MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng trưởng GDP đã phản ánh đúng thực trạng nền kinh tế

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyên Đức Kiên nhận định, tăng trưởng GDP đã phản ánh đúng thực trạng nền kinh tế đất nước.

Phóng viên VOV đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đại biểu Quốc hội đoàn Sóc Trăng, bên hành lang Quốc hội ngày 21/10 tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV.


Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

PV: Trong báo cáo, Chính Phủ dự báo GDP là 6,3-6,5%. Ông đánh giá như thế nào, liệu chúng ta có đạt được hay không, thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Kiên: Trong báo cáo của Thủ tướng Chính phủ cũng như Chính Phủ tại kì họp thứ 2 này, đã công khai dự kiến GDP năm 2016 sẽ dao động từ 6,3 – 6,5%, không đạt mức kế hoạch mà chúng ta đã đưa. Quốc hội khóa XIII thông qua của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội là 6,7%.

Chúng ta có thể thấy, tăng trưởng GDP đã phản ánh đúng thực trạng nền kinh tế đất nước và bối cảnh chung của thế giới. Đặc biệt là đối với nền kinh tế của đất nước, bên cạnh những tác động khách quan như hạn hán, giá dầu đã làm giảm sản lượng, quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, tái cơ cấu đầu tư công cũng như tái cơ cấu các tổ chức tín dụng vẫn đang trong quá trình diễn ra nên sẽ phải có những tác động nhất định đến quá trình tăng trưởng.

Việc tốc độ tăng trưởng giảm như thế cũng là bình thường trong bối cảnh đấy, nhưng vấn đề ở đây là chúng ta phải nhìn thấy nó sẽ liên quan đến rất nhiều các chỉ số đảm bảo sự ổn định của kinh tế vĩ mô.

PV: Tăng trưởng không đạt kế hoạch như vậy sẽ ảnh hưởng thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Kiên: Nếu chúng ta thấy rằng tổng thu GDP trong dự kiến sẽ tăng trưởng đạt khoảng 5,1 triệu tỷ đồng thì đến bây giờ dự báo của Bộ Tài chính chỉ còn khoảng 4,6 triệu tỷ đồng GDP. Như vậy đã làm thay tỷ lệ nợ công trên GDP tăng lên, bởi khi mẫu số so sánh nhỏ đi thì kết quả so sánh sẽ cao vọt lên.

Bên cạnh đó, các tổ chức tài chính quốc tế khi đánh giá lại độ tín nhiệm hệ thống tài chính của chúng ta thì độ tín nhiệm thấp hơn một bậc so với năm ngoái.

Ngoài ra, khi tốc độ tăng trưởng giảm sẽ kéo theo những vấn đề khác cần quan tâm như giải quyết việc làm, an sinh xã hội và vấn đề thực hiện đầu tư. Ở đây, chúng ta sẽ quay trở lại vấn đề chi ngân sách như thế nào.

PV: Thưa ông, đây mới chỉ là dự báoi, liệu có khả năng tăng cao hơn? Chúng ta sẽ có giải pháp gì để đạt được?

Ông Nguyễn Đức Kiên: Chúng ta không nên đưa ra những phỏng đoán khác. Khi Thủ tướng đã báo cáo như vậy tức là chúng ta đã cân đối mọi thứ, cả những phương án thuận lợi sẽ đạt 6,5% hoặc không thuận lợi là 6,3%.

Chúng ta thấy rằng, ngay từ tháng 4 khi mà chúng ta bị tác động bởi xâm nhập mặn, tác động bởi hạn hán miền Trung thì chúng ta đã có Nghị quyết 35, sau đó tháng 7 chúng ta có Nghị quyết 60 để đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, vốn trái phiếu Chính Phủ lên. Nghị quyết 19 thì đã làm ngay trong tháng 4. Như vậy những giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp, kiên quyết xử lý đầu tư công chúng ta đã đề ra ngay từ tháng 4 và tháng 7.

Vấn đề là còn lại hai tháng 11, 12 chúng ta phải kiên quyết thực hiện nốt những chính sách chúng ta đề ra.

PV: Trong báo cáo của Chính phủ đề ra 12 giải pháp và đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2017 là 6,7%. Theo ông, tính khả thi của mục tiêu này như thế nào? Đâu là giải pháp trọng tâm xuyên suốt trong năm tới?

Ông Nguyễn Đức Kiên: Trước hết, có thể nói tốc độ tăng trưởng 6,7% là một tốc độ mong muốn. Chúng ta qua rồi thời kì là phát triển kinh tế kế hoạch hóa là chỉ tiêu đặt ra, là chỉ tiêu pháp lệnh bởi vì chúng ta có đầy đủ nguồn lực để hỗ trợ cho việc tăng trưởng đó.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, sau 30 năm đổi mới chúng ta dần chuyển sang nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa nên việc 6,7% đạt tốc độ tăng trưởng GDP là tốc độ dự kiến để cân đối vĩ mô trong điều hành nền kinh tế. Chúng ta nhìn thấy tăng trưởng GDP của chúng ta có 40% do FDI, 30% là do Nhà nước, 30% do các thành phần kinh tế khác. Và chúng ta sẽ cố gắng dùng 30% của Nhà nước định hướng, hỗ trợ tạo điều kiện cho 70% còn lại phát triển. Còn hấp thụ, cộng hưởng, phát triển đến đâu còn phụ thuộc vào tùy doanh nhân, mục tiêu của họ trong quá trình phát triển.

Trong năm 2017 và 2018 việc tốc độ tăng trưởng kinh tế không nên là vấn đề được đặt ra, mà vấn đề chúng ta phải tái cơ cấu xong toàn bộ nền kinh tế. Chúng ta có thể nói công khai với doanh nghiệp và người dân là trong 2 năm tới chúng ta sẽ đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 6%.

Tôi nói như vậy vì ở mức này sẽ đạt được mức ổn định xã hội, tạo được việc làm cho lao động hàng năm là 1 triệu – 1,1 lao động mới thì chúng ta phải đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế là 5% thì mới "đỡ" được…

Chúng ta phải đạt tốc độ 6% để cho tốc độ tăng nợ công và trả nợ gốc và nợ lãi theo hạn kì là dưới 25%. Khi nợ công giữ ở mức dưới 65% và tốc độ trả nợ vẫn dưới 25% thì đánh giá tín nhiệm tài chính của chúng ta trên thị trường sẽ tốt hơn.

Như vậy, bằng các động tác và cải thiện vĩ mô, giúp cho doanh nghiệp Việt Nam khi đi vay vốn ở thị trường quốc tế sẽ có giá vốn thấp hơn.

PV: Xin cảm ơn ông!

Theo Nhóm PV

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên