Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng: Hãy để thị trường lên tiếng
Chính phủ đang điều hành kinh tế theo thị trường nên giá hàng hóa nói chung và giá vốn NH nói riêng cũng sẽ được hình thành trên cơ sở cung - cầu trên thị trường, không nên can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính.
- 23-08-2016Hé mở nguồn tiền dùng tái cơ cấu ngân hàng
- 23-08-2016Ngân hàng Nhà nước trước mục tiêu lý tưởng
- 19-08-2016Thêm một phản ánh ngân hàng thừa tiền
Áp dụng Basel II là tất yếu
Theo dự thảo Kế hoạch tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa đưa ra, có hai mục tiêu đối với NH đang được dư luận quan tâm. Đó là mục tiêu đến 2020 giảm lãi suất cho vay (LSCV) xuống khoảng 5%/năm và đảm bảo 70% NHTM thực hiện đầy đủ Basel II.
Theo khảo sát của phóng viên, đối với mục tiêu 70% số NHTM thực hiện đầy đủ Basel II các chuyên gia NH đều cho rằng không quá khó để đạt được. Hiện tại, NHNN cũng đã chọn 10 NH thực hiện thí điểm Basel II mà quy mô của 10 NH này đã chiếm khoảng 60 - 70% thị phần. Tuy nhiên, vấn đề mà TS. Cấn Văn Lực băn khoăn là dự thảo định đưa ra con số trên hàm ý về số lượng các NH hay về quy mô thị phần cũng cần được nói rõ hơn. Nhưng dù là về số lượng hay thị phần thì theo nhận định, TS. Cấn Văn Lực khả năng vẫn thực hiện được.
Thực tế, một số NH đang rậm rịch chuẩn bị kế hoạch áp dụng quy định tại Basel II như tăng vốn điều lệ, cải thiện hệ số CAR, áp dụng các quy định khắt khe với phân nhóm nợ… Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng cho biết, sang năm 2017, OCB chính thức áp dụng Basel II. Tuy việc áp dụng thí điểm Basel II sẽ tạo áp lực tăng vốn và làm tăng chi phí hoạt động cho các NH trong năm nay, nhưng các NH vẫn xác định, trong bối cảnh hội nhập, họ phải nhanh chóng đáp ứng tiêu chuẩn Basel II, nếu không muốn đứng ngoài cuộc chơi.
Không có cơ sở áp đặt lãi suất
Trái ngược với sự đồng tình về lộ trình áp dụng Basel II tại bản Dự thảo trên, mục tiêu đến năm 2020 đưa LSCV về 5%/năm vấp phải sự phản ứng của các chuyên gia. Không có cơ sở nào để Dự thảo “ấn định” LSCV như vậy. TS. Vũ Đình Ánh bày tỏ sự ngạc nhiên với con số 5%/năm. “Lãi suất là biến số thị trường không ai có thể lên kế hoạch kiểu như vậy được. Để ra mức LSCV, NH phải tính toán bao nhiêu thứ kèm theo”, TS. Ánh đưa ra quan điểm.
Mặt khác, theo TS. Ánh, lãi suất chỉ là một trong những công cụ tái cơ cấu chứ không phải là mục tiêu tái cơ cấu. Do đó, ông hoàn toàn không đồng tình với việc đặt ra chỉ tiêu về LSCV trong Dự thảo trên. Bởi vấn đề quan trọng nhất trong tái cơ cấu hiện nay là phải xây dựng mô hình tăng trưởng với cơ cấu kinh tế phù hợp.
Ông phân tích: để đạt cơ cấu kinh tế “lý tưởng” cho nền kinh tế thì cần phải xem xét nên tăng, giảm cái gì, sử dụng yếu tố sản xuất ra sao, rồi phải tính xem chúng ta cần bao nhiêu nguồn vốn tín dụng, đầu tư vào đâu để có được cơ cấu kinh tế đấy, và để có nguồn vốn tín dụng thì phải huy động từ kênh đầu tư nào… chứ không đơn thuần chỉ là đưa ra con số một cách áp đặt duy ý chí như vậy.
Đồng tình với quan điểm không nên áp đặt mức LSCV tại Dự thảo tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016 – 2020, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, Chính phủ đang điều hành kinh tế theo thị trường nên giá hàng hóa nói chung và giá vốn NH nói riêng cũng sẽ được hình thành trên cơ sở cung - cầu trên thị trường, không nên can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính.
Đặc biệt, đến năm 2018, Việt Nam đang mong muốn được công nhận nền kinh tế thị trường đầy đủ, nên không thể có chuyện áp đặt trần LSCV làm méo mó thị trường. Thay vì áp mức LSCV mục tiêu thì theo TS. Cấn Văn Lực nên điều hành kinh tế bằng lạm phát mục tiêu. Đây là giải pháp điều hành chính sách tiền tệ tương đối hiện đại và phù hợp với xu thế hiện nay. Nhất là khi nền kinh tế hội nhập sâu rộng và mong muốn NHTW hiện đại, độc lập hơn, thì điều hành theo lạm phát mục tiêu là rất phù hợp và giải pháp này khả thi hơn cả.
Còn thực tế, thời điểm này muốn giảm LSCV thì phải ngóng lãi suất huy động, mà lãi suất huy động lại phụ thuộc vào lạm phát. Lạm phát không những ảnh hưởng đến lãi suất huy động, cho vay mà còn ảnh hưởng nhiều mặt khác của nền kinh tế. “Tóm lại, muốn điều hành kinh tế hiệu quả phải “túm” lạm phát chứ không phải là LSCV”, vị này nhấn mạnh.
Không nên ép tái cơ cấu bằng con số “hành chính”
Một nội dung đáng chú ý khác được Đề án nêu ra trong nhóm giải pháp đẩy mạnh tái cơ cấu ngành NH là áp dụng biện pháp phá sản đối với các TCTD yếu kém mà không ảnh hưởng đến sự an toàn, ổn định của hệ thống TCTD. Giải pháp này được cho là cần thiết phải tính đến, nhằm tăng tính cạnh tranh, đảm bảo an toàn cho toàn hệ thống. TS. Cấn Văn Lực cho rằng, NH nào quá yếu kém mà nếu giữ lại sẽ gây tốn kém hơn thì nên cho phép phá sản. Điều này cũng thể hiện quyết tâm thực hiện nền kinh tế thị trường. Tất nhiên, khi cho NH phá sản, phải có cơ chế xử lý khủng hoảng (nếu có) hoàn thiện như: khung pháp lý, phương án xử lý NH phá sản, quy trình phối kết hợp, truyền thông…
Việt Nam mong muốn được công nhận là nền kinh tế thị trường đầy đủ vào năm 2018
Dù trong Dự thảo không đưa ra con số NH cần phải giảm bớt trong quá trình tái cơ cấu, như đã có ý kiến đề xuất, sau tái cơ cấu hệ thống NH chỉ nên còn 15 – 20 NH. Nhưng một số chuyên gia cho rằng, chúng ta xác định rõ mục tiêu tái cơ cấu hệ thống NH là lành mạnh hóa, nâng cao chất lượng hoạt động, hội nhập sâu rộng hay chỉ là tái cơ cấu về cơ học. Nếu mục tiêu ở vế một thì số lượng NH bao nhiêu không quan trọng.
Mà điều quan trọng hơn là tăng khả năng tiếp cận dịch vụ NH đối với người dân và DN. Lúc bấy giờ vấn đề soi xét không phải là tính xem hệ thống có 30 hay 40 NH mà tập trung xem các NH phân bổ mạng lưới chi nhánh, ATM, dịch vụ NH điện tử hiện đại phục vụ người dân, DN tốt hơn. “Thay vì khống chế số lượng NH, chúng ta phải hướng đến mục tiêu cao hơn là phải tăng tỷ lệ tiếp cận dịch vụ tài chính NH của người dân và DN. Thực tế không có nước nào khống chế số lượng NH”, TS. Cấn Văn Lực nêu rõ quan điểm.
Và trong quá trình tái cơ cấu, nếu NH nào không thể trụ lại được buộc phải tính đến phương án sáp nhập, thậm chí là phá sản. Theo đó, hệ thống NH sẽ bớt đi NH yếu kém và hình thành một số NH lớn hơn.
Như tại Mỹ, trước khi tái cơ cấu có khoảng 20 nghìn NH, hiện tại chỉ còn 7 nghìn NH. Hay tại các nước trong khu vực như Indonesia, Thái Lan, hậu tái cơ cấu cũng giảm đi mấy chục NH, công ty tài chính. “Tất cả đều do thị trường quyết định, nếu NH nào không chịu được áp lực, thích ứng được với môi trường kinh doanh thì sẽ tự đào thải, chứ không cần phải sử dụng các biện pháp hành chính” - một chuyên gia NH nhấn mạnh.
Thời báo Ngân hàng