MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tận dụng tối đa thỏa thuận JETP Việt Nam

22-07-2023 - 13:22 PM | Tài chính - ngân hàng

Tận dụng tối đa thỏa thuận JETP Việt Nam

Thỏa thuận JETP Việt Nam xoay quanh vấn đề huy động 15,5 tỷ USD từ nguồn tài chính công và tư để giúp Việt Nam đạt được tham vọng cân bằng phát thải. Một lợi ích quan trọng cho Việt Nam khi tham gia thỏa thuận JETP chính là thu hút vốn FDI xanh hơn và dẫn đầu trong lĩnh vực năng lượng sạch.

Kể từ COP26, mọi người bắt đầu nói nhiều về JETP khiến cụm từ viết tắt này trở nên phổ biến trên các kênh báo chí và mạng xã hội. Đây là các chữ cái đầu của cụm từ Just Energy Transition Partnership (Thỏa thuận Hợp tác Chuyển dịch Năng lượng Công bằng), một cơ chế hợp tác tài chính được thiết lập nhằm giúp một số nền kinh tế mới nổi phụ thuộc nhiều vào nhiệt điện than có thể thực hiện quá trình chuyển sang sử dụng năng lượng sạch một cách công bằng. Mục tiêu của những thỏa thuận tài chính đa phương như vậy hướng đến hỗ trợ loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch theo một lộ trình tự xác định của mỗi quốc gia, đồng thời xử lý các tác động về an sinh - xã hội liên quan như đảm bảo đào tạo và trang bị kỹ năng cho người lao động bị ảnh hưởng và tạo ra các cơ hội kinh tế mới cho các cộng đồng bị ảnh hưởng.

Thỏa thuận JETP đầu tiên – JETP Nam Phi - được công bố tại COP26 hay còn gọi là Hội nghị các Bên tham gia Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 26 tổ chức ở Glasgow, Vương quốc Anh, cách đây hai năm. Kể từ đó, cơ chế này có thêm một số nước tham gia, trong đó, Việt Nam là quốc gia thứ ba công bố hợp tác theo thỏa thuận JETP với Nhóm Đối tác Quốc tế (International Partners Group - IPG) gồm Liên minh châu Âu (EU), Vương quốc Anh, Mỹ, Pháp, Đức, Italy, Canada, Nhật Bản, Na Uy và Đan Mạch.

Các cơ hội và thách thức

Trong khuôn khổ JETP Việt Nam, IPG cam kết một khoản tài trợ ban đầu trị giá 7,75 tỷ USD từ khu vực tài chính công trong vòng 3 đến 5 năm để hỗ trợ Việt Nam đạt được một số mục tiêu chuyển dịch năng lượng. Nhằm ủng hộ nỗ lực này, Liên minh Tài chính Glasgow vì Cân bằng Phát thải (Glasgow Financial Alliance for Net Zero - GFANZ) đã thành lập Nhóm làm việc chuyên trách, trong đó HSBC là một thành viên, nhằm hỗ trợ huy động và tạo điều kiện huy động một khoản tương ứng là 7,75 tỷ USD từ khu vực tài chính tư nhân. Tóm lại, thỏa thuận JETP Việt Nam xoay quanh vấn đề huy động 15,5 tỷ USD từ nguồn tài chính công và tư để giúp Việt Nam đạt được tham vọng cân bằng phát thải. Sau cam kết mạnh mẽ tại COP26 nơi thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế để giúp Việt Nam thực hiện chuyển dịch sang cân bằng phát thải, thỏa thuận JETP chắc chắn sẽ hữu ích cho Việt Nam trong việc thúc đẩy các nỗ lực khí hậu.

Chúng tôi nhận thấy tiềm năng to lớn để thay đổi ngành năng lượng và vận tải, hai ngành phát thải nhiều nhất Việt Nam, khi triển khai thỏa thuận JETP Việt Nam. Với tiềm năng gió và mặt trời dồi dào, chuyển dịch trực tiếp từ nhiệt điện than sang năng lượng gió và mặt trời cho phép Việt Nam tận dụng nguồn tài nguyên tự nhiên sẵn có để cung cấp nguồn năng lượng đảm bảo và kinh tế cho người dân. Việt Nam vốn được thiên nhiên đặc biệt ưu đãi về sức gió và quang năng để sản xuất năng lượng tái tạo so với các nước khác trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, rào cản lớn để nguồn vốn có thể chảy vào chuyển dịch năng lượng chính là khả năng đáp ứng được các điều kiện tài trợ bởi ngân hàng của hợp đồng mua bán điện còn thấp, còn đối với chuyển dịch trong ngành vận tải chính là tốc độ chuyển dịch còn chậm, do thiếu vắng sức ép từ các quy định hiện hành và hạ tầng sạc điện còn hạn chế.

Khai mở tiềm năng

Thỏa thuận JETP Việt Nam mang đến tiềm năng tạo ra đột phá cho tài chính khí hậu. Một trong ba mục tiêu cơ bản của thỏa thuận này chính là huy động nguồn vốn từ khu vực tư nhân để tài trợ cho những nỗ lực giảm phát thải. Khả năng đáp ứng được các điều kiện tài trợ của dự án và tỷ lệ thu hồi vốn cho ngân hàng trong trường hợp dự án gặp khó khăn sẽ là những vấn đề đầu tiên cần chia sẻ với bên cho vay nếu các doanh nghiệp mong muốn tìm hiểu các cơ hội tiếp cận tài chính bền vững. Doanh nghiệp nên chia sẻ với ngân hàng một cách cẩn trọng về kế hoạch của chính mình, có một số vùng đệm trong đánh giá độ nhạy rủi ro của dự án, ví dụ như sản lượng điện có thể bị cắt giảm, chi phí vận hành và bảo trì có thể tăng, lãi suất tăng, biến động ngoại tệ bất lợi… 

Thứ hai, những bên cho vay như HSBC sẽ rất lưu tâm đến vấn đề rủi ro "tẩy xanh" (greenwashing). Thực tế, giảm thiểu rủi ro này được lồng ghép trong chiến lược của chúng tôi. Khi cung cấp tiện ích xanh hoặc liên kết bền vững, điều quan trọng đối với chúng tôi chính là đảm bảo được yếu tố "xanh" cho khoản đầu tư hoặc mục đích sử dụng vốn vay bằng các chứng nhận, báo cáo giám sát và kiểm toán phù hợp. Chúng tôi thường yêu cầu những chứng nhận hoặc báo cáo kiểm toán như vậy từ một bên thứ ba có đủ năng lực để có được những đánh giá độc lập, đạt tiêu chuẩn quốc tế và duy trì thống nhất tại các thị trường. Ngoài ra, các khoản vay xanh của chúng tôi phải đáp ứng Nguyên tắc Tín dụng Xanh do Hiệp hội Thị trường Tín dụng ban hành còn trái phiếu xanh phải đảm bảo thỏa mãn Nguyên tắc Trái phiếu Xanh của Hiệp hội Thị trường Vốn quốc tế.

Một lợi ích quan trọng cho Việt Nam khi tham gia thỏa thuận JETP chính là thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) xanh hơn và dẫn đầu trong lĩnh vực năng lượng sạch. Chính phủ Việt Nam đã và đang chú trọng đến FDI chất lượng cao và FDI xanh chính là một nguồn FDI chất lượng cao. Các đối tác có tư tưởng tương đồng thường tìm đến nhau và vì thế, để thu hút các nhà đầu tư nghiêm túc với phát triển bền vững, Việt Nam cần tạo dựng vị thế và hình ảnh tương xứng, từ chính sách, cơ sở hạ tầng đến hệ sinh thái chuỗi cung ứng đều phải hướng đến mục tiêu xanh, bền vững. Và thỏa thuận JETP với sự hậu thuẫn từ các nước G7 là một nền tảng quan trọng để cộng đồng quốc tế biết đến khát vọng bền vững của Việt Nam nhiều hơn.

Là một ngân hàng hỗ trợ dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến điều đó. Ngay sau khi Việt Nam công bố cam kết cân bằng phát thải tại COP26, Lego đã công bố kế hoạch xây dựng nhà máy cân bằng phát thải các-bon đầu tiên của họ tại tỉnh Bình Dương, đánh dấu khoản đầu tư thứ hai tại châu Á của họ. HSBC rất tự hào được hỗ trợ những dòng vốn đầu tư như vậy và chúng tôi tin rằng bất kỳ thành viên nào của thỏa thuận JETP và GFANZ cũng sẽ nỗ lực hết mình để lan tỏa thông điệp về "hiệu ứng Việt Nam xanh" đến cộng đồng nhà đầu tư quốc tế thông qua mạng lưới của chúng tôi.

Cuối cùng, các chuyến gia đang tìm kiếm cơ hội áp dụng mô hình JETP cho các lĩnh vực khác bên cạnh năng lượng nếu Việt Nam và các quốc gia tham gia thỏa thuận có thể chứng minh JETP thực sự là một hướng tiếp cận đúng đắn trong sử dụng tài chính khí hậu và gặt hái thành công. Tất nhiên, kết quả không thể nhìn thấy ngay trong ngày một ngày hai nhưng đây là một cơ hội chúng ta không thể bỏ qua để đạt được những bước tiến lớn trong quá trình hiện thực hóa các mục tiêu giảm phát thải.

Tác giả: Lương Phương Mai, Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp lớn Khu vực phía Nam và Bất Động Sản, HSBC Việt Nam

Lương Phương Mai

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên