TGĐ lương 30 triệu, muốn tuyển người giỏi phải trả 5.000 đô
Chủ tịch Vinatex nêu thực tế thu nhập chủ tịch, TGĐ tập đoàn lương trên dưới 30 triệu, nhưng muốn tuyến một nhân lực tài giỏi thì không thể dưới 3.000 - 5.000 USD, cao hơn lương chủ tịch.
Giải trình với tổ công tác của Thủ tướng tại buổi làm việc sáng nay, Chủ tịch Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) Trần Quang Nghị nêu hàng loạt khó khăn.
Khó vì đứng cạnh cường quốc dệt may khổng lồ
“Chúng ta phải nhìn nhận một sự thật là chúng ta ở cạnh một ông cường quốc dệt may khổng lồ. Không hình dung được sức phát triển liên tục cùng sự chăm sóc của cả hệ thống quốc gia cho ngành dệt may TQ” - ông Nghị nói.
Chủ tịch Vinatex dẫn chứng, riêng phần trợ giá cho xuất khẩu mình đã thua, đây là bất lợi rất lớn cho cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu. Chưa kể quy mô sản xuất của họ là một đại công xưởng, giúp cho các DN dệt may của TQ có chi phí sản xuất thấp hơn.
“Tại sao DN FDI họ lợi thế hơn DN trong nước bởi họ liên kết cả một chuỗi. DN FDI sản xuất may thì có hậu phương về vải tại TQ, hoặc ngược lại DN sản xuất sợi ở tại VN lại có nhà tiêu thụ ở bên TQ”, ông phân tích.
Chủ tịch Vinatex cũng nêu một thực tế, các DN lớn đặt hàng tại VN đều chỉ định vải của TQ vì “buôn có bạn, bán có phường”, họ gắn với nhau rất lâu rồi, từ đời ông cha đến đời con - một quan hệ rất lâu dài và cũng là lợi thế về giá.
“Chúng tôi đặt vấn đề với họ là chúng ta may cho họ và lấy vải của VN. Họ nói nếu lấy vải của ông thì quy mô sản xuất của ông nhỏ, khi đơn hàng của họ bùng nổ lên, cần lượng vải lớn thì các ông không đáp ứng được. Cho dù chất lượng và chấp nhận giá bằng TQ, thậm chí rẻ hơn. Khi có những đơn hàng thì mình không thể đáp ứng được, đó là những rủi ro mà họ không chấp nhận”, ông Nghị nói.
Áp lực ông chủ thật, ông chủ giả
Chủ tịch Vinatex cho rằng, dệt may rất hy vọng một “cứu cánh” là TPP thì không còn nữa - nên phải tiếp tục khai thác, sử dụng FTA nhưng cũng rất hạn chế.
Theo ông Nghị, Vinatex đã rất nỗ lực, linh hoạt, vận dụng cơ chế chính sách để có động lực tốt cho DN. Thực tế là những DN cổ phần hóa (CPH) sâu thì anh em làm rất tốt, nhưng những DN CPH “cạn”, DNNN hay Vinatex vẫn giữ hơn 80% thì làm chơi ăn thật.
“Ông chủ thật” bám thị trường, chăm sóc khách hàng, quản trị sản xuất, tinh giản biên chế, giảm chi phí. Nhưng “ông chủ giả”- người làm thuê thì làm chừng mực vừa phải, theo nhiệm kỳ”- ông Nghị nêu mâu thuẫn.
Điểm yếu nhất hiện nay là đội ngũ quản lý. Một dự án ở miền Trung, phải điều một quản lý ở Hà Nội hay Sài Gòn vì họ không chịu trong khi đào tạo tại chỗ.
“Thu nhập Chủ tịch tập đoàn hiện trên ba chục triệu, ông TGĐ là 30 triệu, nhưng muốn tuyển một nhân lực tài giỏi thì không thể dưới 3.000 - 5.000 USD, cao hơn lương chủ tịch”, Chủ tịch Vinatex nêu thực tế.
“Ba điều kiện để phát triển dệt may là thị trường, nhân lực, hạ tầng đều vướng nhiều chuyện. Các yếu tố liên quan khác như chi phí vận chuyển cao nhất khu vực, cạnh tranh lao động với các DN FDI...cũng là những vấn đề rất khó”- ông Nghị than.
Một chính phủ biết lo lắng bằng một kho người làm
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng ghi nhận ngành dệt may hết sức quan trọng, đóng góp không nhỏ kim ngạch xuất khẩu, giải quyết việc làm…
“Với quyết tâm của tập đoàn tôi nghĩ rằng, toàn bộ ngành có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu là có cơ sở và điều kiện để tăng trưởng, vượt qua thách thức. Thách thức nhiều nhưng cơ hội là có”, Bộ trưởng Dũng nói.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhắc lại cam kết của Chủ tịch tập đoàn với Thủ tướng thay vì kế hoạch xuất khẩu 2,78 tỷ đô năm 2017 thì Vinatex đã quyết tâm nâng lên 3 tỷ đô. Như vậy so 2016 tăng 20,4%, so dự kiến ban đầu tăng 9%.
Riêng các kiến nghị của tập đoàn, tổ công tác sẽ tập hợp để báo cáo Thủ tướng, giao các bộ ngành xử lý....
Chủ tịch Vinatex tiếp thu các ý kiến của tổ công tác và mong các bộ ngành quan tâm cùng tháo gỡ khó khăn với tập đoàn theo tinh thần Chính phủ kiến tạo.
“Một Chính phủ lo lắng bằng 1 kho người chúng tôi làm" - ông Nghị nói.
Vietnamnet