Tập thể dục rất tốt nhưng nếu thuộc 6 nhóm người này thì bạn nên dừng lại kẻo gây tổn thương cho cơ thể
Nếu thuộc 6 nhóm người dưới đây, bạn nên xin ý kiến bác sĩ trước khi quyết định tập thể dục.
- 29-11-2020Thắc mắc nên tập thể dục lúc nào cuối cùng cũng có lời giải đáp: Đây chính là thời điểm vàng để vận động
- 25-11-2020Tập thể dục bao nhiêu lâu thì có thể giúp kéo dài tuổi thọ?
- 14-11-2020Ngại tập thể dục vì sợ tốn tiền và lười: Hãy tối giản
Tập thể dục thường xuyên có thể giúp bạn kiểm soát cân nặng, giảm nguy cơ mắc bệnh tim, tăng cường xương và cơ bắp. Nhưng theo các chuyên gia, không phải đối tượng nào cũng nên vận động mạnh. Nếu bạn thuộc những nhóm người dưới đây thì tốt nhất nên nói chuyện với bác sĩ trước khi bắt đầu tập luyện.
Không phải đối tượng nào cũng nên vận động mạnh.
1. Bạn có nguy cơ cao mắc các bệnh mãn tính
Mặc dù một số hoạt động thể chất như đi bộ, đạp xe... lành mạnh với tất cả mọi người, nhưng các chuyên gia sức khỏe của tờ Mayoclinic lại khuyên bạn nên nói chuyện với bác sĩ trước khi bắt đầu một chương trình tập thể dục, nếu bạn thuộc nhóm người: Bị bệnh tim, mắc bệnh tiểu đường loại 1 hoặc loại 2, bị bệnh thận, viêm khớp, huyết áp cao. Đặc biệt, nếu bạn đang phải điều trị ung thư thì càng phải được sự tư vấn của chuyên gia y tế trước khi vận động.
2. Bạn thường xuyên cảm thấy khó chịu sau khi tập
Bạn cũng nên hỏi ý kiến bác sĩ nếu sau khi tập luôn xuất hiện các triệu chứng liên quan đến bệnh tim, phổi hoặc các bệnh nghiêm trọng.
Triệu chứng đó bao gồm:
- Đau hoặc khó chịu ở ngực, cổ, hàm hoặc cánh tay sau khi hoạt động thể chất
- Chóng mặt, choáng váng hoặc ngất xỉu khi tập thể dục
- Khó thở
- Sưng mắt cá chân, đặc biệt vào ban đêm
- Nhịp tim nhanh hoặc rõ rệt
- Đau chân dưới khi bạn đi bộ, sẽ hết khi nghỉ ngơi
3. Người đang bị sốt
Sốt cho thấy hệ thống miễn dịch của cơ thể đang chống chọi với nhiễm trùng, và như vậy bạn không nên cố gắng tập thể dục để khiến cơ thể thêm mệt mỏi.
Theo tiến sĩ Stephen Rice (Đại học Y khoa Thể thao Hoa Kỳ): Những người đang sốt mà vẫn cố tập thể dục hãy cảnh giác với tình trạng sốt trầm trọng hơn và nguy cơ mất nước nghiêm trọng. Đồng thời, tập luyện vào lúc này cũng sẽ không đem lại hiệu quả cao vì vậy tốt nhất bạn nên nghỉ ngơi khi đang sốt.
4. Người đang thiếu ngủ
Mọi người đều biết rằng giấc ngủ là điều vô cùng quan trọng để quyết định sức khỏe. Nếu bạn thiếu ngủ, cơ thể của bạn sẽ không hoạt động hiệu quả như mong đợi. Tập thể dục khi bạn mệt mỏi, buồn ngủ cũng làm tăng nguy cơ chấn thương. Vì vậy, nếu bạn cảm thấy kiệt sức thì hãy đi ngủ một giấc thật ngon và trở lại phòng tập vào ngày hôm sau.
Tập thể dục khi bạn mệt mỏi, buồn ngủ cũng làm tăng nguy cơ chấn thương.
5. Người cảm thấy căng thẳng
Theo tờ Nbcnews, nếu lịch trình làm việc của bạn quá bận rộn thì tốt nhất bạn nên dành thời gian để lắng nghe cơ thể. Nếu bạn tập thể dục khi căng thẳng thì nhịp tim sẽ tăng cao, điều này gây thêm căng thẳng cho cơ thể, tăng nguy cơ chấn thương nhiều cơ quan và thậm chí gây tăng cân.
Tuy nhiên, nếu biết điều hòa cảm xúc, bạn có thể giải tỏa căng thẳng nhờ vận động. Tuy nhiên, vào những ngày này chỉ nên tập những bài nhẹ nhàng như yoga hoặc đi bộ, chạy bộ ngoài trời.
6. Người đang bị cúm
Theo tiến sĩ Gustavo Ferrer (Phòng khám bệnh Cleveland Clinic Florida): Những người bị cúm, triệu chứng là sổ mũi, nghẹt mũi, đau họng thì tốt nhất nên hạn chế tập thể dục.
"Bạn có thể cân nhắc việc giảm cường độ tập luyện. Nếu trước đây bạn tập thể dục trong một giờ, thì nay hãy giảm xuống còn 1/2 giờ trong những ngày đó", chuyên gia nói.
Ngoài ra, chuyên gia cũng khuyên nên tránh tập thể dục trong những ngày đầu tiên bị cúm vì giai đoạn này bạn dễ lây bệnh cho người khác. Bạn cũng nên tránh tập thể dục nếu bạn bị khó thở, ho nặng, sốt hoặc thở khò khè vì tập luyện có thể khiến tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn
(Nguồn: Webmd, Mayoclinic, Nbcnews)
Pháp luật và Bạn đọc