Tái thiết đô thị mới trong nội đô Hà Nội, “đất vàng” về tay ai?
Nhiều khu nhà tập thể cũ có diện tích rộng vài chục héc-ta, trường đại học, nhà máy cùng cơ sở sản xuất gây ô nhiễm sẽ phải di dời…đây là những quỹ “đất vàng” còn sót lại trong nội đô lịch sử sẽ được tái thiết xây đô thị mới.
Quy hoạch này được thể hiện trong Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong nội đô lịch sử gồm 5 quận trung tâm là Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng và Tây Hồ vừa được Thành phố Hà Nội phê duyệt.
Đây là khu vực phát triển đô thị được đầu tư xây dựng mới trên nền các công trình cũ đã bị phá bỏ của đô thị hiện hữu (các khu vực chung cư, tập thể cũ, khu đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các trụ sở cơ quan, đơn vị; Các khu đất được cấp thẩm quyền cho phép xây dựng), được xây dựng đồng bộ theo quy hoạch, có quy mô diện tích từ 2ha (20.000m2) trở lên.
Vậy những khu “đất vàng” và “đất kim cương” này nằm ở những đâu? Ai đang sở hữu những khu đất này?
Quỹ “đất vàng” ở các khu tập thể cũ sẽ đập đi xây mới
Theo Quy chế này, có 15 khu tập thể chung cư cũ gồm Nguyễn Công Trứ, Giảng Võ, Hào Nam, Ngọc Khánh, Bắc Thành Công, Nam Thành Công, Quỳnh Mai, Thanh Nhàn, Khương Trung, Phương Mai, Láng Hạ, Kim Liên, Vĩnh Hồ, Trung Tự và Văn Chương. Các khu tập thể này sẽ đập đi để xây mới các khu đô thị đa phần cao 21 tầng và 24 tầng, riêng khu Văn Chương được cao tối đa 18 tầng và Nguyễn Công Trứ cao tối đa 25 tầng.
Trong số này, nhiều khu chung cư đã và đang được xây mới. Chẳng hạn Dự án Nguyễn Công Trứ đang do Công ty cổ phần đầu tư xây dựng phát triển nhà số 7 HN (Handico 7) là chủ đầu tư; Khu nhà chung cư Láng Hạ cũng đang được đầu tư bởi Vinaconex; Một số tòa nhà chung cư ở Giảng Võ như B6 Giảng Võ cũng đã có tới 3 lần đổi chủ, dự án D2 Giảng Võ do Công ty Gia Bảo là chủ đầu tư…
Hiện tại, một số khu tập thể cũ vừa được thành phố phê duyệt quy hoạch như khu tập thể Kim Liên 41ha được quy hoạch là một đô thị mới đồng bộ hiện đại. Tuy nhiên, trước đó một số tòa chung cư đã được đập đi xây mới như từ B1 đến B14 do Cty CP Xây dựng Sông Hồng đầu tư xây dựng, B7, B10 (thực hiện thí điểm bằng nguồn vốn ngân sách) và B4, B14 (thực hiện theo phương thức xã hội hóa) đã hoàn thành và được đưa vào khai thác sử dụng.
B15, B16, B18, B19 Kim Liên do CTy CP Đầu tư thiết kế xây dựng Việt Nam được giao thực hiện; Khu C1, C2, C3 được giao cho CTy CP Cơ khí Xây dựng số 18 thực hiện.
Đáng chú ý nhất là khu đất vàng 24ha tại khu tập thể Ngọc Khánh (Ba Đình), vừa được thành phố duyệt quy hoạch, trong đó tất cả các công trình cao tầng phải xây dựng tối thiểu 3 tầng hầm hầm, nhà vệ sinh công cộng. Chiều cao công trình tối đa 21 tầng. Khu đất này chưa xuất hiện chủ đầu tư.
Tân Hoàng Minh, Văn Phú Invest…ông chủ đất vàng nhà máy, trường đại học
Một quỹ đất vàng khác cũng được nhiều đại gia địa ốc săn lùng đó là các nhà máy cũ, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm và các trường đại học. Kết quả rà soát của Sở Tài nguyên Môi trường cho thấy, khu nội thành Hà Nội có 209 cơ sở cần di dời. Tuy nhiên, ở nội đô hiện nay cũng chỉ còn lại một số khu nhà máy cũ có diện tích lớn đáng chú ý, và gần như các khu này đã có đại gia nhòm ngó, thậm chí đã công bố sở hữu.
Có thể điểm qua như Nhà máy In Tiến Bộ (Nguyễn Thái Học), Nhà máy bia Hà Nội (Hoàng Hoa Thám), nhà máy nước Lương Yên (quận Hai Bà Trưng), nhà máy rượu Hà Nội (Lò Đúc), nhà máy dệt kim Đông Xuân, xí nghiệp sản xuất chế biến thực phẩm xuất khẩu (quận Hai Bà Trưng), Nhà máy cơ khí công nghiệp Điện biên (Hai Bà Trưng).
Mới đây, có thông tin cho rằng tập đoàn Tân Hoàng Minh đã sở hữu dự án tại nhà máy rượu Hà Nội (cũ), phố Lò Đúc, rộng đến 26.700m2, bổ sung vào danh mục loạt dự án đất vàng nội đô của công ty này.
Văn Phú Invest năm ngoái cũng đã công bố đầu tư vào một dự án BT, đó là xây dựng Đại học Y tế cộng đồng mới với tổng mức đầu tư 643,8 tỷ đồng. Đổi lại, Văn Phú sẽ sở hữu khu đất rộng 15.600m2 tại số 138 Giảng Võ, Hà Nội để đầu tư xây dựng một tổ hợp bất động sản cao cấp tại đây.
Bên cạnh đó, một khu đất vàng khác thuộc quận Ba Đình cũng đã được Thủ tướng đồng ý với đề xuất của Bộ Xây dựng xây dựng một tổ hợp khách sạn cao cấp với quy mô khoảng 600 phòng tại số 6-8 Chu Văn An và số 37 Hùng Vương - lô H6.
Trong Quy chế công trình cao tầng của HN, khu vực tái thiết đô thị mới còn có quy hoạch quỹ đất các trường đại học, trụ sở ban ngành, bệnh viện…khi di dời ra khỏi nội đô. Tuy nhiên, quỹ đất này sẽ có một đồ án quy hoạch riêng và theo định hướng sẽ được ưu tiên xây dựng các công trình công cộng như công viên, khu vui chơi…cho người dân.
Theo TP Hà Nội, việc xây dựng dự án tái thiết đô thị có quy mô trên 2ha theo quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc nhà cao tầng phải đảm bảo các điều kiện riêng. Tái thiết theo hướng cao tầng nhưng phải đảm bảo mật độ thấp.