Ông lớn dầu mỏ vẫn kiếm bộn tiền khi giá giảm
Các công ty dầu mỏ lớn nhất châu Âu đang nhận được sự hỗ trợ từ một yếu tố mà họ không ngờ tới trong bối cảnh ngành này phải đối mặt với cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ khủng hoảng tài chính: giá dầu giảm.
- 05-03-2015Giá dầu "đào mỏ" báo cáo tài chính của các tập đoàn
- 27-02-2015Lợi thế cuộc chiến giá dầu đang nghiêng về OPEC
- 25-02-2015Giá dầu: Giảm để thay đổi
Nội dung nổi bật:
- BP, Shell và Total không chỉ là những nhà sản xuất dầu khí lớn. Doanh thu đến từ mảng kinh doanh các hợp đồng phái sinh hàng hóa cũng đóng góp một phần không nhỏ trong kết quả kinh doanh của 3 hãng này.
- Giá dầu giảm đem đến cơ hội kiếm bộn tiền nhờ tận dụng lợi thế chênh lệch giá.
Mặc dù được biết đến nhiều hơn bởi những giếng dầu, các nhà máy lọc dầu hay những câu xăng, các tập đoàn BP, Royal Dutch Shell và Total cũng là những công ty buôn bán dầu mỏ lớn nhất thế giới. Họ cung cấp toàn bộ lượng dầu thô và các sản phẩm lọc dầu được tiêu thụ ở Nhật Bản, Ấn Độ, Đức, Pháp, Italy, Tây Ban Nha và Hà Lan mỗi ngày.
BP, Shell và Total – nhóm tam hùng trên thị trường phái sinh dầu và các sản phẩm làm từ dầu thô – vốn không được nhiều người ngoài ngành biết đến. Tuy nhiên, đây là những cái tên sẽ gặt hái được thành công trong năm 2015 bởi “con gấu” trên thị trường dầu mỏ cho phép họ gia tăng lợi nhuận bằng con đường đầu cơ.
Các công ty này từ chối tiết lộ họ thu được bao nhiêu tiền từ mảng giao dịch hàng hóa, nhưng có thể đưa ra con số ước tính từ các dữ liệu lịch sử. Trong quý I/2009, BP cho biết thu nhập từ mảng này tăng hơn 500 triệu USD so với mức bình thường. Điều đó có nghĩa là kinh doanh hàng hóa chiếm ít nhất 20% tổng thu nhập 2,38 tỷ USD của BP trong quý đó.
Lần gần đây nhất một “ông lớn” dầu khí châu Âu tiết lộ lợi nhuận từ mảng giao dịch là cách đây 1 thập kỷ. Khi đó BP cho biết họ kiếm được 2,97 tỷ USD trong năm 2005, tương đương 10% tổng lợi nhuận cả năm của tập đoàn.
Mặc dù lợi nhuận từ giao dịch sẽ không thể bù đắp số doanh thu mất mát vì giá dầu giảm, đây sẽ là “cứu cánh” giúp BP, Total và Shell chống chọi với khủng hoảng và có được kết quả kinh doanh vượt dự báo.
Từ những sàn giao dịch có cấu trúc giống với các ngân hàng trên phố Wall được đặt tại những thành phố Geneva, London, Houston, Chicago và Singapore, kinh doanh dầu mỏ có thể đem đến cho BP, Shell và Total lợi thế lớn so với các đối thủ. Các tập đoàn dầu khí Mỹ như Exxon Mobil hay Chevron chỉ chú trọng vào việc bán sản phẩm mà họ khai thác được. Statoil, Eni và Lukoil cũng có các bàn giao dịch, nhưng rất ít công ty niêm yết mở rộng hoạt động kinh doanh như bộ ba nói trên.
Mỗi ngày, lượng dầu thô và các loại nhiên liệu được giao dịch bởi BP, Shell và Total khá nhỏ bé so với tổng khối lượng được giao dịch qua các công ty hàng hóa độc lập như Vitol, Glencore, Trafigura, Mercuria và Gunvor. Tuy nhiên, theo Roland Rechtsteiner – chuyên gia đến từ Oliver Wyman, bộ phận kinh doanh hàng hóa của các tập đoàn sản xuất dầu khí đang đứng trước cơ hội lớn trong năm nay.
Có một vài nhân tố giúp giải thích tại sao thu nhập từ mảng kinh doanh dầu mỏ sẽ tăng lên. Thứ nhất, sau nhiều năm giá cả ổn định, mức độ biến động của thị trường đã tăng lên, cho phép các nhà giao dịch đặt cược nhiều hơn vào xu hướng của thị trường. Thứ hai, nguồn cung dư thừa đã đẩy giá dầu vào trạng thái “contango”. Contango là trạng thái giá kỳ hạn cao hơn giá hiện tại và do đó cho phép các nhà giao dịch mua vào bằng giá rẻ, tích trữ và sau đó mới bán ra ở mức giá cao hơn. Điều đặc biệt là trạng thái này hiếm khi xảy ra. Thứ ba, giá thấp hơn cũng có nghĩa là các công ty cần ít vốn hơn.
Hiện giá mỗi thùng dầu thô biển Bắc giao ngay đang thấp hơn hợp đồng kỳ hạn 1 năm 7,18 USD. Tháng 12/2008, mức chênh lệch lên cao kỷ lục 17,93 USD.
Ngoài dầu thô, BP, Total và Shell còn kinh doanh nhiều sản phẩm hóa dầu, từ xăng đến dầu nhiên liệu, cộng thêm các sản phẩm hóa chất, khí đốt, tiền tệ và thậm chí là cả kim loại.
Quy mô của BP và Shell ở thị trường hàng hóa phái sinh lớn đến nỗi hai công ty này đã đăng ký giấy phép kinh doanh hợp đồng hoán đổi ở Mỹ. Cùng với tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp Cargill, họ là 3 công ty phi tài chính duy nhất ở Mỹ kinh doanh hợp đồng hoán đổi.
BP có khoảng 3.000 nhân viên kinh doanh hoạt động trên các sàn giao dịch ở London, Chicago, Singapore và các thành phố khác. Mảng kinh doanh hàng hóa của Total cũng có 500 nhân viên hoạt động ở Geneva, Houston và Singapore. Bộ ba BP, Shell và Total giao dịch ít nhất 15 triệu thùng dầu và các sản phẩm hóa dầu mỗi ngày.
>>> Giới đầu cơ tìm vận đỏ với giá dầu
Thu Hương