Tăng giá vé máy bay, giữ tư duy du lịch mùa vụ khác nào lấy đá ghè chân mình
Các doanh nghiệp du lịch quyết tâm thu hút và phục vụ 20 triệu khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2024, đưa Việt Nam trở thành một quốc gia có du lịch phát triển cao trong khu vực. Bên cạnh đó một số người làm du lịch chỉ ra những bất cập về giá vé máy bay tăng cao, tư duy mùa vụ gây ảnh hưởng tiêu cực đến du lịch Việt Nam.
- 14-12-2023Cục Hàng không: Giá vé máy bay vẫn khá thấp so với thế giới
- 07-12-2023Chưa đến Tết đã hết vé máy bay giá 'mềm', khách đổ xô đi tàu hỏa
- 06-12-2023Tăng trần giá vé máy bay: Các hãng du lịch chủ động thích ứng
Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai kế hoạch hoạt động năm 2024 do Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA) tổ chức ngày 22/12 tại Hà Nội.
Ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam - khẳng định năm 2023 là một năm đặc biệt của du lịch Việt Nam . Ngành du lịch cố gắng triển khai các hoạt động để phục hồi du lịch Việt Nam sau đại dịch COVID-19.
Cục Du lịch quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết chỉ sau 10 tháng lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã vượt kế hoạch đề ra (8 triệu khách), đến nay đã đạt mục tiêu điều chỉnh (12,5-13 triệu lượt). Cụ thể tổng khách du lịch quốc tế trong năm 2023 ước đạt 12,5 triệu lượt. Lượng khách du lịch nội địa ước đạt 108 triệu lượt, tổng thu từ du lịch ước đạt hơn 672.000 tỷ đồng, vượt 3,38% so với kế hoạch năm 2023.
“Những hành động này thể hiện sức sống mãnh liệt của du lịch Việt Nam và quyết tâm của các doanh nghiệp du lịch để có thể sớm đưa du lịch Việt Nam phát triển, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn . Trong năm qua, các hiệp hội du lịch, các doanh nghiệp đều cố gắng sáng tạo sản phẩm du lịch mới, đào tạo nhân lực, tìm kiếm thị trường, từng bước đưa du lịch trở lại như trước COVID-19”, ông Vũ Thế Bình nêu.
Tuy nhiên lãnh đạo Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng du lịch thế giới tiếp tục có sự phục hồi nhưng chưa trở về được mức như năm 2019. Du lịch nội địa có sự tăng trưởng nhưng tốc độ chậm lại, thị trường gửi khách chủ yếu của Việt Nam là Trung Quốc chưa mở cửa hoàn toàn.
Các thành viên Hiệp hội Du lịch Việt Nam mong muốn đưa du lịch Việt Nam trở lại thời điểm trước COVID-19. Năm 2024 Hiệp hội Du lịch Việt Nam kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp du lịch nỗ lực, hướng tới mục tiêu phục hồi hoàn toàn hoạt động du lịch trên tất cả tiêu chí đã đạt được vào năm 2019, đặt mục tiêu thu hút và phục vụ 20 triệu khách quốc tế đến Việt Nam.
Vé máy bay tăng cao, nhiều điểm đến sụt giảm khách
Ông Nguyễn Viết Tạo - đại diện JW Marriott Hanoi - cho biết nhiều địa điểm du lịch do vướng mắc quy hoạch nên phát triển còn lộn xộn, phá vỡ cảnh quan thiên nhiên. Đồng thời, giá vé máy tăng cao , nhiều điểm đến tăng giá dịch vụ theo “mùa” khiến lượng khách giảm sút.
“Nếu còn tư duy du lịch mùa vụ chúng ta đang ghè đá vào chân mình. Chúng ta cần kiến nghị với lãnh đạo địa phương để góp phần phát triển du lịch bền vững, tạo ra nhiều sản phẩm tốt để cạnh tranh với các nước trong khu vực”, ông Nguyễn Viết Tạo nêu.
Nhiều đại biểu không chỉ đưa ra những giải pháp thu hút khách quốc tế mà cũng tập trung hiến kế thu hút khách nội địa, đưa khách nội địa thành nhóm khách có chi tiêu cao.
Ông Nguyễn Công Hoan - CEO Flamingo Redtours - nêu thực trạng nhiều điểm đến thiếu khách nội địa, khách chi tiêu thấp, không mua tour mà tự đi... CEO Flamingo Redtours khẳng định nguồn khách nội địa quan trọng, là “bệ đỡ” cho ngành du lịch và ngành du lịch hoàn toàn có cách để thu hút khách nội địa và nâng mức chi trả của họ.
Ông Nguyễn Công Hoan cho biết mỗi tháng đơn vị này đều có sản phẩm mới, dịch vụ mới hoặc điểm đến hấp dẫn mới để truyền thông, quảng bá, thu hút du khách.
“Chúng ta không thể thu hút khách bằng chương trình giảm giá mà cần thu hút bằng sản phẩm mới, dịch vụ phù hợp. Năm 2024, chúng tôi tập trung phát triển sản phẩm dựa theo những tiêu chí: checkin, ẩm thực, giải trí, hoạt động bảo vệ sức khoẻ...”, ông Hoan nói.
Tiền phong