Tập thể dục vào sáng sớm hay tối muộn mới tốt cho sức khỏe? Câu trả lời của chuyên gia sẽ khiến bạn phải xem lại mục đích của mình!
Tùy thuộc vào mục đích của mình mà bạn nên chọn tập thể dục vào buổi sáng hay buổi tối.
- 19-09-2019Trả lời tại sao sữa chua luôn bán theo lốc 4 hộp, người Nhật khiến cả thế giới trầm trồ: Đúng là đi đầu về dịch vụ!
- 19-09-2019Vòng chung kết giải golf Lexus Challenge 2019: Trần Lê Duy Nhất đăng quang đầy thuyết phục, ẵm trọn tiền thưởng “khủng”
- 19-09-201978 tuổi vẫn chưa nghỉ hưu, nhà văn nổi tiếng tiết lộ 8 triết lý về tiền bạc, thành công và hạnh phúc: Tiếc thay, con người chỉ được dạy khi đã muộn!
Một số người thích tập thể dục vào buổi sáng. Đối với họ, chạy bộ hoặc bơi lội là những bài tập giúp họ tỉnh táo hơn. Những người khác lại chọn tập thể dục vào buổi tối để loại bỏ stress sau một ngày làm việc dài.
Tập thể dục vào buổi tối hay buổi sáng có khác gì nhau không?
Câu trả lời là có. Tuy nhiên, vấn đề này khá phức tạp.
Một nghiên cứu gần đây cho biết tập thể dục vào buổi sáng sẽ kích hoạt một số gen trong tế bào cơ bắp, tăng cường quá trình chuyển hóa đường và chất béo. Dù vấn đề này cần được nghiên cứu thêm, nhưng các nhà khoa học nghĩ rằng thói quen này sẽ có lợi cho người bị thừa cân hoặc tiểu đường tuýp 2.
Trái lại, những người tập thể dục vào buổi tối sẽ tiêu hao ít oxy hơn. Do đó, việc luyện tập sẽ trở nên hiệu quả hơn, giúp vận động viên (VĐV) chuyên nghiệp cải thiện thành tích.
"Thành tích luyện tập sẽ tốt vào buổi tối hơn là buổi sáng. Bởi vì VĐV cần ít oxy hơn, đồng nghĩa với việc họ dùng ít năng lượng, dù tập ở cùng một cường độ như vào buổi sáng", Gad Asher - nhà nghiên cứu tại Khoa Sinh học phân tử, Viện Khoa học Weizmann - cho biết.
"Chẳng hạn, nếu một người tập chạy, anh ta sẽ kiệt sức nhanh hơn vào buổi sáng so với buổi tối", Asher giải thích. "Nói cách khác, anh ta sẽ chạy được lâu hơn vào buổi tối so với buổi sáng, trong điều kiện chạy giống nhau".
Nhóm nghiên cứu của Asher đã thí nghiệm bằng cách cho chuột dùng máy chạy bộ vào các thời điểm khác nhau trong ngày. Sau đó, họ nghiên cứu khả năng tập luyện của chúng ở các cường độ và chế độ khác nhau. Kết quả là thành tích luyện tập của những chú chuột tập vào buổi sáng tốt hơn 50% so với buổi tối. Thí nghiệm tiếp theo trên con người cũng cho kết quả tương tự. Nhìn chung, con người tiêu thụ ít oxy vào buổi tối hơn buổi sáng.
Nhóm nghiên cứu thứ hai do Paolo Sassone-Corsi - Giám đốc Trung tâm Biểu sinh và Chuyển hóa năng lượng tại ĐH California - cũng thực hiện thí nghiệm cho chuột chạy trên máy, nhưng tiếp cận theo hướng khác.
Các nhà khoa học phân tích những thay đổi trong mô cơ của chuột sau khi tập luyện vào buổi sáng, đặc biệt là quá trình phân giải đường và đốt cháy mỡ. Sau khi xem xét, họ thấy rằng sự chuyển hóa năng lượng đạt hiệu quả tốt nhất vào buổi tối.
"Thời điểm tập luyện có ảnh hưởng lớn tới quá trình chuyển hóa đường và mỡ", Sassone-Corsi nói.
Theo Sassone-Corsi, hiện tượng này phụ thuộc vào một quá trình mà trong đó protein HIF1-alpha đóng vai trò chính - có tác dụng điều tiết đồng hồ sinh học của cơ thể, thứ quy định chu kỳ ngủ, thức dậy, ăn uống,...
"Nhịp sinh học kiểm soát mọi thứ chúng ta làm", Sassone-Corsi cho biết. "Ít nhất 50% quá trình chuyển hóa của chúng ta là diễn ra theo chu kỳ 24h. 50% quá trình chuyển hóa cũng dao động dựa trên nhịp sinh học hàng ngày. Do đó, việc tập thể dục cũng sẽ bị ảnh hưởng".
"Những thói quen như tập luyện, nghỉ ngơi, ăn uống đòi hỏi những thời điểm thích hợp khác nhau", ông bổ sung. "Quá trình trao đổi chất không thích nghi để đáp ứng với các kích thích bên ngoài theo cùng cách vào cả ban ngày lẫn ban đêm".
Nên tập thể dục vào buổi sáng hay buổi tối? Tùy thuộc vào mục đích của bạn là gì!
Các chuyên gia về thể dục hay các VĐV chuyên nghiệp - chẳng hạn như VĐV chạy marathon, VĐV bóng rổ, cầu thủ bóng đá - sẽ chọn tập vào buổi tối để rèn thể lực. Tương tự, những người có dự định thi đấu thể thao cũng tập luyện vào buổi tối để tối ưu hóa thành tích.
"Nếu bạn muốn phá kỷ lục thế giới, hay kỷ lục cá nhân, tối là thời điểm thích hợp để luyện tập", Asher cho biết.
Những người lo lắng về cân nặng hoặc lượng đường huyết nên tập thể dục vào buổi sáng. Khi đó, các phản ứng tế bào tác động đến quá trình trao đổi chất sẽ diễn ra mạnh hơn.
Jonas Thue Treebak - Phó giáo sư tại Trung tâm Trao đổi chất thuộc Quỹ Novo Nordisk của ĐH Copenhagen - đồng tình với ý kiến này.
"Chúng ta có thể kết luận rằng, việc tập thể dục vào buổi sáng và buổi tối sẽ đem lại hiệu quả khác nhau. Chúng ta còn rất nhiều việc phải tìm hiểu", ông cho biết.
Bên cạnh thành tích và tác dụng giảm cân, còn nhiều yếu tố khác cũng cần được xem xét.
"Tập luyện vào ban đêm có thể ảnh hưởng tới giấc ngủ của bạn, do nó khiến bạn thêm hưng phấn và tỉnh táo. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể tập vào cuối ngày nếu muốn giảm stress và chuẩn bị cho các hoạt động buổi tối", Edward Laskowski - Giám đốc của Mayo Clinic Sports Medicine - cho biết.
"Dù bạn làm gì vào ban ngày, việc tập thể dục vào sáng sớm cũng sẽ giúp ích cho các hoạt động thể chất của bạn. Nó cũng cải thiện sự tỉnh táo và khả năng nhận thức".
Michael Joyner - đồng nghiệp của Laskowski, người nghiên cứu về phản ứng của con người đối với tình trạng căng thẳng thể chất - cũng đồng tình.
"Nghiên cứu này gợi ý rằng tập thể dục trước khi ăn sáng sẽ giúp tối ưu hóa sự trao đổi chất ở cơ thể", ông nói. "Một lợi ích khác nữa của việc tập thể dục vào sáng sớm là bạn có thể hoàn thành nó trước khi quá bận rộn với các việc khác".
Tuy nhiên, Joyner kết luận, điều quan trọng nhất vẫn là bạn phải tập thể dục, cho dù vào sáng hay tối.
The Washington Post