MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tái cơ cấu và 'số phận' 3 ngân hàng 0 đồng

24-10-2019 - 10:40 AM | Tài chính - ngân hàng

“Việc triển khai cơ cấu lại 03 ngân hàng mua bắt buộc là một quá trình khó khăn, phức tạp, chưa có tiền lệ, phải phối hợp chặt chẽ và lấy ý kiến của nhiều Bộ, ngành và các cơ quan liên quan và phụ thuộc vào kết quả đàm phán với các nhà đầu tư” - Thông tin tới Quốc hội kỳ họp này, Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định.

Tắc bởi cơ chế

Tuần vừa rồi, tôi có việc ngồi với một nhân viên đang làm ở ngân hàng 0 đồng (Oceanbank). Nghe cô ngậm ngùi: “Thấm thoát, đã 5 năm kể từ ngày anh Thắm (Ông Hà Văn Thắm, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Oceanbank) bị bắt. Từ đó đến nay, bọn em vẫn sống, vẫn làm việc nhưng trong tâm trạng chờ đợi khắc khoải chị ạ. Ngoài việc hàng trăm cán bộ nhân viên bị khởi tố, điều mong chờ phấp phỏng nhất chính là bao giờ ngân hàng được bán lại cho đối tác ngoại. Giờ bọn em chỉ biết ngồi chờ trong lúc làm sản phẩm marketing, huy động tiền gửi và được phép tham gia vào một phần các khoản vay qua ngân hàng khác đứng thu xếp vốn”.

Chuyện kể của nữ nhân viên này, tôi nghe không lạ. Bởi gần năm nay, thấy đề án tái cơ cấu ngân hàng đặc biệt việc bán lại 3 ngân hàng 0 đồng của NHNN có vẻ nhiều đang dậm chân tại chỗ. Cũng hơn một lần trong cuộc trò chuyện trao đổi về tái cơ cấu hệ thống, một lãnh đạo NHNN cũng thừa nhận đang gặp khó và quan  trọng nhất, cần sự đồng thuận giữa các bộ ngành. “Ví như tìm kiếm được đối tác ngoại vào mua 0 đồng đã khó, nhưng xin cơ chế để  tái cơ cấu được còn khó hơn, bởi đứng ở góc độ mỗi bộ ngành sẽ có những quan điểm khác nhau. Thậm chí, nếu chúng ta vừa muốn đối tác bỏ tiền ngàn cứu ngân hàng 0 đồng lại còn muốn thu thuế họ ngay khoản đầu tư “chết” đó, sẽ rất khó”, vị đại diện NHNN chia sẻ.

Còn  trong báo cáo mới đây gửi Quốc hội, ngoài kết quả hoạt động xử lý nợ xấu, NHNN cũng thông tin về tình hình hoạt động của nhóm 3 ngân hàng “0 đồng” (Oceanbank, CBBank và GPBank) bị mua lại bắt buộc và Ngân hàng DongABank.

Theo đó, NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng này xây dựng phương án cơ cấu lại hoạt động. Trong đó, các ngân hàng nói trên đã tìm kiếm đối tác, đàm phán với các nhà đầu tư trong và ngoài nước có nguyện vọng tham gia phương án cơ cấu. Theo NHNN, đến nay, cơ quan này đã trình Thủ tướng phê duyệt phương án cơ cấu lại Ngân hàng Oceanbank. Đối với CBBank, NHNN đang lấy ý kiến các Bộ, ngành liên quan đối với dự thảo phương án cơ cấu lại theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Tích cực tìm đối  tác  

Trong diễn biến mới nhất liên quan hoạt động của DongABank, nhà băng này cho biết do hoạt động thua lỗ nhiều năm nên ngân hàng đang trong tình trạng âm vốn chủ sở hữu. Vì vậy, DongABank đã trình cổ đông thông qua kế hoạch phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư để tăng vốn. Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị Đại hội cổ đông không thông qua.

Dù phương án này không được thông qua, đại diện DongABank cho biết kết quả này sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Theo đó, HĐQT sẽ báo cáo Ban kiểm soát đặc biệt DongABank, NHNN để xem xét tái cơ cấu ngân hàng theo phương án khác theo quy định.

Theo báo cáo của NHNN, thời gian qua, NHNN đã chỉ đạo quyết liệt các ngân hàng này xây dựng, hoàn thiện phương án cơ cấu lại/phương án phục hồi. Các ngân hàng đã chủ động, tích cực tìm kiếm đối tác, đàm phán với các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài có nguyện vọng tham gia phương án cơ cấu lại. Đến nay, NHNN đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cơ cấu lại NH Đại Dương. Đối với NH Xây dựng, NHNN đang lấy ý kiến các Bộ, ngành liên quan đối với dự thảo phương án cơ cấu lại theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Nợ xấu đã xử lý được một bước quan trọng nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với an toàn, hiệu quả hoạt động của các TCTD. Nợ xấu hiện đang tập trung chủ yếu ở các TCTD yếu kém, tuy nhiên còn gặp nhiều khó khăn do để xử lý dứt điểm nợ xấu, thu hồi tài sản không sinh lời của các TCTD này đòi hỏi phải có cơ chế phân bổ tổn thất, giảm nhẹ gánh nặng tài chính bằng chính sách tài chính phù hợp để TCTD hấp thụ dần tổn thất, vượt qua được khó khăn tài chính. Bên cạnh đó, việc xử lý, thu hồi nợ và TSBĐ của các ngân hàng mua bắt buộc khó khăn do phần lớn TSBĐ cho các khoản nợ đều đang bị kê biên, liên quan đến các vụ án, hồ sơ pháp lý chưa hoàn chỉnh.

Đến cuối tháng 8/2019, vốn điều lệ của các NHTMCP đạt 270 nghìn tỷ đồng, tăng 1,3% so với cuối năm 2018; tổng tài sản có đạt 4.918 nghìn tỷ đồng, tăng 8,0% so với cuối năm 2018; cho vay thị trường 1 đạt 3.033 nghìn tỷ đồng, tăng 11,3% so với cuối năm 2018.



Theo Khánh Huyền

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên