Tập đoàn hàng đầu Việt Nam tiết lộ vị trí dự kiến sản xuất ray cho đường sắt tốc độ cao
Một nhà máy của Tập đoàn thép số 1 Việt Nam tại Phú Yên sẽ có sản phẩm là ray đường sắt tốc độ cao với chiều dài từ 50-100 m.
- 18-10-2024'Vua đào hầm' Đèo Cả báo tin vui về dự án 2.000 tỷ đồng cải tạo cung đường sắt đẹp nhất thế giới, đánh dấu bước tiến quan trọng đưa dự án tiến gần hơn tới đích
- 18-10-2024Hướng tuyến lựa chọn làm đường sắt tốc độ cao đã 'thẳng nhất có thể'
- 18-10-2024Giai đoạn đầu, đường sắt tốc độ cao chở khách tốc độ 320km/h, chở hàng 120km/h
Vị trí dự kiến sản xuất ray đường sắt tốc độ cao của Hòa Phát
UBND tỉnh Phú Yên vừa gửi văn bản đề nghị Bộ GTVT xin ý kiến về chủ trương thực hiện việc kết nối tuyến đường sắt từ cảng Bãi Gốc đến tuyến đường sắt quốc gia Bắc - Nam, với chiều dài khoảng 12 km, theo báo Đầu tư.
Tuyến đường sắt dài 12 km được Tập đoàn Hòa Phát đề xuất đầu tư vốn nhằm kết nối nhà máy luyện kim và sản xuất thép của tập đoàn tại Khu công nghiệp Hòa Tâm, Khu kinh tế Nam Phú Yên, với tuyến đường sắt Bắc - Nam.
Theo báo trên, nhà máy này dự kiến sẽ sản xuất thép đường ray cao tốc với kích thước mỗi thanh ray dài từ 50 m đến 100 m, và việc vận chuyển sẽ được thực hiện qua đường sắt thay vì sử dụng đường bộ để đưa sản phẩm tới các công trường.
Trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của Dự án đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, tuyến đường này dự kiến sẽ đi qua 20 tỉnh, thành phố với tổng chiều dài khoảng 1.541 km. Với tiêu chuẩn mỗi thanh ray dài 100 m, dự kiến cần tới 15.410 thanh để hoàn thành tuyến đường sắt tốc độ cao này.
Việc Tập đoàn Hòa Phát nhanh chóng chuẩn bị xây dựng nhà máy, chuyển giao công nghệ, sản xuất thử nghiệm và sản xuất hàng loạt đường ray được coi là một tín hiệu lạc quan và kỳ vọng có thể giúp tiến độ xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được rút ngắn.
Hòa Phát có thể làm nhiều loại thép cung cấp cho dự án, không riêng thép đường ray
Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát trong buổi làm việc gần đây với Thủ tướng Chính phủ đã dành nhiều thời gian để báo cáo về khả năng tham gia của doanh nghiệp vào dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia là đường sắt tốc độ cao Bắc Nam.
Về khả năng cung cấp đường ray cho dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, ông Long cho biết: “Từ hai ba năm nay chúng tôi đã nghiên cứu dòng sản phẩm này. Tôi khẳng định việc sản xuất thép đường ray hoàn toàn nằm trong khả năng của Hòa Phát".
Theo Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát, dây chuyền Khu liên hợp tại Dung Quất của Hòa Phát sử dụng công nghệ tiên tiến nhất từ châu Âu và các nước thuộc nhóm G7, thậm chí còn hiện đại hơn nhiều nhà máy thép tại Trung Quốc.
Tuy nhiên, việc sản xuất đường ray có đặc thù riêng và thực tế gặp nhiều khó khăn. Trước đây, Việt Nam chỉ sản xuất được đường ray dài 20-25m cho đường sắt thông thường, còn đối với đường ray tàu cao tốc 150-200 km/h, chiều dài yêu cầu là 50m. Mới đây, Trung ương đã quyết định đầu tư vào đường sắt tốc độ cao 350 km/h, đồng nghĩa với việc đường ray phải dài 100m.
Các nhà máy sản xuất thép đường ray tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc thường được xây dựng ngay cạnh các dự án vì việc vận chuyển sản phẩm này rất khó khăn, tương tự như vận chuyển cột điện gió. Về mặt kỹ thuật, việc sản xuất với Hòa Phát không phải là vấn đề lớn, nhưng điều kiện thực tế lại là thách thức đáng kể nên doanh nghiệp sẽ tính toán kỹ lưỡng.
"Nếu Chính phủ, Thủ tướng giao cho doanh nghiệp làm, thì Hòa Phát có thể làm nhiều loại thép cung cấp cho dự án, không riêng thép đường ray”, ông Long khẳng định.
Việc tham gia vào dự án này không chỉ khẳng định vị thế của Hòa Phát trong lĩnh vực sản xuất thép chất lượng cao mà còn mở ra tiềm năng kinh tế lớn. Việc trúng thầu cung cấp thép cho dự án giúp Hòa Phát tăng trưởng mạnh mẽ về doanh thu và lợi nhuận, đồng thời góp phần vào việc phát triển hạ tầng chiến lược quốc gia.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng cho biết các cơ quan sẽ nghiên cứu, giao nhiệm vụ, đặt hàng các doanh nghiệp để thực hiện các dự án trong lĩnh vực trọng điểm gồm: đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đường sắt đô thị, sản xuất thép, xây dựng các tuyến cao tốc,..
Trước đó, theo dự thảo Quy hoạch các tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối TP Hà Nội được Cục Đường sắt Việt Nam lấy ý kiến có nội dung đáng chú ý là hỗ trợ Tập đoàn Hòa Phát trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, quản lý khai thác đường sắt tốc độ cao.
Cụ thể, dự thảo nêu: "Hỗ trợ các doanh nghiệp lớn trong nước từng bước tham gia trong quá trình đầu tư, xây dựng, quản lý khai thác đường sắt TĐC, đặc biệt các lĩnh vực cơ khí (luyện kim, sản xuất ray: Hòa Phát, Tổng công ty thép...)".
Không chỉ đường ray 350km/h, Hòa Phát ấp ủ làm đường ray tới 850km/h
Hòa Phát hiện là doanh nghiệp sản xuất thép lớn nhất Đông Nam Á, tương đương Top 50 doanh nghiệp sản xuất thép lớn nhất thế giới. Số cán bộ công nhân viên của Tập đoàn hiện là trên 32.000 người.
Tính từ năm 2007, thời điểm khi bắt đầu niêm yết trên thị trường chứng khoán đến ngày 30/6/2024, Hòa Phát đã nộp trên 81,6 nghìn tỷ đồng vào ngân sách nhà nước. Trong đó, năm 2023 nộp 9.075 tỷ đồng, lọt top 3 doanh nghiệp tư nhân nộp ngân sách lớn nhất Việt Nam.
Hiện nay, Hòa Phát đang tập trung đẩy mạnh xây dựng siêu dự án Dung Quất 2. Dự án Dung Quất 2 có quy mô trên 280 ha, nằm cạnh Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất 1, tại Khu kinh tế Dung Quất, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
Dự án Dung Quất 2 có công suất thiết kế 5,6 triệu tấn thép/năm, bao gồm 4,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng (HRC) và 1 triệu tấn thép đặc biệt. Tổng vốn đầu tư của dự án là 85.000 tỷ đồng (tương đương gần 3,5 tỷ USD), trong đó 35.000 tỷ đồng được 8 ngân hàng hợp vốn cấp tín dụng.
Đặc biệt, sau khi Khu liên hợp gang thép Dung Quất 2 hoàn thành, Hòa Phát sẽ nghiên cứu và sản xuất đường ray xe lửa cho đường sắt cao tốc tại nơi này. Đây là thông tin do ông Trần Đình Long tiết lộ trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 của CTCP Tập đoàn
Trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ, ông Long cho biết, doanh nghiệp đang tích cực nghiên cứu đề án sản xuất đường ray tốc độ cao với tốc độ tính toán ban đầu có thể lên đến 850km/h.
Ông nói: "Bao giờ ra sản phẩm cũng phải tính được thì tương lai. Bây giờ thế giới phổ biến là 300-500km/h. Nhưng tôi được biết nhiều nước đang có thử nghiệm 800km/h. Mình làm sau, mình phải bắt kịp và đáp ứng được yêu cầu về tốc độ. Tốc độ càng cao thì tính ăn mòn càng khủng khiếp".
Theo người đứng đầu Tập đoàn này thì đề án mới chỉ là ý tưởng từ phía doanh nghiệp, đang được nghiên cứu một cách tích cực, bài bản với đội ngũ các chuyên gia nước ngoài. Về tiến độ, dự kiến năm 2026 sẽ hoàn thành nghiên cứu và nhanh nhất năm 2028 ra được sản phẩm.
"Làm cái này rất lâu, rất khó, rất tốn kém nhưng chúng tôi vẫn cố gắng làm và có thể kịp tham gia đấu thầu, cung cấp sản phẩm nếu có cơ hội", ông Long nói với nguồn trên.
Đời sống & pháp luật