MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng tốc độ xuất khẩu: Lạng Sơn đề xuất Trung Quốc sớm khôi phục các cửa khẩu phụ

Tăng tốc độ xuất khẩu: Lạng Sơn đề xuất Trung Quốc sớm khôi phục các cửa khẩu phụ

Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Lạng Sơn đã nhiều lần đề nghị phía nước bạn khôi phục lại tất cả các cửa khẩu phụ do nhu cầu trao đổi hàng hóa giữa 2 bên rất lớn.

Sau thời điểm Trung Quốc chính thức mở cửa biên giới (8/1), hàng hóa thông quan qua các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn không tăng như kỳ vọng. Hiện các cơ quan chức năng và các doanh nghiệp... đang xác định khó khăn, vướng mắc và tìm giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn.

Hiện hoạt động thông quan hàng hóa trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đang thực hiện tại 5 cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh, Ga đường sắt Đồng Đăng, Chi Ma và Cốc Nam với mức 700-800 xe thông quan/ngày, trong đó có khoảng 400 xe hàng xuất (chủ yếu là nông sản).

Con số này không tăng mạnh như kỳ vọng so với trước thời điểm chính thức mở cửa biên giới (8/1). Nguyên nhân một phần do nhu cầu trao đổi hàng hóa giữa hai bên giảm sau dịp Tết Nguyên đán, một phần do hàng hóa từ Việt Nam xuất sang Trung Quốc vẫn chịu sự kiểm tra, giám sát khá chặt chẽ của cơ quan chức năng nước bạn.

Tăng tốc độ xuất khẩu: Lạng Sơn đề xuất Trung Quốc sớm khôi phục các cửa khẩu phụ - Ảnh 1.

Hiện mỗi ngày có 700-800 xe hàng thông quan qua các cửa khẩu tại Lạng Sơn, trong đó có khoảng 400 xe hàng xuất (chủ yếu là nông sản).

Bà Hoàng Thị Lê, đại diện DN tư nhân chuyên xuất khẩu hàng nông sản cho biết, phía bạn vẫn thắt chặt việc kiểm soát Covid của các lái xe Việt Nam, yêu cầu phải test PCR có hiệu lực trong 48 tiếng. Vì vậy hàng xuất ở cửa khẩu vẫn chưa có xe nào được đi thẳng, vẫn theo hình thức xe đầu kéo Trung Quốc sang lấy hàng.

“Các DN đề xuất với Ban Quản lý cửa khẩu làm sao thỏa thuận với phía nước bạn bỏ test hoặc áp dụng test nhanh. Vì nếu yêu cầu test PCR đối với hàng hoa quả, lái xe lên đến cửa khẩu muốn nhanh cũng phải 12 tiếng mới có kết quả, nên bị chậm mất 1 ngày. Phía bạn hàng bên phía Trung Quốc cũng muốn xe hàng đi thẳng để giảm được chi phí”, bà Lê đề xuất.

Hiện 80% nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đang thực hiện theo hình thức thương mại biên giới. Xuất khẩu tiểu ngạch thường được DN hai bên lựa chọn bởi không yêu cầu khắt khe về bao bì, nguồn gốc xuất xứ và chủng loại nông sản cũng đa dạng hơn. Tuy nhiên, phương thức xuất khẩu hàng tiểu ngạch ngày càng trở nên bất lợi cho DN Việt Nam, nhất là khi đối tác Trung Quốc tăng cường các yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng.

Ông Nguyễn Anh Tài, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn nhận định, khi cơ quan chức năng nước bạn siết chặt các quy định đối với hàng nông sản nhập khẩu, việc vượt qua được hàng rào kỹ thuật là một thách thức không nhỏ đối với hoạt động xuất khẩu nông sản.

“Hiện nay lượng xe hàng thông quan trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn chưa tăng mạnh không phải do các phương thức giao nhận hàng hóa, mà do khả năng cao hàng hóa Việt Nam chưa vào sâu được thị trường Trung Quốc. Hàng hóa muốn vào được phải xem ai là người xuất hàng, mã vùng trồng có đáp ứng được vệ sinh an toàn thực phẩm về nhãn mác hay không và ai là người bên Trung Quốc nhập... Quy chế kéo hàng lên là có thể xuất hàng dễ dàng sang Trung Quốc không còn nữa”, ông Tài cho biết.

Dù các cơ quan chức năng Lạng Sơn luôn luôn tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn, nhưng để tăng cường hơn nữa năng lực thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, tỉnh Lạng Sơn cũng cần đẩy mạnh trao đổi, hội đàm các cấp với phía Trung Quốc về nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch, gỡ bỏ các điều kiện về xét nghiệm; kéo dài thời gian làm việc của lực lượng chức năng tại các cửa khẩu...

Ông Hoàng Khánh Duy, Phó trưởng Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn cho biết, Ban Quản lý đã nhiều lần cũng đề nghị phía nước bạn khôi phục lại tất cả các cửa khẩu phụ do nhu cầu trao đổi giữa 2 bên rất lớn. “Ban Quản lý đã nói rõ với phía bạn về nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng tại tất cả các cửa khẩu phụ đều đã sẵn sàng, có thể hoạt động được ngay nếu như được thông quan trở lại các cửa khẩu phụ này”, ông Duy thông tin.

Dự kiến, ngày 14/2, Bộ NN&PTNT phối hợp UBND tỉnh Lạng Sơn sẽ tổ chức Hội nghị thúc đẩy giao thương nông sản, thủy sản Việt – Trung, trong bối cảnh mới với sự tham gia của các ngành chức năng của hai nước và đại diện một số Hiệp hội ngành hàng nông sản chủ lực của Việt Nam.

Tại hội nghị, những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất nhập khẩu cũng như việc tăng cường, xúc tiến hoạt động giao thương giữa 2 nước sẽ được cơ quan quản lý các cấp cùng các Hiệp hội, DN của Việt Nam và Trung Quốc trao đổi, thảo luận để cùng tìm ra biện pháp khắc phục, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu nông sản giữa hai nước trong thời gian tới./.

Theo Duy Thái

VOV

Trở lên trên