Tăng cường bảo vệ tài khoản ngân hàng
Theo báo cáo từ Kaspersky, trong giai đoạn 2023-2024, có tới 2,3 triệu thẻ ngân hàng toàn cầu đã bị rò rỉ và có thể bị kẻ xấu lợi dụng. Đặc biệt, 95% số thẻ vẫn ở trạng thái hợp lệ và có thể bị trộm cắp thông tin. Trung bình, mỗi thiết bị nhiễm mã độc infostealer có thể đánh cắp thông tin thẻ ngân hàng và hiện nay có gần 26 triệu thiết bị đã bị lây nhiễm, trong đó năm 2024 đã vượt qua 9 triệu thiết bị.
Tại Việt Nam, các đối tượng lừa đảo lợi dụng sự bất cẩn và thiếu hiểu biết của người dùng để thực hiện các giao dịch trái phép. Một trong những ví dụ điển hình là trường hợp của anh Nguyễn Văn T. (Hà Nội), nạn nhân của một vụ lừa đảo qua mạng. Anh T. nhận được một email giả mạo ngân hàng thông báo rằng tài khoản của anh có dấu hiệu bị xâm nhập và yêu cầu anh cung cấp mã OTP để “xác minh” thông tin. Sau khi nhập mã OTP và các thông tin cá nhân, anh T. phát hiện số tiền trong tài khoản của mình đã bị chuyển đi mất. Mặc dù ngân hàng đã có cảnh báo về các hình thức lừa đảo này, nhưng sự tinh vi của thủ đoạn đã khiến anh T. vẫn bị lừa.
Hiện các hình thức lừa đảo phổ biến là giả mạo website, giả mạo nhân viên ngân hàng hoặc cơ quan chức năng gọi điện thoại hoặc nhắn tin yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân, thông tin thẻ ngân hàng, tham gia “đầu tư“ lợi nhuận cao… nhưng với nhiều “kịch bản” ngày càng tinh vi khiến nhiều người vẫn mắc bẫy.
Trong bối cảnh đó, việc bảo vệ tài khoản ngân hàng trở thành mối quan tâm hàng đầu của các tổ chức tín dụng tại Việt Nam. Các ngân hàng thường xuyên cảnh báo khách hàng và triển khai nhiều biện pháp nhằm bảo vệ khách hàng khỏi các giao dịch trái phép và gian lận tài chính... Đơn cử, Bảo hiểm Agribank đã cung cấp gói Bảo an Tài khoản với mức phí chỉ 77.000 đồng/năm, giúp bảo vệ khách hàng trước các sự cố gian lận thẻ và giao dịch trái phép, với mức chi trả lên đến 46 triệu đồng mỗi năm. Gói bảo hiểm này có hai phạm vi bảo hiểm: một là bảo vệ các giao dịch thanh toán qua Internet: bồi thường khi có tổn thất tài chính từ các giao dịch trực tuyến trái phép hoặc thẻ tín dụng/ghi nợ; hai là bảo vệ khách hàng khỏi Trộm cắp Danh tính Trực tuyến: bồi thường thiệt hại khi thông tin cá nhân bị sử dụng trái phép để thực hiện hành vi bất hợp pháp.
Không chỉ Agribank, nhiều ngân hàng khác cũng đã triển khai các gói bảo hiểm tương tự, như: BIC cung cấp gói bảo hiểm trị giá 135 triệu đồng với mức phí 186.000 đồng/năm. Những giải pháp này không chỉ giúp khách hàng yên tâm hơn khi sử dụng dịch vụ ngân hàng trực tuyến mà còn mang đến sự bảo vệ đáng kể trước những mối nguy hiểm tiềm ẩn từ các hành vi gian lận.
Về phía cơ quan quản lý, để tăng cường bảo mật và bảo vệ quyền lợi của người sử dụng dịch vụ, NHNN đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp nhằm nâng cao mức độ an toàn trong giao dịch ngân hàng. Cụ thể, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng chỉ được cung ứng dịch vụ mở tài khoản online khi khách hàng đã tích hợp định danh qua thẻ căn cước công dân gắn chip. Điều này giúp ngăn chặn tình trạng mở tài khoản ảo và phòng ngừa gian lận tài chính. Đặc biệt, theo Quyết định 2345/2023/QĐ-NHNN, từ ngày 1/7/2024, các giao dịch chuyển tiền trên 10 triệu đồng hoặc lũy kế từ 20 triệu đồng mỗi ngày sẽ yêu cầu xác thực bằng sinh trắc học. Từ ngày 1/1/2025, khách hàng chưa xác thực sinh trắc học sẽ chỉ có thể thực hiện giao dịch tại quầy, không thể giao dịch trực tuyến.
Theo các chuyên gia, dù ngân hàng và các đơn vị cung ứng dịch vụ tài chính liên tục có biện pháp nâng cao an toàn, bảo mật giao dịch trực tuyến cho khách hàng, song vấn đề mấu chốt vẫn ở người dùng cuối. Do đó, việc nâng cao nhận thức về an ninh mạng là một phần quan trọng trong chiến lược bảo vệ an toàn tài chính cho khách hàng. Vì vậy, các ngân hàng không chỉ cải tiến các sản phẩm bảo hiểm và công nghệ bảo mật mà còn cần đẩy mạnh giáo dục tài chính. Điều này không chỉ giúp người dùng nhận thức được các mối nguy hiểm tiềm ẩn mà còn trang bị những kỹ năng cần thiết để bảo vệ tài khoản cá nhân. Đồng thời, sự phối hợp giữa Bộ Công an và NHNN qua Quy chế phối hợp trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự và lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng sẽ giúp các vụ việc liên quan đến tội phạm công nghệ cao và tấn công mạng giảm thiểu tối đa, đảm bảo an toàn cho người sử dụng dịch vụ ngân hàng trực tuyến.
Bên cạnh đó, để giảm nguy cơ bị lộ thông tin thẻ ngân hàng, người dùng cũng cần nâng cao ý thức bảo vệ thông tin cá nhân. Theo Kaspersky, cách tốt nhất là thường xuyên kiểm tra các giao dịch ngân hàng, thay đổi mật khẩu cho các tài khoản quan trọng và bật tính năng xác thực hai yếu tố (2FA). Các phần mềm bảo mật cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện và ngăn chặn mã độc. Người dùng nên thường xuyên quét thiết bị để loại bỏ các mối nguy hiểm tiềm ẩn. Quan trọng hơn, cần nâng cao ý thức bảo mật; không tải xuống các phần mềm không rõ nguồn gốc, tránh trở thành mục tiêu của những cuộc tấn công mạng ngày càng tinh vi. Ngân hàng cũng khuyến khích khách hàng chỉ sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử thông qua các kênh chính thức, an toàn để tránh rủi ro từ các website giả mạo hoặc các ứng dụng không rõ nguồn gốc.
Thời báo ngân hàng