Tăng gấp đôi trong chưa đầy một năm, cổ phiếu OCB có gì hấp dẫn nhà đầu tư?
Thị giá OCB hiện đã tăng hơn 80% so với giá đóng cửa phiên chào sàn HOSE vào ngày 28/1. Với tỷ suất sinh lời trên, OCB là một trong những mã có diễn biến giá tốt nhất ngành kể từ đầu năm và là cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh nhất trong tháng 11.
- 07-12-2021OCB khai trương thêm 2 Phòng Giao dịch
- 06-12-2021SSI Research dự báo tăng trưởng lợi nhuận quý 4 ngành ngân hàng ở mức thấp, đánh giá tích cực triển vọng HDBank, OCB và VPBank
- 24-11-2021Cổ phiếu ngân hàng OCB tăng kịch trần, tiếp tục lập đỉnh mới
Gần một năm trước, hơn 1 tỷ cổ phiếu OCB của Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đã chính thức được giao dịch trên HOSE với giá tham chiếu 22.900 đồng/cp. Còn nhớ khi ấy, chào sàn đúng ngày thị trường ‘’rực lửa’’, cổ đông OCB trở thành những người "buồn" nhất trong phiên 28/1 khi cổ phiếu giảm xấp xỉ 20% so với giá tham chiếu xuống 18.400 đồng.
Tuy nhiên, không để cổ đông thất vọng quá lâu, OCB đã bật tăng mạnh mẽ và nhanh chóng lấy lại những gì đã mất chỉ trong 4 phiên giao dịch sau đó. Đồng thời, cổ phiếu này còn duy trì được nhịp tăng giá trong những tháng tiếp theo và đạt mức hơn 32.000 đồng vào đầu tháng 6.
Sau khi hạ nhiệt vào tháng 7 và tháng 8, OCB tiếp tục ‘’leo dốc’’ trong những tháng cuối cùng của năm 2021. Đóng cửa ngày 13/12, thị giá cổ phiếu này dừng ở mức 26.950 đồng, tăng gần 85% so với giá đóng cửa phiên chào sàn HOSE (đã điều chỉnh theo tỷ lệ chia cổ tức 25%). Thậm chí, nếu lấy mức đỉnh 30.500 đồng/cp ghi nhận với cuối tháng 11, thị giá OCB đã tăng hơn 100% trong chưa đầy một năm.
Với tỷ suất sinh lời trên, OCB là một trong những mã có diễn biến giá tốt nhất ngành kể từ đầu năm và là cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh nhất trong tháng 11.
Diễn biến cổ phiếu OCB kể từ khi niêm yết . (Nguồn: Tradingview)
Theo giới phân tích, sức hút của cổ phiếu OCB được thúc đẩy bởi mức định giá hấp dẫn hàng đầu ngành ngân hàng. Cụ thể, dù đã tăng giá mạnh từ đầu năm nhưng chỉ số P/E của OCB hiện vẫn chỉ ở mức 8 lần, thấp hơn nhiều so với trung bình ngành là khoảng 13 lần.
Kết quả này đến từ việc hoạt động kinh doanh của ngân hàng tiếp tục tăng trưởng tốt trong 9 tháng đầu năm dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, OCB lãi trước thuế 3.768 tỷ đồng, tăng 50%. Riêng quý 3, lợi nhuận hợp nhất trước thuế vượt 1.100 tỷ đồng, tăng hơn 71% so với cùng kỳ
Như vậy, OCB tiếp duy trì tốc độ tăng trưởng tích cực trong bối cảnh lợi nhuận toàn ngành tăng trưởng chậm lại ước tính chỉ ở mức 20% trong quý vừa qua.
Chờ đợi cú hích từ đợt phát hành riêng lẻ 70 triệu cổ phiếu
Theo kế hoạch được đại hội cổ đông hồi tháng 4 thông qua, OCB sẽ chào bán riêng lẻ 70 triệu cổ phiếu cho các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước. Mức giá chào bán sẽ không thấp hơn giá trị sổ sách trên mỗi cổ phần của ngân hàng tại thời điểm cuối quý gần nhất tại thời điểm phát hành.
Trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phiếu phát hành riêng lẻ, ngân hàng sẽ trình nới room sở hữu nước ngoài lên mức tối đa 30%.
Tại báo cáo chiến lược mới công bố, SSI Research nhận định kế hoạch tăng vốn là động lực chính cho OCB trong ngắn hạn.
Cụ thể, OCB có kế hoạch phát hành 70 triệu cổ phiếu (5% vốn điều lệ) trong quý 4/2021. Nếu phát hành thành công, ngân hàng sẽ có bộ đệm vốn tốt hơn giúp cải thiện tiềm năng tăng trưởng trong ngắn và trung hạn.
Còn theo Chứng khoán Vietcombank, thương vụ phát hành nếu thành công sẽ giúp giá trị sổ sách của cổ phiếu tăng thêm khoảng 4,4% (700 đồng/cổ phiếu) và đưa tỷ lệ sở hữu nước ngoài lên gần 30%.
Ngoài ra, nhóm phân tích cũng cho rằng cổ phiếu OCB có đủ các điều kiện để được thêm vào rổ danh mục chỉ số VN-Diamond. Khi được thêm vào rổ chỉ số, các quỹ đầu tư thụ động có danh mục tham chiếu là chỉ số này sẽ thực hiện mua vào cổ phiếu OCB.
Đồng quan điểm, BVSC cho rằng đợt tăng vốn sắp tới của OCB không chỉ giúp duy trì đà tăng trưởng tín dụng cao mà còn thúc đấy việc đánh giá lại định giá cổ phiếu.
Bên cạnh những tác động tích cực của đợt tăng vốn sắp tới, giới phân tích cũng đánh giá cao triển vọng kinh doanh của OCB nhờ chiến lược số hóa hoạt động ngân hàng.
Theo SSI Research, OCB đang đầu tư vào dự án chuyển đổi dữ liệu lên đám mây và nâng cấp core banking. Hệ thống core banking mới dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào tháng 12/2021 sẽ và được kỳ vọng sẽ cung cấp sản phẩm nhanh hơn và cũng như cải thiện hiệu suất hoạt động.
Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định, OCB đầu tư lớn vào hệ thống công nghệ lõi từ rất sớm và đã triển khai thành công hệ thống Open API từ cuối 2019. Open API giúp OCB làm chủ dữ liệu và xây dựng các sản phẩm kết nối với các đối tác tương đối dễ dàng. Ngân hàng cho biết sẽ đẩy mạnh ra mắt các sản phẩm mới đi kèm với chiến lược marketing mạnh mẽ hơn trong giai đoạn cuối năm 2021 và năm 2022.
VCBS cho rằng OCB đang cố gắng xây dựng hệ sinh thái các tiện ích xoay quanh ứng dụng OCB OMNI channel với triển vọng gia tăng lượng khách hàng trong tương lai. Nhóm phân tích dự báo ngân hàng sẽ duy trì được tốc độ tăng trưởng tài sản tích cực và cải thiện chi phí vốn trong dài hạn khi tập khách hàng tăng lên.
Về phía ngân hàng, OCB cho biết số hóa ngân hàng với mục tiêu lấy "khách hàng là trọng tâm" cũng là chiến lược trọng yếu trong năm năm 2021 và là chìa khóa giúp để đạt được những kết quả kinh doanh khả quan. Thời gian tới, nhà băng này tiếp tục phát triển các sản phẩm dịch vụ có ứng dụng các công nghệ mới, từ đó liên tục nâng cấp trải nghiệm, mang đến những giá trị cao cho khách hàng, đối tác và nhân viên.
"Với OCB, số hóa là cách để tăng tốc và phát triển, vì xét về quy mô, ngân hàng còn khá khiêm tốn. Với công nghệ số, việc tiếp cận khách hàng mới hoặc phục vụ khách hàng hiện hữu qua các kênh vật lý không còn là rào cản, vì thế OCB có thể tận dụng những lợi thế từ công nghệ số để tiếp cận nguồn khách hàng lớn", đại diện lãnh đạo OCB chia sẻ.
Doanh Nghiệp Tiếp Thị