Tăng trưởng tín dụng có thể hạ nhiệt trong nửa cuối năm
Theo VDSC, tăng trưởng lưu lượng tín dụng có thể giảm trong nửa cuối năm một phần để kiểm soát các giới hạn theo quy định và chờ hạn mức tăng trưởng mới.
- 07-04-2022Thủ tướng yêu cầu NHNN chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các tổ chức tín dụng đầu tư trái phiếu, đặc biệt là của doanh nghiệp bất động sản
- 04-04-2022Phó Thống đốc NHNN: Tăng trưởng tín dụng quý I ở mức rất cao
- 03-04-2022Dư nợ tín dụng VietinBank tăng mạnh trong quý I, mục tiêu lợi nhuận cả năm đạt khoảng 20.000 tỷ
Trong báo cáo mới công bố, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết trưởng tín dụng đạt 4,13% tính đến ngày 23/3, cao hơn cùng kỳ năm 2019 (trước Covid) là 3,13%. Kết quả này là nhờ hạn mức tăng trưởng tín dụng cấp lần đầu cao hơn (11% so với 8% năm ngoái), ngành ngân hàng sẽ tiếp tục tận dụng cầu tín dụng khỏe và kinh tế hồi phục để mở rộng dư nợ cho vay vào các lĩnh vực được định hướng, và có thể duy trì tốc độ hiện tại thêm vài tháng do nhu cầu bị dồn nén.
''Xu hướng tăng trưởng tín dụng dự kiến sẽ cải thiện và duy trì ổn định trong nửa đầu năm, với tốc độ cao hơn so với các năm trước'', VDSC nhận định.
Theo VDSC, tăng trưởng lưu lượng tín dụng có thể giảm trong nửa cuối năm một phần để kiểm soát các giới hạn theo quy định và chờ hạn mức tăng trưởng mới. Tổng hợp mức tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng trong danh mục theo dõi, nhóm phân tích dự báo mức tăng trưởng tín dụng trong khoảng 13,3-15,2%, trung bình là 14,3%. Biên độ dự phóng này được cho là đã tính đến một số tình huống không mong muốn như xảy ra giãn cách và các áp lực như lạm phát cao hơn.
Trong khi đó, tăng trưởng huy động sẽ tiếp tục bị chậm hơn tín dụng, nhưng chênh lệch tăng trưởng tín dụng - huy động dự kiến sẽ được thu hẹp. VDSC cho rằng tăng trưởng huy động sẽ được hỗ trợ bởi đà phục hồi của lưu thông và lãi suất huy động cao hơn, vốn sẽ dẫn đến hiệu ứng tái cân bằng danh mục và lãi kép cao hơn. Qua đó dự báo mức tăng trưởng tiền gửi năm 2022 trong khoảng 11,1-12,4%, trung bình là 11,8%.
Con số ước tính này khá sát so với kết quả cuộc khảo sát gần đây của NHNN. Theo đó, các tổ chức tín dụng dự báo tăng trưởng tín dụng 14,1% và tăng trưởng huy động 11,4% năm 2022. Giá trị kỳ vọng tăng trưởng tiền gửi được điều chỉnh giảm so với khảo sát trước, từ mức 12,1%.