Tập đoàn hàng đầu Trung Quốc góp mặt ở 2 dự án 85.000 tỷ ở Hà Nội có thành tích 'khủng' như thế nào?
Tập đoàn này là doanh nghiệp tư nhân thứ 2 của Trung Quốc nằm trong 500 tập đoàn lớn nhất thế giới, lợi nhuận năm 2023 lên tới hàng tỷ USD.
- 27-06-2024Đà Nẵng kêu gọi đầu tư nhiều dự án "khủng"
- 27-06-2024TPHCM kiến nghị Thủ tướng thưởng vượt tiến độ thi công các dự án trọng điểm
- 26-06-2024Siêu dự án 70 tỷ USD, 1.500km ở Việt Nam có quyết tâm mới, đơn vị hùng hậu bậc nhất Trung Quốc đáp lời
Thủ tướng đã tiếp người sáng lập Tập đoàn xây dựng Thái Bình Dương- Trung Quốc
Nhân dịp dự Hội nghị WEF Đại Liên 2024 và làm việc tại Trung Quốc, sáng 27/6, tại Thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp ông Nghiêm Giới Hoà, người sáng lập Tập đoàn xây dựng Thái Bình Dương, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Trang Nghiêm và các lãnh đạo Tập đoàn xây dựng Thái Bình Dương.
Nêu một số đề xuất và thông tin tới Thủ tướng về Tập đoàn Thái Bình Dương, ông Nghiêm Giới Hoà cho biết, Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương là doanh nghiệp tư nhân hàng đầu thế giới trong ngành công trình và xây dựng. Năm 2023, Thái Bình Dương đạt doanh thu 79,478 tỷ USD, lợi nhuận 5,188 tỷ USD.
Tại Việt Nam, Tập đoàn tham gia các dự án xây dựng cầu Tứ Liên, tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội đoạn Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hoà Lạc…
Đánh giá cao hoạt động đầu tư kinh doanh, hiệu quả, bền vững của Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương trên toàn cầu nói chung và tại Việt Nam nói riêng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam đang tích cực trong việc hoàn thiện thể chế, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thực sự thông thoáng, thuận lợi và các chính sách ưu đãi thoả đáng, đặc biệt trong các lĩnh vực thu hút đầu tư.
Hoan nghênh sự chủ động của Tập đoàn khi đưa ra các đề xuất hợp tác hỗ trợ Việt Nam xây dựng các chính sách, quy hoạch thu hút các nhà đầu tư Trung Quốc nói riêng và nước ngoài nói chung đến với Việt Nam, Thủ tướng đề nghị Tập đoàn tiếp tục trao đổi, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam tìm nghiên cứu, kiếm cơ hội đầu tư mới, mở rộng đầu tư tại Việt Nam.
Trước mắt, Tập đoàn phối hợp với thành phố Hà Nội và Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu hợp tác triển khai xây dựng tuyến đường sắt đô thị Văn Cao - Hòa Lạc, Hà Nội, trên nguyên tác "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ"; đồng thời phối hợp với các địa phương của Việt Nam, nhất là các tỉnh biên giới phía Bắc để hợp tác phát triển hạ tầng.
Thủ tướng cho biết, Chính phủ Việt Nam luôn đồng hành, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Trung Quốc nói chung và Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương nói riêng triển khai các dự án đầu tư kinh doanh bền vững, hiệu quả, thành công, bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật.
Trước đó, hồi tháng 1 năm nay, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội và Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương (CPCG), Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác nghiên cứu đầu tư xây dựng một số dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố.
Theo biên bản ghi nhớ, các bên liên quan thống nhất cùng hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong việc triển khai nghiên cứu các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm của Hà Nội, trong đó tập trung vào hai dự án. Đầu tiên là dự cầu Tứ Liên và đường dẫn từ cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên. Dự án thứ hai là đường sắt đô thị số 5, đoạn Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc.
Hồ sơ khủng về 'đại gia' hàng đầu trong lĩnh vực xây dựng ở Trung Quốc
Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương (China Pacific Construction Group) được ông Nghiêm Giới Hoà thành lập năm 1995, tập trung cốt lõi vào các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng và xây dựng.
Tập đoàn đã được cấp giấy chứng nhận cấp 1 của Trung Quốc về tổng thầu xây dựng đường cao tốc, khu đô thị, công trình thuỷ lợi, kiến trúc và một số lĩnh vực khác. Tập đoàn này hiện đang vận hành khoảng 3.000 khu công nghiệp, các dự án đô thị trên khắp Trung Quốc.
CPCG là doanh nghiệp xếp thứ 96 trong số 500 doanh nghiệp lớn nhất toàn cầu, thứ 19 trong số 500 doanh nghiệp lớn nhất Trung Quốc. Đây là doanh nghiệp tư nhân thứ 2 của Trung Quốc nằm trong 500 tập đoàn lớn nhất thế giới.
Tập đoàn đã khởi xướng hình thức đầu tư BT và tham gia xây dựng tại hơn 1.000 thành phố và 3.000 khu công nghiệp bằng cách áp dụng hợp đồng BT, BTO, EPC và PPP.
Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương cũng trực tiếp tham gia vào các dự án của Thượng Hài – Nam Kinh; Thượng Hải – Chu Hải; Bắc Kinh – Thượng Hải…cũng như các dự án trọng điểm quốc gia khác.
Những năm gần đây, Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương tích cực mở rộng thị trường ra nước ngoài, đặc biệt là tăng cường trao đổi, hợp tác với 10 nước ASEAN, Trung Tây Á và Trung Đông Âu. Hiện Tập đoàn này đang triển khai các dự án tàu điện ngầm, tàu cao tốc hợp tác với Ukraine, Iran và Malaysia.
Theo thống kê, hiện Tập đoàn xây dựng Thái Bình Dương có hơn 500 công ty cổ phần và có hơn 100 công ty đầu tư đối ngoại trên khắp thế giới.
Tờ Nhịp sống Kinh tế dẫn thông tin từ Zhihu cho biết, ông Nghiêm Giới Hòa, người sáng lập Tập đoàn xây dựng Thái Bình Dương sinh năm 1960 tại Hoài An, tỉnh Giang Tô. Xuất thân trong một gia đình tri thức, từ nhỏ ông đã thông minh hơn người và xuất sắc tốt nghiệp cấp 3 năm 16 tuổi.
Theo nguồn trên, vị đại gia này nổi tiếng với câu chuyện khởi nghiệp bằng cách "chịu lỗ", từng san bằng 700 ngọn núi trong 180 ngày, từng nhất quyết không niêm yết tập đoàn của mình dù đã lọt vào top 500 doanh nghiệp mạnh nhất thế giới…
Những hành động "khác người" này khiến ông Nghiêm Giới Hòa trở thành doanh nhân có 1-0-2. Báo chí Trung Quốc đánh giá, Nghiêm Giới Hòa chính là người tạo ra kỳ tích có một không hai trong giới kinh doanh nước này khi một tay làm nên tập đoàn tư nhân hàng đầu.
Dự án cầu Tứ Liên và đường từ cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên với tổng chiều dài tuyến khoảng 11,5 km. Trong đó, cầu Tứ Liên có chiều dài 2,9 km, trong đó cầu chính dài 1 km, quy mô mặt cắt ngang theo quy hoạch bảo đảm 6 làn xe cơ giới, hai làn hỗn hợp và hai làn đi bộ... Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 20.000 tỷ đồng.
Dự án đường sắt đô thị số 5, đoạn Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc có quy mô tiêu chuẩn đường đôi, điện khí hóa với chiều dài 38,4 km (gồm 6,5 km đi ngầm, 2 km đi cao và 29,9 km đi trên mặt đất), 21 ga và hai khu depot. Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 65.000 tỷ đồng.
Đời sống & pháp luật