinh tế, tiến tới hiện thực hoá cộng đồng chung ASEAN trong năm 2015.
Theo ông Samdech Techo Hun Sen, thủ tướng Campuchia, nước này đã đạt được những tiến bộ và chuyển biến kinh tế mạnh mẽ trong hai thập kỷ gần đây. Việc gia nhập ASEAN đã giúp nước này mở rộng thị trường và đẩy mạnh lưu thông hàng hoá xuyên biên giới.
Ông Pridiyathorn Devakula, phó Thủ tướng Thái Lan, cũng khẳng định thành quả hội nhập của ASEAN trong hai thập kỷ gần đây. Đến năm 2010, mức thuế quan thương mại giữa các nước trong khu vực đã được cắt giảm hơn 99%. Để xây dựng một thị trường thống nhất, các nhà lãnh đạo cần tăng cường hợp tác và thảo luận thêm vấn đề luật pháp hay qui tắc ứng xử chung. Bên cạnh đó, nguồn vốn đầu tư xuyên biên giới xuất phát từ các doanh nghiệp tư nhân tại các nước phát triển khá sang các thị trường kém hơn mang lại hiệu quả tích cực, giúp các nước trong khu vực thu hẹp khoảng cách kinh tế.
Ông Devakula rất lạc quan về tương lai hội nhập của khu vực. Tuy nhiên ông cũng nhấn mạnh các hiệp định tự do kinh tế với các đối tác lớn như Trung Quốc, EU hay Mỹ cần được đại diện bởi cộng đồng chung ASEAN. Các hiệp định song phương giữa một quốc gia đơn lẻ và các đối tác trên sẽ phá huỷ tất cả các nỗ lực của các thành viên khác.
Bộ trưởng Phạm Bình Minh đưa ra những góp ý quan trọng để phát triển cộng đồng chung ASEAN. Trước hết, ASEAN cần đảm bảo hội nhập hiệu quả giữa các thành viên trong khu vực. Mỗi quốc gia cần đưa mục tiêu hội nhập trở thành động lực để phát triển kinh tế, rút ngắn chênh lệch về tốc độ phát triển và khả năng hội nhập. Bên cạnh đó, tin tưởng lẫn nhau là yếu tố quyết định giúp giải quyết các vấn đề chung như đói nghèo hay ô nhiễm môi trường. Khu vực cần tiếp tục mở rộng hợp tác với các đối tác lớn trên thế giới, tuy nhiên ASEAN vẫn giữ vững vai trò trọng tâm và xuyên suốt .
Những tín hiệu tích cực từ thỏa thuận kết nối ngân hàng xuyên quốc gia (giữa Malaysia và Indonesia) hay qui định múi giờ chung cho khu vực ASEAN cho thấy các quốc gia đã sẵn sàng cho quá trình hội nhập. Ông Hun Sen tin tưởng mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng việc thành lập một cộng đồng ASEAN thống nhất sẽ đánh dấu một bước tiến mới, giúp khu vực đạt được nhiều lợi ích hơn khi hội nhập với kinh tế toàn cầu.
Thảo Phương