Tại sao TP. HCM được nhiều tỷ phú “để mắt”, chọn phát triển trở thành trung tâm kinh tế, tài chính của châu Á?
TP. HCM đã được quyết định quy hoạch phát triển trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính của châu Á vào năm 2045.
- 29-05-2022Cận cảnh nơi Hà Nội dự kiến xây 8 cây cầu bắc qua sông Hồng
- 29-05-2022Lương tối thiểu giờ: Quá thấp!
- 29-05-2022Loại vải quý hiếm bậc nhất thế giới: Việt Nam là 1 trong 3 nước duy nhất sản xuất được
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM, mục tiêu đến năm 2025, thành phố phát triển thành đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, GRDP bình quân đầu người đạt 8.500 USD.
Đến năm 2030 sẽ là thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, thành phố văn hóa, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, GRDP bình quân đầu người khoảng 13.000 USD, là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á.
Tầm nhìn đến năm 2045, TP. HCM sẽ trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính của châu Á, phát triển bền vững, có chất lượng cuộc sống cao, GRDP bình quân đầu người khoảng 37.000 USD, là điểm đến thu hút dòng vốn FDI toàn cầu.
Theo quyết định của Chính phủ, TP. HCM quy hoạch phải gắn với tầm nhìn đến năm 2050, TP. HCM là đô thị thông minh, trình độ phát triển ngang tầm với các thành phố lớn khu vực Đông Nam Á và châu Á.
Đồng thời, thành phố cần tạo sự đột phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế dựa trên cơ cấu kinh tế hiện đại với nguồn nhân lực chất lượng cao và yếu tố đổi mới sáng tạo là trung tâm, có trình độ khoa học công nghệ phát triển và đời sống của người dân ở mức cao.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), khi xem xét các xu hướng toàn cầu quan trọng trong tương lai, kỷ nguyên châu Á sẽ bắt đầu, châu Á sẽ giữ vai trò là khu vực có đóng góp nhiều hơn phần còn lại của thế giới trong phát triển kinh tế toàn cầu.
Do đó, ngày càng có nhiều hoạt động kinh tế, đầu tư, thương mại diễn ra tại khu vực, dẫn đến xuất hiện nhiều nhu cầu và hoạt động tài chính. Đồng thời, kéo theo sự dịch chuyển và hình thành các trung tâm tài chính lớn của khu vực và thế giới.
Theo UBND TP. HCM, sự trỗi dậy của khu vực châu Á hiện nay là chất xúc tác quan trọng cho các hoạt động tài chính, nhất là cơ hội cho Việt Nam khi được đánh giá là điểm đến hấp dẫn hàng đầu trong các nền kinh tế mới nổi ở châu Á.
Cùng với đó, UBND TP.HCM nhận định: "Việt Nam nói chung và TP. HCM nói riêng đang đứng trước cơ hội có một không hai để hiện thực hóa khát vọng xây dựng một Trung tâm kinh tế, tài chính quan trọng của quốc gia, khu vực và thế giới".
Trên thực tế, TP. HCM có nhiều lợi thế mà các địa phương khác không có được. UBND thành phố cho biết, ngoài vị trí địa lý tự nhiên thuận lợi, TP. HCM đang là một đầu tàu động lực chủ yếu của nền kinh tế Việt Nam.
Thành phố chỉ chiếm khoảng 9,35% dân số và 0,63% diện tích cả nước nhưng trong các năm qua, TP. HCM đã đóng góp khoảng 23% GDP, gần 1/4 GDP quốc gia và khoảng 27% ngân sách quốc gia, thu hút 33,8% số dự án FDI của cả nước.
Cùng với đó, TP. HCM cũng là nơi ra đời thị trường chứng khoán của Việt Nam và hạ tầng tài chính có nhiều tiềm năng rất lớn với hệ thống các ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính trung gian, các quỹ đầu tư, công ty tài chính, công ty chứng khoán.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang ở múi giờ khác biệt với 21 trung tâm tài chính lớn nhất toàn cầu. Đây là lợi thế đặc biệt trong việc thu hút dòng vốn nhàn rỗi trong thời gian nghỉ giao dịch từ các trung tâm tài chính này. Do đó, TP. HCM đang sở hữu lợi thế tự nhiên sẵn có để phát triển các trung tâm kinh tế, tài chính trong thời gian tới.
TP. HCM không chỉ nằm ở múi giờ khác biệt mà còn nằm ở vị trí chỉ cách khoảng 3 giờ bay với các nền kinh tế năng động của châu Á như Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc, Philippines.
Trong nhiều năm, thành phố đã thu hút rất nhiều dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chiếm một lượng lớn đầu tư gián tiếp qua kênh mua bán - sáp nhập (M&A), các quỹ đầu tư mạo hiểm và kiều hối.
Tình hình thu hút vốn FDI của TP. HCM giai đoạn 2017-5 tháng đầu năm 2022 (tỷ USD). Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Trong giai đoạn 2017-5 tháng đầu năm 2022, TP. HCM luôn nằm trong top 3 địa phương thu hút nhiều vốn FDI nhất cả nước. 5 tháng đầu năm 2022, dòng vốn FDI chảy vào TP. HCM đạt khoản 1,3 tỷ USD, xếp thứ 3 trong danh sách các tỉnh thành thu hút dòng vốn FDI nhiều nhất cả nước.
Mới đây, Tập đoàn CK Asset Holdings Limited Group (Hồng Kông) của Tỷ phú Lý Gia Thành muốn đầu tư vào mảng hạ tầng và logistics của TP. HCM. Ngoài ra, nhà đầu tư Mỹ cho biết sẵn sàng rót 6 tỷ USD vào TP. HCM để xây dựng trung tâm tài chính quốc tế.
Cùng với đó, mật độ tập trung của các định chế tài chính của thành phố thuộc nhóm cao nhất cả nước. Điều này tạo điều kiện thuận lợi để hình thành và phát triển một trung tâm kinh tế, tài chính khu vực và quốc tế.
Chủ tịch UBND TP. HCM từng nhấn mạnh: "Thành công trong việc xây dựng trung tâm kinh tế, tài chính tại TP. HCM sẽ tác động tích cực đối với nguồn cung vốn - huyết mạch của nền kinh tế". Trung tâm kinh tế, tài chính sẽ tạo ra sự dịch chuyển của dòng vốn góp phần tạo sự phát triển cho kinh tế TP. HCM và cả nước.
Hơn nữa, việc phát triển trung tâm kinh tế, tài chính vươn tầm thế giới góp phần giúp thành phố thu hút thêm các nhà đầu tư cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức... và kéo theo sự phát triển của hệ sinh thái những sản phẩm, dịch vụ kinh doanh, tài chính phụ trợ (bảo hiểm, quản lý rủi ro, quản lý tài sản...). Theo đó, thành phố trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.