Tâm điểm tháng 3: Fed nâng lãi suất, rủi ro vốn ngoại đảo chiều và thời “tiền rẻ” đã qua?
Xung đột Nga - Ukraine tạo thêm yếu tố bất thường đối với kinh tế toàn cầu, với tâm điểm quyết định của Fed trong tháng 3 khi mà thời "tiền rẻ" dần đi qua...
- 26-10-2021Khai thác vốn ngoại hỗ trợ nền kinh tế
- 06-09-2021SSI Research: Cung ngoại tệ được hỗ trợ từ thương vụ bán vốn FE Credit, SHB Finance và đầu tư của LG Display
- 28-06-2021Ngân hàng Việt vẫn hút vốn ngoại
Trước khi chiến cuộc Nga - Ukraine nổ ra, thị trường toàn cầu hướng về tâm điểm cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong tháng 3 này. Suốt từ đầu tháng 2, khả năng Fed tăng lãi suất được hướng đến một cách chắc chắn, thậm chí có tổ chức tài chính quốc tế dự báo sẽ có tới 9 lần tăng năm nay...
Chiến cuộc Nga - Ukraine nổ ra, các tác động bất lợi đối với kinh tế thế giới vừa gượng phục hồi qua đại dịch COVID-19 đang định hình. Đây là yếu tố mới, tác động đến rủi ro giá năng lượng, đến chuỗi cung ứng toàn cầu, đến lạm phát..., mà đã có những dự tính ban đầu sẽ ảnh hưởng đến đường hướng trước đó của các ngân hàng trung ương, bao gồm Fed.
Với Việt Nam, độ mở nền kinh tế lớn, tác động từ bên ngoài dễ truyền dẫn vào. Fed tăng lãi suất, chi phí vay thương mại quốc tế trước áp lực mới, rủi ro vốn ngoại đảo chiều cũng được nhìn đến, chênh lệch lãi suất thu hẹp và áp lực đối với tỷ giá cũng là điểm liên quan...
Fed dự kiến bắt đầu tăng lãi suất từ cuộc họp giữa tháng 3 này, cùng việc thu hẹp chương trình nới lỏng. Thời "tiền rẻ" theo đó không còn mở rộng như trước.
Tại Việt Nam, thời "tiền rẻ" cũng đã thực sự đi qua. Ngay trước Tết Nguyên đán vừa qua, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã tăng vọt, duy trì tầm cao cho đến nay và không còn những lãi suất gần 0% như trước nữa. Lãi suất huy động của các ngân hàng cũng rục rịch tăng. Trong khi đó, chính sách hỗ trợ lãi suất của gói kích thích kinh tế vẫn còn phía trước...
Cuộc họp và quyết định sắp tới của Fed theo đó trở thành một thay đổi quan trọng, bên trong lẫn bên ngoài đối với Việt Nam, dù sẽ không quá bất ngờ.
Trước khi quyết định và thay đổi trên xẩy ra, dĩ nhiên các chủ thể trên thị trường đã định hình các kịch bản, hướng ứng xử; phản ánh trên thị trường chứng khoán cũng thường "đi trước".
BizLIVE tham vấn thêm nhận định và dự tính của một số chuyên gia, giới phân tích trước dòng chảy sự kiện này.
Đòn tâm lý nhà đầu tư
Theo nhóm chuyên gia phân tích CTCK Rồng Việt (VDSC), dự kiến quyết định tăng lãi suất của Fed tới đây, tác động đến Việt Nam đầu tiên và dễ thấy nhất là kỳ vọng của thị trường. Điều này phản ánh qua kỳ vọng của nhà đầu tư trên TTCK Việt Nam. Sự không chắc chắn về triển vọng nâng lãi suất của Fed đã và đang tạo ra tâm lý e ngại đối với nhà đầu tư trên thị trường.
“Lý do e ngại gồm khả năng đảo chiều của dòng vốn ngoại, ảnh hưởng của việc nâng lãi suất của Fed đến các cân đối vĩ mô như tỷ giá, lạm phát, cán cân thanh toán và lãi suất, từ đó kéo theo sự thay đổi trong quan điểm về chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam”, nhóm chuyên gia VDSC cho biết.
Bà Nguyễn Thị Ngân Tuyền, Giám đốc Nghiên cứu Phân tích Khối Khách hàng cá nhân, Maybank Investment Bank cho rằng, khi lãi suất của Fed cao hơn thì dòng vốn ngoại vào thị trường sẽ chậm lại. Tâm lý nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng, cũng nên nhìn nhận một điều là dòng vốn nước ngoài đang quay trở lại các thị trường khác trong khu vực như Indonesia, Malaysia và Thái Lan kể từ tháng 7/2021.
Riêng ở Việt Nam, khối ngoại đã bán ròng kỷ lục 54,9 ngàn tỷ đồng (2,5 tỷ USD) trong năm 2021 nhưng đã quay lại mua ròng gần 702 tỷ đồng (nếu loại trừ khoản thỏa thuận thoái vốn của GIC ở MSN khoảng 4.752 tỷ đồng). Vì vậy khả năng vốn ngoại bị rút ròng mạnh trong năm 2022 là khá thấp.
Bên cạnh đó với tỷ lệ tiêm chủng cao , kinh tế vĩ mô vững chắc, chính trị ổn định, việc tái mở lại biên giới quốc tế ngày càng hiện thực và trôi chảy sẽ thu hút các nhà đầu tư nước ngoài quay trở lại.
Theo ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao, CTCK KIS Việt Nam, Fed tăng lãi suất cũng tác động tới thị trường tài chính toàn cầu, bao gồm cả Việt Nam.
"Chúng ta biết, tuy Fed là một tổ chức độc lập nhưng hầu hết các ngân hàng trung ương trên thế giới kể cả nước lớn cũng đều nhìn theo lãi suất Fed để điều chỉnh lãi suất nước mình. Vì lãi suất của Fed sẽ ảnh hưởng tới thị trường trái phiếu Mỹ, các lãi suất Libor, Fibor khi hoán chuyển đổi ngoại tệ, ảnh hưởng tới dòng tiền đổ về Mỹ hay đi ra khỏi nước này", ông Phương dẫn giải.
Chuyên gia này nhận định, nếu Fed tăng lãi suất thì thị trường sẽ điều chỉnh theo khuynh hướng giảm vừa trên thế giới lẫn TTCK Việt. Tuy nhiên việc tăng lãi suất đã được dự báo từ năm ngoái, cả với nhà hoạch định chính sách lẫn nhà đầu tư tài chính... nên thị trường sẽ phản ứng tiêu cực trong thời gian ngắn. Việc tăng lãi suất sẽ kéo dài 4 -7 lần, mỗi lần tăng 0,25% điểm cơ bản tùy vào tình hình lạm phát của Mỹ. Con số đó nằm trong dự đoán nhà điều hành chính sách, các nhà đầu tư cho nên không gây cú sốc toàn cầu theo kiểu giảm sâu, mạnh.
“Thường sau khi Fed tăng lãi suất, trong vòng 7 ngày đầu thị trường giảm nhưng không quá mạnh, sau đó, từ tuần thứ hai trở đi tôi nghĩ khuynh hướng thị trường sẽ phục hồi dần, dòng tiền vẫn sẽ tìm đến TTCK nếu thị trường có thông tin tích cực, nếu doanh nghiệp có những kế hoạch kinh doanh, những dự án tiềm năng phát triển, tạo lợi nhuận thì thị trường sẽ hồi phục”, chuyên gia KIS đánh giá.
Rủi ro vốn ngoại đảo chiều?
Với khả năng tăng nhanh, mạnh lãi suất của Fed, có quan điểm quan ngại điều này kích thích thêm rủi ro vốn ngoại đảo chiều tại Việt Nam.
Về dòng vốn đầu tư gián tiếp, chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng, nếu Fed tăng mạnh và nhanh hơn lãi suất thì có thể kích thích thêm rủi ro vốn ngoại đảo chiều tại Việt Nam, giống như đã từng xảy ra trước đây. Dòng tiền có xu hướng rút ra từ thị trường mới nổi vì đồng tiền nước đó mất giá và quay về thị trường Mỹ, EU… nơi lãi suất tăng lên và cũng là để tạm thời trú ẩn rủi ro.
Ngược lại, như đã nói ở trên, chuyên gia Maybank Investment Bank vẫn tin rằng khả năng rút vốn mạnh của khối ngoại trong năm 2022 là không cao. Một số nghiên cứu dữ liệu ở Mỹ cho thấy hiện sức khỏe tài chính của các hộ gia đình cũng như các công ty phi tài chính đang khá vững, ngành ngân hàng của cũng quản lý vốn tốt có thể giúp cho hệ thống tài chính trụ vững nếu có bất kỳ cú sốc nào. Vì vậy việc Fed tăng mạnh lãi suất đợt tháng 3 này cũng có thể cho thấy một tín hiệu khả quan về sớm ổn định vĩ mô và phát triển kinh tế.
Đồng tình với quan điểm trên, nhóm chuyên gia của VDSC lạc quan rằng dòng vốn FDI vẫn tiếp tục phục hồi tại Việt Nam trong thời gian tới bởi yếu tố lãi suất không hẳn là mối quan tâm chính của các nhà đầu tư đang quan tâm đến thị trường Việt Nam hiện nay, chưa kể đến chênh lệch trong lãi suất thực giữa Việt Nam và Mỹ.
Bên cạnh những lợi thế sẵn có như độ mở của nền kinh tế, chi phí lao động hợp lý, vị trí địa chính trị thuận lợi thì sự phục hồi kinh tế trong nước gắn liền với việc mở cửa trở lại với quốc tế, kiểm soát tốt diễn biến dịch bệnh, sự ổn định kinh tế và chính trị đang là những điểm trọng yếu giúp Việt Nam thu hút sự chú ý của nhà đầu tư nước ngoài hiện nay.
“Còn đối với dòng vốn đầu tư ngắn hạn trên TTCK, chúng tôi nghĩ rằng dòng tiền khối ngoại sẽ ít biến động sau một năm 2020 - 2021 bán ròng mạnh. Tại Mỹ, có số liệu cho thấy khoảng một phần tư thanh khoản được đóng góp bởi nhà đầu tư cá nhân. Đối với khu vực châu Âu, con số này chỉ ở mức một chữ số. Đối với Việt Nam, hơn 80% thanh khoản đến từ giao dịch của nhà đầu tư cá nhân. Dựa trên sự khác biệt về độ biến động và quy mô giao dịch các nhóm, chúng tôi cho rằng tác động của việc rút ròng trên TTCK của khối ngoại, nếu có, lên thị trường chứng khoán sẽ không nhiều, do đó, giúp giảm bớt mức độ lo ngại”, nhóm chuyên gia VDSC nêu.
Thời “tiền rẻ” đã qua?
Với dự kiến đường hướng thắt chặt của Fed, cũng như lãi suất thực tế đã và đang tăng lên tại Việt Nam, liệu thời bơm tiền và “tiền rẻ” đã thực sự trôi qua?
Chuyên gia KIS cho rằng chưa tới mức căng thẳng vậy. Về bản chất, Chính phủ lẫn Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn phải duy trì mục tiêu ổn định lãi suất, điều này là hợp lý nhất, tức là lãi suất phải phù hợp với kinh tế thị trường, phải hỗ trợ cho doanh nghiệp bên cạnh nhiệm vụ kiềm chế lạm phát, quản trị rủi ro.
“Nếu Fed tăng lãi suất, NHNN cũng ào ạt tăng lãi suất điều hành lên, theo đó các NHTM cũng tăng lãi suất huy động và cho vay như vậy chi phí vốn cho nền kinh tế, cho doanh nghiệp đội lên rất nhiều. Khi chi phí tài chính cao thì sức cạnh tranh doanh nghiệp giảm, lợi nhuận không nhiều, kéo theo hệ lụy các doanh nghiệp không trụ vững, không phát triển sản xuất kinh doanh được. Cho nên Chính phủ, NHNN chắc chắn không phải vì Fed tăng lãi suất mà ồ ạt tăng lãi suất theo”, ông Trương Hiền Phương bình luận.
Theo vị này, Chính phủ, NHNN sẽ có bước đi thận trọng, duy trì lãi suất hợp lý dựa trên việc tăng lãi suất của Fed. Theo đó, bản thân nhà đầu tư trên thị trường tài chính cũng không bị sốc vì lãi suất tăng dần. Vì khi lãi suất tăng nhiều lên nhà đầu tư sẽ bị sốc, khiến họ sẽ có hành động ngược lại, có thể bán nhiều hơn trên TTCK. Trong khi bản chất chứng khoán là thị trường vốn, giúp doanh nghiệp huy động vốn, nếu làm sốc quá nhà đầu tư tháo chạy khỏi thị trường thì nhiệm vụ huy động vốn bị ảnh hưởng.
Đồng quan điểm, chuyên gia Maybank Investment Bank cho rằng, Fed tăng lãi suất không có nghĩa là Việt Nam cũng sẽ tăng lãi suất.
“Việc lãi suất ở Việt Nam tăng giảm tùy thuộc vào yếu tố nội tại của kinh tế như lạm phát, tăng trưởng GDP và tỷ giá. Việt Nam hồi phục tốt sau đại dịch và kiểm soát tốt lạm phát nên lãi suất trong nước sẽ không tăng đột biến”, bà Nguyễn Thị Ngân Tuyền nói.
Về những lo ngại liên quan đến áp lực lạm phát do gói kích cầu và nhu cầu hồi phục, dựa trên khảo sát của các ngân hàng trong nước và dự báo của Maybank Investment Bank, dự báo tỷ lệ lạm phát sẽ được giữ ở mức thấp. Trong khi đó, dự báo lạm phát toàn phần giai đoạn 2022-2023 sẽ đạt lần lượt là 3,8% và 3,5%, vẫn nằm dưới mục tiêu của NHNN là 4%.
Còn theo chuyên gia của VDSC, với việc nâng lãi suất của Fed, kỳ vọng hiện tại cho thấy thời kỳ “tiền rẻ” sẽ chấm dứt trong năm 2022 khi lãi suất điều hành của Fed được đưa về mức trước khi dịch bệnh xảy ra. Riêng đối với Việt Nam, lãi suất điều hành thấp có thể duy trì thêm một khoảng thời gian với điều kiện lạm phát trong nước vẫn ở dưới mức mục tiêu của NHNN là 4%. Chính sách tiền tệ của Việt Nam dự kiến sẽ có độ trễ so với xu hướng thế giới.
“Chúng tôi nghĩ rằng sẽ có áp lực tăng lãi suất trong năm 2022. Tuy nhiên, chúng tôi không cho rằng mức tăng và tốc độ tăng lãi suất sẽ dồn dập và mạnh như lúc cắt giảm lãi suất giai đoạn 2020 và đầu năm 2021. Đồng thời, xu hướng này cũng sẽ không song hành cùng mức độ và tốc độ tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương trên thế giới như Fed.
Do đó, riêng về mặt suất sinh lợi hấp dẫn hơn so với các kênh tiền gửi, chúng tôi cho rằng động lực này cho thị trường chứng khoán vẫn sẽ duy trì trong năm 2022”, nhóm chuyên gia VDSC nêu quan điểm.
BizLive