MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tài liệu hướng dẫn của IFC: Người lao động bị cách ly theo yêu cầu của Cơ quan y tế, doanh nghiệp sẽ trả lương như thế nào?

23-03-2020 - 20:23 PM | Doanh nghiệp

Do vậy, trong trường hợp vì dịch bệnh diễn biến xấu, ảnh hưởng tới tình hình sản xuất kinh doanh mà doanh nghiệp phải cắt giảm lao động thì doanh nghiệp được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động.

Công ty tài chính quốc tế IFC và tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) vừa đưa ra tài liệu hướng dẫn phòng, tránh dịch Covid-19 dành cho các nhà máy dệt may, da giày sử dụng nhiều lao động. 

Tài liệu này được phát triển bởi Chương trình Better Work Vietnam dựa trên Hướng dẫn về việc phòng, chống dịch cúm Covid-19 của Bộ Y Tế, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và thông qua tham vấn với Bộ Lao động – Thương binh xã hội, nhằm hỗ trợ các nhà máy giảm thiểu rủi ro khi ứng phó với dịch.

Tài liệu được trình bày dưới dạng 20 câu hỏi – đáp, chia thành 2 phần, tập trung hướng dẫn các lĩnh vực hoạt động chủ yếu của doanh nghiệp như quản lý nguồn nhân lực và tuân thủ các tiêu chuẩn lao động.

Một trong số các câu trả lời trong tài liệu sẽ giải thích rõ ràng hơn về quyền lợi của cán bộ nhân viên trong trường hợp gián đoạn sản xuất tại nơi làm việc. Hiện nay nhiều doanh nghiệp đã tính đến phương án "ngủ đông", tức là cho nhân viên nghỉ phép để cắt giảm chi phí nhưng không sa thải lao động. Vậy quyền lợi của người lao động trong trường hợp này như thế nào?

Trong trường hợp người lao động bị cách ly theo yêu cầu của Cơ quan y tế địa phương, việc chi trả lương cho người lao động xử lý thế nào?

Trong trường hợp người lao động bị cách ly theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, Ban lãnh đạo Doanh nghiệp có thể tham khảo Khoản 3 Điều 98 Bộ Luật lao động, quy định về trả lương trong trường hợp ngừng việc vì lý do bất khả kháng, bao gồm dịch bệnh, theo đó, doanh nghiệp trả lương cho người lao động theo mức hai bên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.

Trong trường hợp người lao động xin nghỉ phép do lo ngại từ ca nghi nhiễm virus Covid-19 tại nhà máy, Doanh nghiệp phải xử lý thế nào?

Theo Khoản 2 Điều 140 Bộ Luật lao động năm 2012, người lao động có quyền từ chối làm việc hoặc rời bỏ nơi làm việc mà vẫn được tra đủ tiền lương và không bị coi là vi phạm kỷ luật lao động khi thấy có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe của mình.

Trường hợp này có thể phát sinh, ví dụ như khi nhà máy có quản lý bị nghi nhiễm virus Covid-19 trở về từ tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc trong vòng 14 ngày mà nhà máy không báo cáo hoặc cách ly theo yêu cầu của Cơ quan y tế tại địa phương.

Để tránh những trường hợp tương tự, doanh nghiệp nên thực hiện biện pháp cần thiết để đảm bảo an toàn lao động theo yêu cầu của Cơ quan y tế tại địa phương, và tích cực truyền thông, trao đổi với người lao động để họ cảm thấy an toàn tại nơi làm việc. Ngoài ra, Ban lãnh đạo nên cử thành viên là đại diện công nhân tham gia vào Nhóm phụ trách y tế để thực hiện công tác phòng, chống dịch tại nhà máy.

Người lao động được chi trả lương thế nào trong thời gian gián đoạn sản xuất để phòng, chống dịch Covid-19 tại nơi làm việc?

Trong một số trường hợp, doanh nghiệp có thể bị gián đoạn hoạt động sản xuất để ưu tiên các hoạt động phòng, chống dịch, ví dụ như tiêu độc khử trùng, đào tạo, truyền thông hoặc trong trường hợp xấu nhất, phải tạm thời đóng cửa hoặc ngưng sản xuất.

Trách nhiệm đảm bảo an toàn vệ sinh lao động tại nhà máy trước tiên là của Doanh nghiệp. Do vậy, theo luật lao động, người lao động phải được chi trả lương trong thời gian hoạt động sản xuất bị gián đoạn để ưu tiên các hoạt động này (ví dụ: hoạt động tập huấn, công tác truyền thông, khử trùng tại nhà máy). Cán bộ nhân sự nhà máy có thể tham khảo thêm thông tin tại Điều 3, Nghị định 45/2013/ND-CP.

Trong trường hợp hoạt động sản xuất bị gián đoán để ưu tiên công tác khử trùng hoặc cách ly theo yêu cầu của cơ quan y tế địa phương, doanh nghiệp có thể tham khảo Khoản 3 Điều 98 của Bộ Luật lao động, quy định về việc chi trả lương trong trường hợp doanh nghiệp gián đoạn sản xuất vì lý do bất khả kháng, bao gồm cả dịch bệnh. Theo đó, tiền lương ngừng việc được doanh nghiệp chi trả thông qua thương lượng với người lao động nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu.

Người lao động được chi trả lương thế nào trong trường hợp hoạt động sản xuất bị gián đoạn do thiếu nguyên liệu?

Trong trường hợp người lao động vẫn làm việc tại công xưởng nhưng hoạt động sản xuất bị gián đoạn do thiếu nguyên phụ liệu do dịch bệnh, Doanh nghiệp có thể tham khảo thông tin tại Khoản 3 Điều 98 Bộ Luật lao động về việc chi trả lương trong trường hợp ngừng việc vì lý do khách quan, bao gồm cả dịch bệnh. Theo đó tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.

Để tránh trường hợp phải ngừng việc, doanh nghiệp cần chủ động rà soát danh sách nhà cung ứng, trao đổi và thảo luận với các đối tác, nhãn hàng để tìm phương hướng xử lý trong trường hợp việc vận chuyển nguyên vật liệu bị gián đoạn trong giai đoạn dịch Covid- 19 bùng phát. Trong trường hợp gián đoạn hoạt động sản xuất hoặc yêu cầu người lao động làm ngoài giờ để kịp thời gian giao hàng, Ban lãnh đạo cần trao đổi và thông báo trước về kế hoạch làm việc với người lao động. Đối thoại tại nơi làm việc là yếu tố then chốt để đạt đồng thuận và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh bền vững.

Tài liệu hướng dẫn của IFC: Người lao động bị cách ly theo yêu cầu của Cơ quan y tế, doanh nghiệp sẽ trả lương như thế nào? - Ảnh 2.

Doanh nghiệp được phép yêu cầu người lao động làm thêm giờ nguyên vật liệu vận chuyển chậm để kịp thời hạn giao hàng không?

Theo Luật Lao động Việt Nam, tổ chức làm thêm giờ là dựa trên cơ sở tự nguyện của người lao động. Ban lãnh đạo Doanh nghiệp nên lường trước các tình huống này để trao đổi trực tiếp với người lao động và đạt đồng thuận về việc tổ chức làm thêm giờ.

Tuy nhiên, Điều 107 Bộ luật Lao động 2012 quy định làm thêm giờ trong trường hợp đặc biệt, theo đó Người sử dụng lao động có quyền yêu cầu người lao động làm thêm giờ vào bất kỳ ngày nào và người lao động không được từ chối trong các trường hợp thực hiện các công việc nhằm bảo vệ tính mạng con người, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng ngừa và khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh và thảm họa. Vì vậy, nếu nguyên vật liệu bị vận chuyển chậm mà nguyên nhân do dịch bệnh thì doanh nghiệp có thể áp dụng theo Điều 107 nêu trên.

Khi huy động người lao động làm thêm giờ thì phải đảm bảo trả tiền lương làm thêm giờ đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, khi thực hiện theo Điều 107, Bộ luật Lao động, doanh nghiệp vẫn phải đảm bảo tuân thủ quy định về giới hạn làm thêm giờ theo quy định của luật hiện hành (đối với ngày may là thời giờ làm việc bình thường và thêm giờ trong 1 ngày không quá 12 tiếng, làm thêm giờ trong 1 tháng không quá 30 tiếng, và trong 1 năm không quá 300 tiếng).

Trường hợp do dịch bệnh diễn biến xấu, doanh nghiệp bắt buộc phải cắt giảm lao động, thì thực hiện như thế nào?

Điều 38 Bộ Luật Lao động quy định người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật, mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc.

Điều 12, Nghị định 05/2015/ND-CP hướng dẫn lý do bất khả kháng bao gồm cả dịch bệnh. Do vậy, trong trường hợp vì dịch bệnh diễn biến xấu, ảnh hưởng tới tình hình sản xuất kinh doanh mà doanh nghiệp phải cắt giảm lao động thì doanh nghiệp được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động.

Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, doanh nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ báo trước (Điều 38 khoản 2, Bộ luật Lao động), và chi trả trợ cấp thôi việc (điều 14.1 Nghị định 05/2015/ND-CP) cho người lao động.

Tài liệu hướng dẫn của IFC: Người lao động bị cách ly theo yêu cầu của Cơ quan y tế, doanh nghiệp sẽ trả lương như thế nào? - Ảnh 3.

Châu Cao (theo IFC)

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên