Tăng tốc thu phí sử dụng vỉa hè
Nhiều địa phương tại TP HCM đã và đang thúc đẩy tiến trình thu phí sử dụng lòng đường, vỉa hè. Việc này góp phần tạo công bằng cho người dân, giúp trật tự đô thị nền nếp hơn
- 13-04-2024Hà Nội sẽ sớm thực hiện thu phí vỉa hè?
- 06-08-2023Kinh doanh bánh mì vỉa hè: Bí quyết để thành công
- 22-05-2023Cho thuê vỉa hè: Lo ngại va chạm, xung đột lợi ích
Ngày 9-5, UBND quận 1 đã triển khai thí điểm 11 tuyến đường đủ điều kiện tổ chức kinh doanh, mua bán hàng hóa theo Quyết định 32/2023 của UBND TP HCM (quy định về quản lý và sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố).
Hết cảnh vừa bán vừa lo
11 tuyến đường thí điểm ở quận 1 gồm: Hoàng Sa (phường Tân Định); Mạc Đĩnh Chi (phường Đa Kao); Hải Triều, Chu Mạnh Trinh (phường Bến Nghé); Lê Thánh Tôn, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh (phường Bến Thành); Hàm Nghi (phường Nguyễn Thái Bình); Trần Hưng Đạo (các phường Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Cư Trinh, Cầu Ông Lãnh, Cầu Kho); Cô Bắc (phường Cầu Ông Lãnh); Võ Văn Kiệt (phường Cô Giang).
Ghi nhận trên đường Hải Triều cho thấy dù đoạn đường ngắn, không khí buôn bán sầm uất nhưng vỉa hè vẫn ngăn nắp với sự phân chia bởi vạch trắng.
Chỉ tay vào khoảng vỉa hè từ mép nhà đến sát vạch, anh Trần Huy Hoàng, chủ quán phở Hà, cho biết diện tích anh đóng phí sử dụng khoảng 8 m2. 8 m2 này anh đặt thêm 2 chiếc bàn cho khách ngồi, mỗi tháng đóng 800.000 đồng.
"Mức phí như vậy tôi thấy hợp lý và an tâm sử dụng, thay vì như trước đây thi thoảng vẫn mang bàn ghế ra vỉa hè theo yêu cầu của khách nhưng cứ nơm nớp lo" - anh Hoàng so sánh.
Vỉa hè đoạn Lê Thánh Tôn cũng rất quy củ. Mọi hoạt động kinh doanh, buôn bán của người dân đều nằm gọn trong vạch kẻ vàng. Một số trường hợp chưa quen, đặt bàn ghế lấn ra vạch liền bị nhân viên phường nhắc nhở.
Đăng ký sử dụng 8 m2 vỉa hè ở đây, chị Trần Thị Thanh Tuyền, chủ quán cà phê Vy, bày tỏ sự nhẹ nhõm. Giống như anh Trần Huy Hoàng, chị Tuyền thừa nhận lúc chưa đóng phí, thỉnh thoảng chị vẫn lấn một phần vỉa hè để sử dụng khi khách đông nhưng không an tâm vì ngại nhân viên đô thị đi qua nhắc nhở… "Nay được đăng ký đóng phí sử dụng chính thức, tôi thấy thoải mái rồi" - chị Tuyền bày tỏ.
Tại lễ triển khai, quận 1 đã ra mắt phần mềm tra cứu và đăng ký sử dụng tạm thời một phần hè phố trên địa bàn. Phần mềm này giúp người dân có thể tra cứu nhanh chóng chức năng vỉa hè tại từng vị trí của 11 tuyến đường.
Ông Nguyễn Thành Phát, Trưởng Phòng Quản lý đô thị quận 1, cho biết việc triển khai thí điểm 11 tuyến đường đủ điều kiện cho thuê một phần vỉa hè làm điểm kinh doanh, mua bán hàng hóa nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hè phố theo hướng thông minh, công khai, hiện đại. Qua đó, người dân có thể tra cứu từng tuyến đường để biết thông tin về mục đích, diện tích sử dụng và mức đóng phí. Toàn bộ quá trình người dân đăng ký sử dụng tạm thời vỉa hè, nộp phí, UBND phường theo dõi, giám sát… đều được thực hiện trên nền tảng số.
Trên cơ sở triển khai thí điểm, theo ông Nguyễn Thành Phát, quận 1 sẽ tổ chức đánh giá để hoàn thành ứng dụng, sau đó nhân rộng trên toàn quận.
Công bằng và nền nếp
Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM thông tin từ ngày 1-1, Đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn TP HCM chính thức có hiệu lực. Sau thời gian chuẩn bị, khảo sát thực tế, lấy ý kiến người dân, hộ mặt tiền…, một số địa phương như quận 1, quận 10, quận 11, quận 12 đã gửi đến Sở GTVT danh mục tuyến đường có vỉa hè đủ điều kiện để sử dụng tạm thời một phần ngoài mục đích giao thông.
Trong đó, UBND quận 10 sau khi khảo sát có 28 tuyến đường có vỉa hè, đoạn vỉa hè rộng từ 3 m trở lên đủ điều kiện sử dụng tạm thời để tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa. Hiện nay, người dân đã đăng ký sử dụng vỉa hè tại một số tuyến, như đường 3 Tháng 2…
Tại quận 12, địa phương này cũng ban hành danh mục 15 tuyến đường với bề rộng vỉa hè từ 3 m trở lên, bảo đảm điều kiện sử dụng tạm có thu phí.
Quận 5 có 66 tuyến đường kinh doanh, buôn bán có thu phí; 4 chợ truyền thống sử dụng lòng đường, vỉa hè...
Theo Sở GTVT TP HCM, các địa phương mất khá nhiều thời gian khảo sát. Vừa qua, Sở GTVT đã có văn bản đôn đốc các địa phương sớm hoàn thành, gửi danh mục các tuyến đường có vỉa hè dự kiến thu phí về sở để báo cáo UBND TP HCM. Việc UBND quận 1 triển khai thí điểm trên 11 tuyến đường cũng như ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý sẽ thúc đẩy nhân rộng trên toàn thành phố.
"Đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố nếu triển khai hiệu quả không chỉ giúp công tác quản lý trật tự lòng lề đường đi vào nền nếp, văn minh, hiện đại mà còn tạo nguồn thu, sự công bằng, bình đẳng cho các đối tượng có nhu cầu sử dụng vỉa hè để kinh doanh, buôn bán một cách công khai" - đại diện Sở GTVT nhận xét.
9 trường hợp được đóng phí sử dụng
Theo Nghị quyết 15 năm 2023 của HĐND TP HCM, từ ngày 1-1-2024, thành phố áp dụng quy định mới về quản lý lòng đường, hè phố. Theo đó, cho phép một số trường hợp được sử dụng tạm và đóng phí với mức 20.000 - 350.000 đồng/m2, tùy khu vực.
Có 6 trường hợp được sử dụng tạm vỉa hè và đóng phí, gồm: tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa; trông, giữ xe có thu tiền; tổ chức hoạt động văn hóa; giữ xe phục vụ hoạt động văn hóa; bố trí công trình, tiện ích phục vụ giao thông công cộng có thu tiền sử dụng, lắp đặt các công trình tạm; trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng để phục vụ thi công công trình.
Với lòng đường, có 3 trường hợp được sử dụng tạm và đóng phí. Cụ thể: Tổ chức sự kiện văn hóa và trông, giữ ô tô phục vụ sự kiện; trung chuyển rác thải sinh hoạt của doanh nghiệp vệ sinh môi trường đô thị; trông giữ xe có thu tiền dịch vụ.
Tiền phong