MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Techcombank, SHB và nhiều ngân hàng vừa tăng mạnh lãi suất tiết kiệm

28-05-2024 - 10:15 AM | Tài chính - ngân hàng

Một loạt ngân hàng vừa tiếp tục tăng lãi suất tiết kiệm trong những ngày gần đây.

Techcombank, SHB và nhiều ngân hàng vừa tăng mạnh lãi suất tiết kiệm- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Theo biểu lãi suất mới được áp dụng từ hôm qua (27/5), Techcombank đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động ở các kỳ hạn dưới 12 tháng. Cụ thể, với sản phẩm tiết kiệm thường, lãi suất áp dụng cho các khoản tiền gửi kỳ hạn từ 1 đến 2 tháng đã nhích thêm 0,2%/năm, lên 2,6 - 2,85%/năm tùy theo số tiền gửi. Kỳ hạn từ 3 đến 5 tháng tăng 0,1%/năm lên 2,9 – 3,15%/năm, kỳ hạn 6 – 11 tháng tăng 0,1%/năm lên 3,8 – 4,0%/năm.

Techcombank giữ nguyên lãi suất huy động đối với các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, ở mức 4,5 - 4,7%/năm.

Đây là lần thứ hai trong tháng 5 Techcombank tăng lãi suất huy động. Trước đó vào ngày 8/5, ngân hàng này đã tăng lãi suất cho kỳ hạn 1-2 tháng thêm 0,3%/năm, 0,4%/năm đối với kỳ hạn 3-5 tháng, cùng với 0,3%/năm cho kỳ hạn 6-11 tháng và 0,1%/năm cho kỳ hạn 12-36 tháng.

Từ cuối tuần trước, SHB cũng đã quyết định điều chỉnh tăng lãi suất huy động ở tất cả các kỳ hạn. Theo đó, lãi suất tiền gửi trực tuyến kỳ hạn 1-2 tháng được nâng thêm 0,3%/năm, lên 3,1%/năm; kỳ hạn 3 tháng tăng 0,2%/năm, đạt 3,2%/năm.

Đối với kỳ hạn 4-5 tháng, mức lãi suất hiện tại là 3,2%/năm sau khi được điều chỉnh tăng 0,1%/năm.

Lãi suất huy động cho kỳ hạn 6 tháng đã được nâng lên thêm 0,3%/năm, đạt mức 4,5%/năm. Lãi suất cho kỳ hạn 7-8 tháng tăng thêm 0,2%/năm, lên 4,5%/năm. Ngân hàng cũng điều chỉnh tăng 0,2%/năm đối với kỳ hạn 9-11 tháng, đưa lãi suất lên mức 4,6%/năm.

Kỳ hạn 12-36 tháng được SHB tăng nhẹ 0,1%/năm. Hiện lãi suất cho kỳ hạn 12 tháng là 5%/năm, 13-15 tháng là 5,1%/năm, 18 tháng là 5,3%/năm, 24 tháng là 5,6%/năm, và mức lãi suất cao nhất 5,9%/năm được áp dụng cho kỳ hạn 36 tháng.

Ngoài 2 "ông lớn" nêu trên, nhiều ngân hàng tư nhân nhỏ cũng vừa tăng lãi suất huy động.

ABBank ngày 27/5 đã tăng mạnh lãi suất tiền gửi 12 tháng thêm 1,1%/năm, lên 5,2%/năm. Đây là mức tăng lớn nhất được ghi nhận chỉ trong một lần điều chỉnh của các ngân hàng kể tử đầu năm. Lãi suất huy động cho các kỳ hạn khác của ABBank vẫn được giữ nguyên.

ABBank cũng đã trở thành ngân hàng dẫn đầu về số lần tăng lãi suất huy động với 4 lần điều chỉnh trong tháng 5/2024. Trong ba lần trước đó, ABBank chỉ tăng lãi suất cho kỳ hạn 6 tháng.

Bac A Bank thông báo áp dụng biểu lãi suất mới từ ngày 25/5 với mức tăng 0,15%/năm cho kỳ hạn 1-5 tháng, tăng 0,1%/năm cho kỳ hạn 6-11 tháng, tăng 0,3%/năm cho kỳ hạn 12-13 tháng, và tăng 0,1%/năm đối với kỳ hạn 15 tháng. Đây là lần thứ hai trong tháng mà ngân hàng này áp dụng mức lãi suất mới sau điều chỉnh vào ngày 7/5.

Từ ngày 27/5, Ngân hàng Bản Việt (BVBank) tăng lãi suất kỳ hạn 1-3 tháng thêm 0,2%/năm, đạt 3,2 – 3,4%/năm; kỳ hạn 6 tháng tăng mạnh 0,45%/năm lên 4,7%/năm; kỳ hạn 7-11 tháng tăng nhẹ 0,05%, đạt mức 4,4-4,8%/năm; 

Kỳ hạn 12 tháng cũng được điều chỉnh tăng mạnh thêm 0,45%/năm, đạt 5,3%/năm; kỳ hạn 15 và 18 tháng tăng 0,25%/năm, lên mức 5,3%/năm và 5,5%/năm tương ứng. 

Đây cũng là lần thứ hai trong tháng 5 mà BVBank điều chỉnh tăng lãi suất huy động.

PGBank vừa tiếp tục tăng lãi suất huy động lần thứ hai trong tháng 5, với mức tăng từ 0,2-0,4%/năm đối với các kỳ hạn từ 1-18 tháng.

Theo biểu lãi suất huy động mới nhất, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-2 tháng đã tăng 0,3%/năm lên mức 2,9-3%/năm; kỳ hạn 3 tháng tăng thêm 0,2%/năm lên 3,2%/năm.

Kỳ hạn 6-9 tháng tăng mạng 0,4%/năm, đạt 4,2%/năm;  kỳ hạn 12-13 tháng tăng 0,3%/năm, lên mức 5% và 5,1%/năm;

Kỳ hạn 18 tháng cũng được điều chỉnh tăng thêm 0,2%/năm, lên 5,2%/năm.

Lãi suất tiền gửi cho kỳ hạn 24-36 tháng được giữ nguyên ở mức 5,4%/năm, đây cũng là mức lãi suất huy động cao nhất hiện tại của PGBank.

Tính từ đầu tháng 5/2024, một loạt ngân hàng đã tăng lãi suất huy động gồm: ACB, VIB, GPBank, NCB, BVBank, Sacombank, CB, Bac A Bank, Techcombank, TPBank, PGBank, SeABank, Viet A Bank, ABBank, VPBank, HDBank, SHB, MB, Cake by VPbank.

Xu hướng tăng lãi suất huy động đã xuất hiện từ cuối tháng 3 và diễn ra trên diện rộng vào tháng 4 và tháng 5. Tuy nhiên, xu hướng tăng vẫn chủ yếu đến từ nhóm ngân hàng cổ phần tư nhân, trong khi nhóm 4 ngân hàng do nhà nước chi phối là Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank là vẫn áp dụng biểu lãi suất huy động ở mức thấp lịch sử.

Theo giới chuyên môn, tiền gửi của người dân và doanh nghiệp sụt giảm trong những tháng đầu năm đi cùng tăng trưởng tín dụng hồi phục khiến nhiều nhà băng phải tăng lãi suất huy động nhằm đảm bảo cân đối nguồn vốn.

Mạnh Đức

An ninh Tiền tệ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên