MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tâm điểm chứng khoán: Điều chỉnh trong ngắn hạn có đáng lo?

Tuần vừa qua, VN-Index đã mất chuỗi 3 tuần tăng điểm. Các chuyên gia nhận định, dòng tiền đang tỏ rất thận trọng và có sự chuẩn bị cho một nhịp điều chỉnh.

"Thị trường có thể xuất hiện nhịp điều chỉnh trong ngắn hạn"

Ông Trần Trương Mạnh Hiếu, Trưởng phòng phân tích Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam

Thị trường đang gặp khó khi tiếp cận vùng 1.250 điểm, áp lực bán có phần gia tăng quanh vùng này. Đặc biệt, trong tuần vừa qua nhà đầu tư có thể dễ dàng nhận ra thanh khoản gia tăng trong các phiên điều chỉnh. Điều này cho thấy, tâm lý nhà đầu tư đang có phần thận trọng. Nên có thể trong ngắn hạn thị trường sẽ xuất hiện nhịp điều chỉnh.

Tuy nhiên, xu hướng tăng trong trung và dài hạn vẫn còn khi thị trường đang được hỗ trợ từ các yếu tố cơ bản. Thứ nhất, đến từ sự phục hồi của nền kinh tế, xu hướng này đã bắt đầu từ cuối quý I/2023. Thứ hai, chính sách hỗ trợ của chính phủ với chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng.

Khối ngoại có xu hướng bán ròng liên tiếp trong nhiều tháng trở lại đây. Trong nửa đầu tháng 9/2023, khối này cũng bán ròng 3.500 tỷ đồng. Vì thế, khả năng cao khối ngoại sẽ tiếp tục bán ròng trong thời gian tới.

Về câu chuyện trái chiều của nhóm cổ phiếu Vingroup và ngân hàng trong tuần vừa qua, dòng tiền thường có sự luân chuyển giữa các nhóm cổ phiếu để thúc đẩy thị trường đi lên.

Như tuần qua, cổ phiếu ngân hàng có sự phục hồi khi một số cổ phiếu tốt trong ngành này dẫn dắt xu hướng chung. Nên đây không phải điều mới. Chủ yếu nhà đầu tư sẽ có hành động như thế nào để phù hợp với chiến lực đầu tư các nhân.

Trong khi đó, nhóm VIC, VHM lại giảm mạnh. Nếu giá của VIC và VHM đã chạm ngưỡng cắt lỗ thì nhà đầu tư cần hành động để bảo vệ nguồn vốn và có thể phân bổ lại nguồn vốn của mình vào các cổ phiếu tiềm năng khác.

Ngân hàng tuy không được thúc đẩy nhiều bởi các yếu tố cơ bản nhưng tình hình tài chính của nhóm này khá tốt. Nên giá của các cổ phiếu trong ngành có thể không thể bứt phá mạnh trong ngắn hạn. Vì thế, câu chuyện sẽ được chuyển sang các cổ phiếu có tiềm năng nhất định, mà ở đây là các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt và có câu chuyện riêng.

Tâm điểm chứng khoán: Điều chỉnh trong ngắn hạn có đáng lo? - Ảnh 1.

Từ trái qua: ông Đinh Quang Hinh, ông Bùi Văn Huy, ông Trần Trương Mạnh Hiếu

"Hoạt động bán ròng của khối ngoại là bình thường nhưng tạo ra trở lực"

Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, Công ty Chứng khoán DSC

Trước tiên về bối cảnh thế giới, có thể thấy diễn biến giằng co xuất hiện ở rất nhiều thị trường. Chưa có thị trường lớn nào như: Mỹ, châu Âu, Nhật, Trung Quốc... có thể vượt đỉnh tháng 8/2023 vừa qua. Thêm vào đó, các hàng hóa, đặc biệt là dầu tăng trở lại khiến CPI ở nhiều thị trường có xu hướng nhích tăng trở lại. Triển vọng sớm hạ lãi suất là chưa khả thi và lãi suất chỉ có thể hạ nhiệt từ nửa cuối năm 2024. Chênh lệch lãi suất có thể tiếp tục gây áp lực lên tỷ giá 6-9 tháng nữa.

Tâm điểm chứng khoán: Điều chỉnh trong ngắn hạn có đáng lo? - Ảnh 2.

Trong nước đà bán ròng của nước ngoài vẫn đóng vai trò chủ đạo dù xen kẽ những phiên mua ròng, đó là dấu hiệu rất bình thường khi tỷ giá có nhiều biến động.

Hiện tại tỷ giá cũng có phần áp lực. Tỷ giá trung tâm hiện đã vượt 24.000 VND/USD. Chúng ta đã lựa chọn đi ngược xu hướng trên thế giới về tiền tệ thì việc áp lực tỷ giá là đương nhiên. Dự trữ ngoại hối; cán cân thanh toán tích cực nhưng những ẩn số tỷ giá không thể coi thường.

Tuy nhiên, tỷ giá vẫn trong vùng kiểm soát. Tỷ giá tăng khiến áp lực bán khối ngoại có thể tiếp tục diễn ra, điều này sẽ là trở lực nhất định cho thị trường.

Giải ngân khi thị trường có nhịp điều chỉnh về vùng 1.205 - 1.215 điểm

Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường Công ty Chứng khoán VNDIRECT

Thị trường đang giằng co trong biên độ hẹp với vùng hỗ trợ là vùng 1.205-1.215 điểm và vùng kháng cự là vùng đỉnh cũ 1.240-1.250 điểm. Tuần này, thị trường sẽ đón nhận thông quan trọng liên quan tới cuộc họp lãi suất của Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED).

Thị trường đang kỳ vọng FED sẽ tạm dừng tăng lãi suất trong cuộc họp tới. Thông tin quan trọng hơn sẽ đến từ biên bản cuộc họp với những đánh giá của các quan chức FED về xu hướng lạm phát, việc làm, tăng trưởng và định hướng lãi suất trong giai đoạn tới. Nhìn chung, cuộc họp sắp tới khó gây ra sự bất ngờ và biến động lớn cho thị trường.

Bên cạnh cuộc họp của FED, diễn biến tỷ giá cũng là điều nhà đầu tư đặc biệt quan tâm. Theo đó, áp lực tỷ giá gia tăng trong những tuần gần đây và động thái liên tục bán ròng của khối ngoại đã làm giảm sự hưng phấn của thị trường.

Ở chiều tích cực hơn, dòng tiền trong nước sẽ tiếp tục đổ vào thị trường chứng khoán trong bối cảnh mặt bằng lãi suất hạ nhiệt nhanh. Dòng tiền chực chờ ngoài thị trường sẽ giúp thị trường khó giảm sâu. Do vậy, trong bối cảnh thị trường đang giằng co tích lũy, nhà đầu tư có thể áp dụng chiến thuật giao dịch linh hoạt hơn ở thời điểm hiện tại.

Theo đó, nhà đầu tư có thể xem xét gia tăng tỷ trọng cổ phiếu khi thị trường về vùng hỗ trợ 1.205-1.215 điểm (tương ứng đường MA50 và MA20) và hạ tỷ trọng khi thị trường tiến gần tới vùng kháng cự 1.240-1.250 điểm.

Nhà đầu tư nên lưu ý ưu tiên quản trị rủi ro danh mục, duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức vừa phải (khoảng 70% cổ phiếu) và hạn chế sử dụng đòn bẩy ở giai đoạn này.

Nếu chỉ số VN-Index tiếp tục tăng lên ngưỡng cao hơn là vùng quanh 1.280 điểm thì có thể cân nhắc chốt lời 1 phần và chờ đợi điều chỉnh để mua lại. Ngược lại nếu chỉ số VN-Index điều chỉnh về vùng hỗ trợ 1.200- 1.220 điểm thì có thể tận dụng cơ hội gia tăng tỷ trọng danh mục cổ phiếu.

Theo Mai Hương

Thị trường tài chính tiền tệ

Trở lên trên