Tài sản không thể giải trình, không chứng minh là tham nhũng thì thu thuế 45%
Trong lần chỉnh sửa mới nhất, dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) được Chính phủ đề xuất quy định thu thuế thu nhập cá nhân 45% với những tài sản, thu nhập mà cán bộ không giải trình được nhưng cũng không chứng minh được là tài sản tham nhũng.
- 10-04-2018Tổng Bí thư: “Chống tham nhũng, ai nhụt chí thì dẹp sang bên để người khác làm“
- 29-03-2018Trở ngại nào khiến người dân “ngại” tố cáo, vạch mặt tham nhũng?
- 24-03-2018Để xảy ra tham nhũng sẽ bị xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ
- 08-02-2018Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Tham nhũng khó chống hơn giặc ngoại xâm
Sáng nay 11-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).
Về việc xử lý tài sản bất minh , góp ý dự luật trước đó, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung các quy định chi tiết về thu hồi, chế tài xử lý đối với tài sản không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp như nghiên cứu thêm các biện pháp thu hồi tài sản không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp thông qua thủ tục dân sự; quy định thủ tục tư pháp một cách công khai và chặt chẽ.
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) trên cơ sở ý kiến của Đại biểu Quốc hội, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho rằng việc xử lý tài sản, thu nhập chênh lệch do kê khai tài sản không trung thực hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm mà người kê khai không giải trình được một cách hợp lý có liên quan đến quyền sở hữu tài sản của người kê khai và vợ/chồng, con chưa thành niên của người kê khai.
Việc áp dụng các biện pháp xử lý trực tiếp đối với tài sản, thu nhập là một vấn đề phức tạp, ảnh hưởng đến quyền công dân, quyền con người đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013. Trường hợp áp dụng thì cũng cần phải sửa rất nhiều các đạo luật có liên quan mới được Quốc hội thông qua như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự.
Vì thế, việc quy định các biện pháp xử lý trực tiếp đối với tài sản, thu nhập kê khai không trung thực hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm mà không giải trình được một cách hợp lý trong dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi lần này là chưa thích hợp.
Từ những phân tích ở trên, Chính phủ đề xuất quy định về việc xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm và người kê khai không giải trình được một cách hợp lý về việc hình thành tài sản, thu nhập theo 2 phương án.
Cụ thể, dự thảo luật mới nhất đã bổ sung Điều 59 quy định về xử lý tài sản, thu nhập thực tế lớn hơn tài sản, thu nhập đã kê khai hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm mà người kê khai không giải trình được một cách hợp lý về phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm, theo 2 phương án.
Phương án 1: Cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập yêu cầu cơ quan thuế thực hiện việc thu thuế thu nhập cá nhân. Đồng thời, dự thảo Luật Sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân (bổ sung Điều 18a và điểm g khoản 2 Điều 23), quy định mức thuế suất 45% đối với thu nhập chịu thuế do vi phạm quy định của Luật Phòng chống tham nhũng (Điều 123 của dự thảo luật).
Phương án 2: Cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập yêu cầu cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền bằng 45% giá trị của phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm.
Đối với cả 2 phương án, dự thảo luật đều quy định người bị thu thuế hoặc bị xử phạt hành chính có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện tại tòa án hành chính về kết luận xác minh tài sản, thu nhập. Việc thu thuế hay xử phạt hành chính đều không loại trừ trách nhiệm hình sự nếu các cơ quan có thẩm quyền chứng minh tài sản đó do phạm tội mà có.
Tuy nhiên, trong 2 phương án trên, Chính phủ lựa chọn phương án 1, vì cho rằng phương án này phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể ở Việt Nam hiện nay. Phương án này cũng nhằm thể hiện thái độ của Nhà nước trong việc xử lý các khoản thu nhập, tài sản có nguồn gốc không rõ ràng khi cả người có nghĩa vụ kê khai và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đều không có đủ bằng chứng xác thực về căn cứ xác lập quyền sở hữu hợp pháp theo quy định của pháp luật.
Chính phủ lập luận việc đề xuất phương án trên thể hiện rõ tinh thần việc thu thuế không loại trừ trách nhiệm hình sự và tịch thu tài sản, thu nhập đối với người có nghĩa vụ kê khai, nếu như các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết một vụ án hình sự khác chứng minh được tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình một cách hợp lý có được hoặc có nguồn gốc từ hành vi phạm tội để tránh cách hiểu theo hướng hợp pháp hóa 55% giá trị còn lại của tài sản, thu nhập không có nguồn gốc rõ ràng hoặc trái với các quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền.
Báo cáo của Chính phủ cũng cho rằng việc thu thuế đối với phần tài sản, thu nhập chênh lệch giữa thực tế và kê khai hoặc tăng thêm chỉ được áp dụng sau khi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã tiến hành xác minh, kết luận người kê khai không giải trình được một cách hợp lý về việc hình thành phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm đó và chưa có đủ bằng chứng kết luận về phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm này có được hoặc có nguồn gốc từ hành vi phạm tội.
Vì vậy, phương án này phù hợp với quy định của Hiến pháp và Bộ luật Dân sự vì người kê khai đã không giải trình được tài sản, thu nhập này là hợp pháp, là của cải để dành theo Điều 32 Hiến pháp năm 2013 và không thuộc các trường hợp được xác lập quyền sở hữu theo Điều 221 Bộ Luật Dân sự.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga - Ảnh: Nguyễn Nam
Trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp (UBTP) Lê Thị Nga cho biết đây là vấn đề lớn, có liên quan đến quyền sở hữu tài sản là quyền cơ bản của công dân được Hiến định, nên việc xử lý theo phương án nào cần được cân nhắc rất kỹ, thận trọng để vừa bảo đảm quyền cơ bản của công dân, vừa đáp ứng yêu cầu phòng chống tham nhũng.
Chủ nhiệm UBTP nhìn nhận đặc điểm xã hội Việt Nam là người dân có truyền thống tích lũy, tiết kiệm, tặng cho, thừa kế trong gia đình; tài sản của cán bộ, công chức được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau (ngoài thu nhập từ lương thì nhiều người còn làm thêm để tăng thu nhập dưới nhiều hình thức) và nhà nước chưa kiểm soát được thu nhập của toàn xã hội, pháp luật hiện hành cũng chưa quy định buộc người dân phải chứng minh nguồn gốc hình thành số tiền để mua tài sản, nhất là những tài sản có giá trị lớn; chưa quy định đánh thuế đối với tài sản.... Trong bối cảnh đó, việc xác định tính hợp lý của nguồn gốc tài sản nói chung là vấn đề rất phức tạp.
Về mặt pháp lý không thể mặc nhiên coi tài sản không giải trình được hợp lý về nguồn gốc là tài sản tham nhũng để tịch thu bằng biện pháp hình sự theo hướng "suy đoán có tội". Mặt khác, nếu coi đó là tài sản của nhà nước để tiến hành xác lập quyền sở hữu nhà nước theo thủ tục tố tụng dân sự về giải quyết tranh chấp quyền sở hữu thì vừa không phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự.
"Lần đầu tiên chúng ta đặt vấn đề xử lý tài sản đó nên cần phải tiến hành thận trọng, có bước đi phù hợp. Cần quy định cụ thể tiêu chí làm căn cứ để xác định trường hợp nào được coi là "không giải trình được một cách hợp lý" để tránh tùy tiện, thiếu thống nhất trong áp dụng pháp luật" – Chủ nhiệm Lê Thị Nga góp ý.
Cũng theo bà Nga, ngoài 2 loại ý kiến ủng hộ hai phương án do Chính phủ trình thì có ý kiến đề nghị hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định
Cho ý kiến dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật (UBPL) Nguyễn Khắc Định cho biết Thường trực UBPL có họp và cùng không thống nhất cả 2 phương án (1 và 2). Ông Định cũng băn khoăn quy định "giải trình một cách không hợp lý" và "giải trình một cách không hợp lý" trong dự thảo luật được hiểu như thế nào, cần có quy định cụ thể, rõ ràng để áp dụng.
"Vì người ta có thể nói tài sản bố tôi, rồi ông tôi để lại mà việc xác định tài sản trước đây lại không hề dễ, chưa từng có tiền lệ thống kê"- ông Định phân tích.
Theo báo cáo giải trình, Luật Phòng chống tham nhũng hiện hành quy định đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản là cán bộ từ cấp phó phòng của UBND cấp huyện và tương đương trở lên; một số cán bộ, công chức cấp xã, người làm công tác quản lý ngân sách, tài sản của Nhà nước hoặc trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân. Các đối tượng này có nghĩa vụ kê khai tài sản hàng năm.
Chủ nhiệm Lê Thị Nga cũng cho biết dự thảo luật sửa đổi theo hướng, bên cạnh các đối tượng kê khai theo luật hiện hành, thì quy định mở rộng đối với mọi cán bộ, công chức đều phải có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập lần đầu.
Về quy định này, đa số ý kiến UBTP tán thành với quy định của dự thảo luật vì cho rằng, so với nhóm đối tượng được hưởng phụ cấp chức vụ từ 0,9 trở lên hoặc dưới 0,9 nhưng làm việc ở một số vị trí công tác trong lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao cần phải kiểm soát chặt chẽ thì trước mắt, để phù hợp với thực tế và khả thi, nhóm đối tượng cán bộ, công chức còn lại chỉ cần kiểm soát tài sản, thu nhập ở mức độ đơn giản hơn, với mục đích chủ yếu nhằm tạo cơ sở dữ liệu để so sánh, đối chiếu khi tài sản, thu nhập của họ có biến động từ 300 triệu đồng trở lên hoặc khi được bầu, phê chuẩn, bổ nhiệm vào các chức vụ cao hơn.
Đồng thời, so với luật hiện hành thì phương thức kê khai đã có sự thay đổi theo hướng thu hẹp đối tượng có nghĩa vụ kê khai hàng năm và kê khai lại (chỉ bao gồm những người giữ các chức vụ cao hoặc làm việc ở những vị trí có nguy cơ tham nhũng cao), qua đó nhằm bảo đảm tập trung nguồn lực cho việc kiểm soát tài sản, thu nhập, tăng cường ý thức tuân thủ của người kê khai, bảo đảm tính khả thi và góp phần khắc phục được tính hình thức của việc kiểm soát tài sản, thu nhập như thời gian qua. Quy định này cũng phù hợp với quan điểm của Đảng được nêu trong Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) là "tiến tới tất cả cán bộ, công chức là đảng viên đều phải kê khai tài sản".
Về quy định này, Chủ nhiệm UBPL Nguyễn Khắc Định cũng băn khoăn tại sao lại quy định 300 triệu, tại sao không là 200 triệu và 400 triệu thì cần phải làm rõ, phải có nghiên cứu thấu đáo để đi đến quyết định mức 300 triệu đưa vào luật.
Người lao động