MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng tuổi nghỉ hưu: Mối lo vỡ quỹ BHXH, thất nghiệp gia tăng?

Tại dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), Bộ Lao động – Thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) đề xuất 2 phương án tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 tuổi đối với nam, 60 tuổi với nữ từ năm 2021. Việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu sẽ có lộ trình để tránh gây “sốc” cho thị trường lao động.

Để đảm bảo việc tăng tuổi nghỉ hưu phù hợp với quy mô, cơ cấu, chất lượng, thể trạng sức khỏe và tuổi thọ của người lao động Việt Nam, tránh việc phải điều chỉnh đột ngột lên mức quá cao trong tương lai, đảm bảo góp phần ổn định chính trị - xã hội, Bộ LĐ-TB&XH đã đề xuất 2 phương án tăng tuổi nghỉ hưu.

Phương án 1, kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Phương án 2, kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 4 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 6 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Tăng tuổi nghỉ hưu: Mối lo vỡ quỹ BHXH, thất nghiệp gia tăng? - Ảnh 1.

Vẫn còn nhiều ý kiến không muốn tăng tuổi nghỉ hưu....


Bộ LĐ-TB&XH đưa ra 3 lý do với để xuất tăng tuổi nghỉ hưu, đó là dân số Việt Nam đang già hóa, tương lai thiếu lao động là nhãn tiền; vỡ quỹ bảo hiểm xã hội; khả năng lao động sau tuổi nghỉ hưu của người Việt Nam là cao.

Qua khảo sát, đánh giá và tham vấn ý kiến của các bên trong quá trình soạn thảo, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, đa số ý kiến đề xuất chọn phương án 1. Cả hai phương án quy định trong dự thảo đều có lộ trình tăng chậm, tuy nhiên, phương án 1 là phương án có ưu điểm hơn, phòng tránh cao hơn các rủi ro khi điều chỉnh tuổi đối với thị trường lao động, tránh gây sốc thị trường lao động, giữ được ổn định xã hội và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Chính vì thế, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho rằng “tăng tuổi hưu đã là việc không thể trì hoãn”.

Tuy nhiên, tại buổi góp ý dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) từ cộng đồng doanh nghiệp do VCCI tổ chức mới đây, nhiều ý kiến lại cho rằng chưa cần tăng tuổi nghỉ hưu.

Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) lo ngại việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu liệu có thể ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người lao động, đặc biệt là những người lao động trực tiếp sản xuất tại các khu công nghiệp thường không thể làm việc đến 55 tuổi với nữ và 60 tuổi với nam.

Ông Trương Văn Cẩm - Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu đưa vào dự thảo lần này là chưa phù hợp. Bởi theo ông, chúng ta vẫn đang trong thời kỳ "dân số vàng", khả năng còn kéo dài đến năm 2035. Lao động làm việc trong đơn vị hành chính sự nghiệp đang dư thừa, nếu tăng tuổi nghỉ hưu sẽ duy trì bộ máy kém hiệu quả. Ngoài ra, chúng ta hiện có hơn 220.000 sinh viên tốt nghiệp không có việc làm.

Cũng theo ông Cẩm, đề nghị việc tăng tuổi nghỉ hưu chỉ nên thực hiện khi thời kỳ cơ cấu "dân số vàng" kết thúc, đồng thời thực hiện tăng ở khối hành chính sự nghiệp trước khu vực sản suất từ 5-10 năm.

Bà Đỗ Thị Thúy Hương, đại diện Hiệp hội DN Điện tử Việt Nam, cũng cho rằng với khối sản xuất, tăng tuổi nghỉ hưu chưa cần thay đổi mà nên để đến thời điểm thích hợp thì mới tính đến tăng tuổi nghỉ hưu, còn với khối hành chính sự nghiệp có thể có quy định riêng.

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cũng đề xuất không nên tăng tuổi nghỉ hưu ở thời điểm hiện nay.

Theo nhiều ý kiến, tuổi nghỉ hưu đối với lĩnh vực nặng nhọc, độc hại như dệt may, da giày nên giữ nguyên, chỉ nâng tuổi hưu trong lĩnh vực lao động làm công việc phổ thông.



Theo Minh Thư

Infonet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên