MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những mảnh đời Syria đã tìm thấy chân trời mới ở châu Âu

15-09-2015 - 10:59 AM | Tài chính quốc tế

Sau đây là câu chuyện về 3 mảnh đời khác nhau đã tìm thấy chân trời mới cho mình tại Thụy Điển, Anh và Đức.

Nhiều ngày qua, câu chuyện người tị nạn Syria tràn ngập các mặt báo trên thế giới. Hình ảnh cậu bé Syria dạt vào bờ biển gợi lên câu hỏi liệu nhân quyền có tồn tại ? Sau đây là câu chuyện về 3 mảnh đời khác nhau đã tìm thấy chân trời mới cho mình tại Thụy Điển, Anh và Đức.

Hofaiza Adl Al Mnin, đang ở Thụy Điển

Cuối cùng thì Hozaifa Adl Al Mnin – chàng trai trẻ 19 tuổi cũng được nghỉ ngơi sau khi bơi từ Thổ Nhĩ Kỳ đến hòn đảo Samos của Hy Lạp. “Đó là một thử thách”, anh nhoẻn miệng cười chia sẻ. “Chúng tôi đã đi cùng với những người buôn lậu, bọn mafia nhưng tôi không thể nào tin họ. Vì thế tôi và một người bạn cùng quyết định bơi đến đây.”

Trong khi làm đơn nhập cảnh tại cơ quan di cư Thụy Điển, anh gặp lại hai người bạn cùng bị cảnh sát Hungary bắt lúc trước. “Biên giới Hungary là đoạn đường nguy hiểm nhất trong cả chuyến đi”. Mnin chia sẻ. “Cảnh sát Hungary không còn tính người, họ đánh đập cả phụ nữ và trẻ em.” Lúc cả 3 người cùng bị bắt giữ, Mnin đã chạy thoát được còn hai người kia bị mắc kẹt. Đó là một cặp vợ chồng mới kết hôn 10 ngày trước khi bị bắt. Một trong hai người nói với vẻ chế giễu: “Đó là tuần trăng mật của chúng tôi.”

Mnin cùng với hơn 100 người nữa đi bộ từ Budapest đến Áo, nhưng sớm nhận ra quãng đường này quá dài và không có hy vọng. Anh dừng lại tại một thị trấn gần đó và đi tàu xuyên qua biên giới Áo đến Thụy Điển. Suốt quãng đường từ Áo đến đây, anh chỉ dùng đến vé xe buýt.

Cả 3 người họ đều đang ở tại khách sạn Best Western, Malmo, Thụy Điển. Kể từ tháng 10, khách sạn này đã trở thành trung tâm tiếp nhận người tị nạn khẩn cấp. Mnin phải ghép phòng với 7 người Afghan – không thân thiện một chút nào. “Bạn không thể tìm thấy nơi nào có thể giữ đồ đạc của bạn được an toàn.” Mnin chia sẻ.

Tuy nhiên, Mnin vẫn hy vọng bố, mẹ và người anh trai của mình hiện đang ở Thổ Nhĩ Kỳ có thể sớm đến được đây cùng anh. Khu vực nhà Mnin ở đã hoàn toàn bị phá hủy, nhà của anh cũng vậy.

Trường đại học tại Lebanon vẫn đang hoạt động nhưng anh không có ý đinh sẽ quay lại đây để học tập. Anh chia sẻ: “Nếu học tập ở đó, quân đội đến và nói, 'bạn nên tham gia để bảo vệ đất nước. Nhưng thực tế không phải là bảo vệ [đất nước của bạn], mà chỉ cần giết người và ăn cắp từ những nạn nhân. Tôi không thể giết chết bất cứ ai, vì vậy tôi quyết định rời khỏi đây."

Ban đầu Mnin đã lên kế hoạch di cư đến Anh nhưng sau khi biết được tin nhiều người tị nạn đã chết trong khi tìm cách đi lậu qua đường hầm eo biển Manche hay còn gọi là Channel tunnel.

Sau đó Mnin được khuyến khích đến Thụy Điển. “Đó là một đất nước xinh đẹp với những con người thân thiện," anh nói. "Ở đây có nhân quyền mà thời điểm này quá khó để tìm thấy nhân quyền."

Sozdar Ayo, Anh

Sozdar Ayo là một cô gái trẻ 14 tuổi đam mê đánh đàn guitar đã qua đời 9 tháng trước tại Thổ Nhĩ Kỳ. Cô cùng với bố mẹ và 2 người anh em trai đã may mắn sống sót sau một vụ đánh bom và trải qua chuyến đi địa ngục xuyên qua miền Bắc Syria. Thị trấn nơi gia đình cô ở bị tấn công bởi lực lượng không quân Bashar al-Asad. Sau 1 năm ròng rã di chuyển giữa các lán trại của người tị nạn, Sodar được chuẩn đoán bị mắc bệnh tim. Vào một ngày tháng 12, cô đã trút hơi thở cuối cùng – chỉ đúng 3 ngày trước khi gia đình cô nhận được tin được tái định cư tại Anh – nơi có thể cứu lấy cô.

“Chúng tôi không muốn trở thành những người tị nạn, chúng tôi chỉ muốn chữa trị cho con gái. Nhưng đã quá muộn.” Người cha nói về chuyện đã qua mà hai hàng nước mắt rưng rưng. Mẹ Sozdar Ayo chia sẻ: “Con bé biết nó sẽ chết nhưng nó vẫn mơ về nước Anh – nơi mà cả gia đình sẽ được cứu.”

Gia đình Ayo trong mảnh vườn tại Anh

Các thành viên còn lại trong gia đình Sozdar Ayo đến Anh vào tháng 2 sau khi được phê duyệt bởi cơ quan tái định cư VPR. Họ tỏ lòng biết ơn đến nước Anh nhưng ngược lại họ đổ lỗi cho chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ về cái chết của người con gái. “Họ đối xử với con gái chúng tôi tàn nhẫn, chẳng giống như một vị bác sĩ đối xử với người bệnh. Họ không còn tính người. ” Theo thông tin từ phía gia đình cung cấp, con gái của hộ cần được ghép tim do biến chứng từ việc chữa trị viêm ruột thừa. Tuy nhiên giới chức Thổ Nhĩ Kỳ từ chối chữa trị cho cô trong khi tiếp nhận 1,7 triệu người tị nạn Syria với lý do cô không có hộ chiếu.

Sozdar đã qua đời vì bệnh tim

Ở Syria, gia đình cô thuộc tầng lớp trung lưu. Họ đều không muốn rời khỏi nơi đây. Nhưng kể từ khi quân đội Syria chiếm đóng thành phố cuối năm 2012, khi mà những chiếc máy bay bắt đầu ném bom xuống thành phố, họ đã nhận ra rằng an toàn không tồn tại ở Syria.

Murad Abdul, Đức

Tờ mờ sáng, chúng tôi bắt gặp Murad Abdul tại ga tàu, chuyến tàu sắp tới sẽ mang gia đình anh đến với nước Đức. Hàng chục năm nay, anh chưa được gặp mặt người thân trong gia đình mình.

Khi tàu về đến ga Munich, anh ta nhảy lên, hai tay vẫy vẫy, miệng thì không ngừng gọi tên từng thành viên trong gia đình. Những người Syria không được xuống ngay ga Munich mà phải di chuyển đến một ga khác.

Một số người Syria nổi khùng với cảnh sát khi họ không được đứng tại khu vực sân ga để nhìn qua những ô cửa sổ xem có người thân của họ ở đó không. Họ bắt đầu những lời lẽ mắng mỏ cảnh sát. Nhưng Abdul vẫn giữ thái độ bình tĩnh. Anh cảm thấy biết ơn những cảnh sát ở đây. Anh luôn nói rằng, nước Đức là người cha, người mẹ thứ hai của mình. “Khi tôi đến đây, nước Đức cho tôi đồ ăn và một nơi để ngủ.”

Murad Abdul

Cộng đồng người Syria ở Đức rất coi trọng công tác đón chào những người mới đến. Họ không ồn ào như nhiều đám đông cổ vũ ở Đức với các băng rôn biểu ngữ chào đón những người tị nạn khi họ bước ra khỏi xe lửa. Nhưng họ ở lại nhà ga đến tận lúc trời tối muộn giữa tiết trời rét buốt trong khi những người khác đã trở về nhà. Họ thường là những người thông thạo tiếng Đức và làm việc như một thông dịch viên ngẫu hứng, giúp đỡ những người mới đến.

Abdul đã sống ở Munich khoảng một năm. Nhưng hành trình đã mang anh tới đây phức tạp hơn hầu hết những người khác. Cách đây khoảng 1 thập kỷ, từ trước khi chiến tranh nổ ra,anh đã bỏ ngôi làng nhỏ thuộc một tỉnh miền Bắc Syria để đi thuyền từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Hy Lạp, nơi anh sinh sống trong suốt 8 năm với những công việc như thợ sơn hoặc phục vụ trong nhà hàng. Khi khủng hoảng kinh tế khiến Hy Lạp khốn đốn, anh lại quyết định di cư đến Đức, và ở nơi đây anh được cấp thẻ tị nạn.

Thảo Trang

The Independent

Trở lên trên