MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thái Lan tuyên bố “đủ khỏe” trước chiến tranh thương mại Mỹ - Trung

12-07-2018 - 20:27 PM | Tài chính quốc tế

Quý 1/2018, kinh tế Thái Lan tăng trưởng 4,8%, mức tăng cao nhất trong 5 năm...

Nền kinh tế Thái Lan đủ mạnh để chống chọi với những rủi ro mà chiến tranh thương mại gây ra, cũng như những bất ổn mà các nền kinh tế mới nổi đang phải đối mặt - Bộ trưởng Bộ Thương mại Thái Lan Uttama Savanayana phát biểu.

Trong khi đó, Hàn Quốc lo nguy cơ bị "vạ lây" bởi chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

"Nền kinh tế của chúng tôi đủ mạnh", ông Uttama nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg ngày 12/7. "Thái Lan có sức mạnh để ứng phó với ảnh hưởng bên ngoài của tất cả những gì đang diễn ra. Tình hình tài chính của chúng tôi tốt. Ngân hàng Trung ương và Bộ Tài chính Thái Lan luôn chắc chắn về các mục tiêu tài chính như tỷ lệ vay nợ".

Nền kinh tế Thái Lan hiện nay tỏ ra vững vàng trong bối cảnh giá dầu tăng cao và sức ép đối với các nền kinh tế mới do Mỹ tăng lãi suất. Trong quý 1/2018, kinh tế Thái Lan tăng trưởng 4,8%, mức tăng cao nhất trong 5 năm, trong khi lạm phát giữ ở mưc thấp. Từ năm 2015 đến nay, Ngân hàng Trung ương Thái Lan giữ lãi suất gần mức thấp kỷ lục.

Chính phủ Thái Lan hiện đang tập trung vào chiến lược mang tên Thailand 4.0 về nâng cấp mạnh cơ sở hạ tầng gồm sân bay, cảng biển và đường sắt.

Có một số dấu hiệu cho thấy Thái Lan không tránh khỏi ảnh hưởng của đợt bán tháo tài sản tại các thị trường mới nổi trong năm nay. Đồng Baht hiện đã giảm giá hơn 2% và đang ở mức thấp nhất 9 tháng. Tuy nhiên, mức giảm này là khá hạn chế nếu so với mức giảm của đồng tiền nhiều quốc gia mới nổi khác.

Trái với quan điểm lạc quan của Thái Lan, Hàn Quốc - nền kinh tế lớn thứ tư châu Á - lo ngại rằng chiến tranh thương mại sẽ tác động tiêu cực đến thị trường hàng hóa trung gian.

Hàng hóa trung gian là linh kiện và vật liệu dùng để sản xuất thiết bị gia dụng, máy tính, thiết bị viễn thông… Những mặt hàng này chiếm tỷ trọng lớn trong xuất khẩu của Hàn Quốc sang Trung Quốc. Một khi Mỹ giảm nhập hàng thành phẩm từ Trung Quốc, thì Trung Quốc sẽ giảm nhập hàng hóa trung gian từ Hàn Quốc.

Theo hãng tin Reuters, Bộ Thương mại Hàn Quốc nhận định chiến tranh thương mại có thể "kéo dài và lan rộng", đồng thời cho biết đang chuẩn bị các kịch bản ứng phó khác nhau để hạn chế tác động của cuộc chiến này đối với kinh tế Hàn Quốc.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hàn Quốc Kim Dong-yeon cảnh báo chiến tranh thương mại lan rộng sẽ đặt ra "rủi ro lớn về suy giảm tăng trưởng" đối với nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu của nước này.

"Đến thời điểm này, xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc mới chỉ có ảnh hưởng hạn chế, chúng tôi không thể loại trừ khả năng nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc và thương mại toàn cầu suy giảm nếu xung đột gia tăng và lan rộng", ông Kim phát biểu tại một cuộc họp của Chính phủ Hàn Quốc.

Ngân hàng OCBC ở Singapore ước tính rằng nếu thuế quan Mỹ được áp lên 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, thì tăng trưởng GDP của Hàn Quốc có thể giảm đi 0,3 điểm phần trăm, còn tăng trưởng GDP của Nhật có thể giảm 0,2 điểm phần trăm.

"Các nền kinh tế láng giềng gần nhất của Trung Quốc, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Hồng Kông, dễ tổn thương nhất trước chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, vì họ chủ yếu xuất khẩu hàng hóa trung gian sang Trung Quốc", OCBC nhận định trong một báo cáo.

Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc ngày 12/7 hạ dự báo tăng trưởng kinh tế nước này năm 2018 còn 2,9% từ mức 3,0% trước đó. Trong tháng 6, tăng trưởng xuất khẩu của Hàn Quốc chững lại trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ-Trung leo thang.

Các quốc gia có ngành công nghiệp sản xuất ô tô lớn như Hàn Quốc cũng đang đứng trước nguy cơ Mỹ áp thuế quan lên ô tô và phụ tùng ô tô nhập khẩu, sau khi Tổng thống Donald Trump ra lệnh mở một cuộc điều tra an ninh quốc gia đối với ô tô nhập khẩu. Cuộc điều tra dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 7 này, và kết quả có thể dẫn tới việc xe hơi nhập khẩu vào Mỹ bị áp thuế 25%.

Theo Bình Minh

VnEconomy

Trở lên trên