MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tâm sự của bệnh nhân 61 vượt qua ải tử thần tại phòng ICU: Cảm giác kiệt sức như bị đuối nước, ranh giới sinh tử rất mong manh nhưng tôi không cho phép bản thân từ bỏ

12-04-2020 - 13:16 PM | Sống

Tôi không thể ngừng nghĩ về những ngày mà ranh giới giữa sự sống và cái chết thật mong manh tại phòng chăm sóc đặc biệt. Tôi thực sự cảm kích và biết ơn các nhân viên y tế đã làm việc với lòng trắc ẩn tuyệt vời, họ bất chấp mọi rủi ro đối với sức khỏe của chính mình và đấu tranh giành lấy sự sống cho từng bệnh nhân.

Bài viết là những tâm sự của ông Hylton Murray Philipson 61 tuổi, một bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại nước Anh. Ông đã chia sẻ những trải nghiệm sinh tử không bao giờ quên tại phòng chăm sóc đặc biệt và bày tỏ lòng biết ơn tới các nhân viên y tế đã cứu sống mình.

Tâm sự của bệnh nhân 61 vượt qua ải tử thần tại phòng ICU: Cảm giác kiệt sức như bị đuối nước, ranh giới sinh tử rất mong manh nhưng tôi không cho phép bản thân từ bỏ - Ảnh 1.

Tôi đã ở nhà mười ngày với một số triệu chứng nhiễm virus SAR-COV 2 trước khi tới bệnh viện điều trị. Các thành viên khác trong gia đình tôi cũng ở trong tình trạng nguy hiểm. Tôi đã không được nhìn mặt người cha 92 tuổi lần cuối khi ông qua đời, người mẹ 84 tuổi và chị của tôi cũng đang có những triệu chứng nhiễm bệnh. Mặc dù thường xuyên nghe tin tức trên đài báo về sự bùng phát của dịch bệnh, thế nhưng thật khó có thể tưởng tượng rằng điều này đang xảy ra với tôi.

Nhiệt độ cơ thể tôi đã liên tục vượt ngưỡng 40 độ C. Là một người khá cổ hủ, tôi đã nghĩ rằng mình có thể tự vượt qua và chỉ cần ai đó ở bên cạnh giúp đỡ. Vài hôm sau, tôi không những bị sốt, ho mà còn nôn mửa và ngất xỉu. Chứng kiến các triệu chứng ngày càng nặng của tôi, một người bạn đã yêu cầu tôi phải tới bệnh viện ngay lập tức. Tôi cạo râu, thay một bộ đồ ngủ mới và gọi xe cấp cứu. Các nhân viên y tế tới rất nhanh, họ làm một số kiểm tra và nói rằng tôi cần phải nhập viện. Và những ngày điều trị tại bệnh viện Leicester Royal của tôi bắt đầu.

Tôi đã được theo dõi trong một đêm. Ngày hôm sau họ nói rằng tôi cần phải tới phòng chăm sóc đặc biệt. Tôi đã phải sử dụng máy trợ thở, tiêm kháng sinh và morphin, truyền chất dinh dưỡng và gắn ống thông. Một thiết bị được gắn trong miệng tôi để ngăn nghẹt thở và một ống dẫn xuống cổ họng vào phổi. Những thiết bị này khiến tôi rất đau đớn và khó chịu thế nhưng sự thật là chính chúng đang duy trì sự sống cho tôi.

Ý thức của tôi khá mơ hồ. Mỗi khi ho, tôi không thể thở được vì ống gắn ở cổ họng.Tôi đã bắt đầu hoảng loạn. Tôi cảm giác mình như đang đuối nước và sắp chết. Tôi đã nắm chặt lấy thành giường và tự nói với bản thân rằng tôi phải bình tĩnh lại. Một y tá đã lau trán cho tôi bằng khăn ấm và bôi chút dưỡng ẩm lên đôi môi rất khô của tôi. Tôi cảm giác mình giống như một đứa bé, tất cả mọi thứ đều phải phụ thuộc vào người khác.

Tâm sự của bệnh nhân 61 vượt qua ải tử thần tại phòng ICU: Cảm giác kiệt sức như bị đuối nước, ranh giới sinh tử rất mong manh nhưng tôi không cho phép bản thân từ bỏ - Ảnh 2.

Ngày ngày phải phụ thuộc vào máy thở, tôi bắt đầu tự hỏi rằng liệu tôi có thể cố gắng được bao lâu. Tôi hồi tưởng lại những quãng thời gian đã trải qua suốt 60 năm cuộc đời của mình. Đã có lúc tôi nghĩ rằng mình sẽ trở về với Chúa và đoàn tụ với người vợ đã mất. Thế nhưng tôi đã không cho phép bản thân bỏ cuộc khi nghĩ về những thứ còn dang dở.

Tôi còn nhiều việc phải làm. Tôi không thể rời bỏ đứa con trai còn nhỏ của mình. Còn mẹ tôi nữa, sẽ thật kinh khủng nếu bà phải chịu đựng việc mất cả chồng và đứa con trai duy nhất trong cùng một tuần. Rồi cả những người đang cầu nguyện cho chúng tôi, những bệnh nhân ở phòng chăm sóc đặc biệt. Tôi không thể khiến mọi người thất vọng. Những ý thức đó đã giúp tôi vượt qua giai đoạn sinh tử trên giường bệnh.

Tình hình của tôi đã bắt đầu được cải thiện. Tôi được rời khỏi phòng chăm sóc đặc biệt và ở một phòng riêng trong ba ngày. Sau đó, tôi chuyển tới phòng ghép để nhường phòng cho một bệnh nhân khác cần nó. Tôi đã đón sinh nhật lần thứ 61 tại bệnh viện với bánh và hát bài chúc mừng sinh nhật cùng các nhân viên y tế trong bệnh viện. Tôi cũng nhận được tin rằng mẹ và chị tôi đang đã đi kiểm tra sau khi tôi nhập viện hai ngày và đều được chuẩn đoán âm tính.

Tôi vẫn luôn tự cảm thấy bản thân đã thật may mắn, thế nhưng nhiều người khác thì không được như vậy. Người đàn ông nằm đối diện tôi trong phòng chăm sóc đặc biệt đã chết khi tôi còn ở đó. Thật khó khăn khi phải chứng kiến cảnh một y tá nắm lấy tay ông cả buổi chiều với hy vọng mong manh rằng ông ấy có thể đấu tranh giành lấy sự sống. Trước khi tôi rời phòng chăm sóc đặc biệt, một bác sỹ khoa Tai-mũi-họng làm việc tại bệnh viện cũng đã không qua khỏi. Một cậu bé 13 tuổi cũng đã tử vong.

Tôi đã khỏi bệnh và xuất viện, thế nhưng tôi không thể ngừng nghĩ về những ngày mà ranh giới giữa sự sống và cái chết thật mong manh tại phòng chăm sóc đặc biệt. Tôi thực sự cảm kích và biết ơn các nhân viên y tế đã làm việc với lòng trắc ẩn tuyệt vời, họ bất chấp mọi rủi ro đối với sức khỏe của chính mình và đấu tranh giành lấy sự sống cho từng bệnh nhân. Tôi muốn gửi lời cảm ơn tới toàn bộ bác sỹ, y tá bệnh viện, những người mà nếu không có họ thì tôi đã không thể ở đây và viết những dòng tâm sự này hôm nay.

Theo The Guardian

Lưu Ly

Trở lên trên