Tăng trưởng kinh tế: Chất lượng quan trọng hơn những con số
2/3 chặng đường của năm 2016 đã đi qua dù tăng trưởng kinh tế Việt Nam có nhiều dấu hiệu khởi sắc nhưng chưa thực sự vững chắc.
- 02-09-2016Chuyên gia Phạm Chi Lan: Nguồn lực đã cạn kiệt, lấy gì tăng trưởng kinh tế?
- 23-08-2016Tín dụng ngân hàng đổi hướng có ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế?
- 31-07-2016Năm 2016 khó đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7%
Tốc độ tăng trưởng 9 tháng ước tăng 5,93% vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái và cách xa so với mục tiêu Quốc hội đề ra là 6,7%. Để có thể đạt mục tiêu tăng trưởng trong những tháng còn lại của năm nay, đòi hỏi phải có những giải pháp quyết liệt, đồng bộ hơn nữa từ các cơ quan chức năng và doanh nghiệp.
9 tháng qua, môi trường đầu tư và kinh doanh cải thiện nên số doanh nghiệp thành lập mới tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp quay trở lại cũng tăng đột biến, ngược lại số doanh nghiệp phá sản, chờ phá sản đã giảm hơn 1.000 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm trước.
Cả nước thu hút được 16,43 tỷ USD vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm, bằng 95,8% so với cùng kỳ năm trước. Vốn giải ngân đạt 11,02 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây được xem là một kết quả khá cao trong việc triển khai dự án đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài. Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa tiếp tục có bước tăng trưởng, xuất siêu 2,76 tỷ USD. Bên cạnh đó, lạm phát tiếp tục được kiểm soát và cơ bản ổn định.
Ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ hệ thống tài khoản quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tăng trưởng qua từng quý vẫn cao lên và giữ được quý sau cao hơn quý trước. Một điều đặc biệt ở đây là tăng trưởng kinh tế của quý III/2016 có bước bứt phá mạnh mẽ, với mức tăng đạt 6,4% so với cùng kỳ năm 2015.
“Đây là mức tăng trưởng cao so với nhiều năm trở lại đây. Với đà của 9 tháng và nhất là quý III, kỳ vọng trong quý IV sẽ có sự tăng trưởng bứt phá so với các quý trước”, ông Tuyến lưu ý.
Theo Tổng cục Thống kê, trong mức tăng 5,93% của toàn nền kinh tế, khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,65%, là mức thấp nhất so với cùng kỳ 6 năm gần đây. Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp tăng 7,19% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,86% của cùng kỳ năm trước.
Theo các chuyên gia kinh tế, những biến động bất thường của thời tiết, bội chi ngân sách cũng là vấn đề đáng lo ngại, cản trở cho những điều hành chính sách của Chính phủ. 9 tháng qua, thu ngân sách nhà nước ước đạt hơn 665.000 tỷ đồng. Trong khi đó, chi ngân sách nhà nước ước tính 819.000 tỷ đồng. Như vậy, mức bội chi lên đến hơn 154.000 tỷ đồng.
Ông Bùi Ngọc Sơn, Phó Trưởng phòng Phòng Kinh tế thế giới, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới cho rằng, nợ công và kể cả nợ nước ngoài có giai đoạn đã bắt đầu chồng lấp và mức độ tăng lên nhưng đáng lo ngại là triển vọng kinh tế chưa có gì sáng sủa.
“Rõ ràng khi chúng ta vay nợ nhiều. Để trang trải nợ trong chi tiêu của Chính phủ, trong Ngân sách của Nhà nước tính đến năm sau có thể lên đến 30% là mức nguy hiểm. Tình trạng này sẽ dẫn đến việc thu được bao nhiêu là trả nợ hết, không còn đồng nào, hoặc là vay xong lại phải đi trả nợ luôn”, ông Sơn chỉ rõ.
2/3 chặng đường của năm 2016 đã đi qua, kinh tế Việt Nam có nhiều dấu hiệu khởi sắc nhưng chưa vững chắc do nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế còn gặp khó khăn, thách thức. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay là khó đạt được.
Theo Báo cáo cập nhật kinh tế Đông Á - Thái Bình Dương vừa được Ngân hàng Thế giới công bố, dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm nay đã bị hạ xuống còn 6,0%. Trước đó, nhiều tổ chức trong nước và quốc tế cũng đã có các dự báo cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Theo đó, kinh tế cả năm sẽ ở mức 6% cho kịch bản thấp và dưới 6,5% ngay cả cho trường hợp có nhiều điều kiện tăng trưởng thuận lợi hơn, song khả năng này là rất thấp. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn kiên quyết không điều chỉnh hạ mục tiêu này và triển khai nhiều giải pháp để nền kinh tế thực sự bứt phá.
Ông Phùng Văn Hùng, Thường trực Ủy ban kinh tế của Quốc hội cho rằng, để tăng trưởng bền vững, Việt Nam phải tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Thứ nữa, Việt Nam phải kiến tạo và tạo lập một hệ thống doanh nghiệp trong nước đủ mạnh, đủ sức cạnh tranh trong tiến trình hội nhập, đấy mới là yếu tố bền vững cho tăng trưởng và phát triển kinh tế.
Còn theo khuyến cáo của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam nên chú ý tới chất lượng tăng trưởng thay vì chỉ chú trọng vào con số và đưa ra các biện pháp kích thích ngắn hạn. Cần thực hiện tái cơ cấu, cải cách tài khoá và cải cách ngân hàng quyết liệt hơn nữa thì mới có thể khắc phục được các yếu kém vĩ mô và tăng cường tăng trưởng trong trung hạn.
Bên cạnh đó, cần điều chỉnh chi công, tăng cường hợp tác công tư và nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư công nhằm xóa bỏ yếu kém về cơ sở hạ tầng. Đồng thời, gỡ bỏ các hạn chế để tăng trưởng bền vững./.
VOV