Thảm họa đang rình rập ở Rafah khi giao tranh bắt đầu nổ ra
Giao tranh bắt đầu nổ ra sau khi Israel ra lệnh cho 100.000 người Palestine sơ tán khỏi miền đông Rafah trước một cuộc tấn công trên bộ.
- 06-05-2024Israel sơ tán 100.000 dân thường ở Rafah, dấu hiệu báo trước một cuộc tấn công lớn
- 06-05-2024Thủ tướng Israel tuyên bố không chấp nhận “đầu hàng” Hamas
- 06-05-2024Mỹ đột ngột ‘đóng băng’ hàng viện trợ quân sự cho Israel
- 05-05-2024Giải mã về 'thỏa thuận lớn' giữa Mỹ và Saudi Arabia liên quan đến Israel và Gaza
Những lo ngại càng gia tăng về khả năng xảy ra thảm họa và thương vong lớn ở Rafah khi Israel bắt đầu tiến hành cuộc tấn công trên bộ vào thành phố phía nam của Gaza.
Tờ Thời báo Israel ngày 7/5 đưa tin, quân đội Israel cho biết giao tranh đã nổ ra gần cửa khẩu Rafah với Ai Cập. Các thông tin chỉ ra rằng binh sĩ và xe tăng của Israel đang tiến gần phía cửa khẩu Rafah giữa Ai Cập và Gaza sau khi giao tranh dọc theo cái gọi là Hành lang Philadelphi ở biên giới Ai Cập - Gaza.
Trong đoạn phim do đài truyền hình al-Qahera của Ai Cập phát sóng, có thể nghe thấy tiếng súng và tiếng nổ dữ dội cũng như tiếng máy bay phản lực.
Một quan chức Ai Cập cho biết hoạt động này dường như bị giới hạn về phạm vi. Ông này và đài truyền hình Al-Aqsa do Hamas quản lý cho biết các quan chức Israel đã thông báo với phía Ai Cập rằng quân đội Israel sẽ rút lui sau khi hoàn thành một chiến dịch có mục tiêu.
Một quan chức an ninh Palestine và một quan chức Ai Cập xác nhận rằng xe tăng của Israel đã tiến vào Rafah ở phía nam Gaza.
Israel đã ra lệnh cho người Palestine rời khỏi các khu vực phía đông Rafah trước một cuộc tấn công dự kiến trên bộ vào thành phố. Quân đội Israel đang yêu cầu khoảng 100.000 người Palestine tới "khu vực nhân đạo mở rộng" ở Khan Younis và al-Mawasi.
Phát ngôn viên quân đội Israel, Trung tá Nadav Shoshani ngày 6/5 cho biết hoạt động được lên kế hoạch ở Rafah có "phạm vi hạn chế", lưu ý thêm rằng việc sơ tán người dân khỏi phía đông Rafah sẽ được thực hiện "một cách từ từ".
Thảm họa đang rình rập
Hơn một nửa trong số 2,3 triệu dân của Gaza bị kẹt ở Rafah. Hầu hết họ là những người Palestine phải rời bỏ nhà cửa ở những nơi khác trong Dải Gaza để tránh giao tranh.
Hamas đã cảnh báo về hậu quả của lệnh sơ tán. "Đây là một sự leo thang nguy hiểm và sẽ gây ra hậu quả", quan chức Hamas Sami Abu Zuhri nói với hãng tin Reuters.
Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas cũng nói rằng Mỹ "phải chịu trách nhiệm về những tác động của việc Israel tấn công vào Rafah".
Trong khi đó, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cảnh báo về một thảm họa và nhấn mạnh cuộc tấn công của Israel vào Rafah sẽ rất “kinh hoàng”.
James Elder, người phát ngôn của UNICEF, nói rằng vụ tấn công sẽ trở thành “thảm họa tiếp nối thảm họa” vì việc tấn công vào Rafah sẽ không chỉ gây nguy hiểm đến tính mạng của hơn 600.000 trẻ em mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động cứu trợ nhân đạo cho Gaza.
Về phần mình, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 7/5 cho rằng một cuộc tấn công trên bộ vào Rafah sẽ là “không thể chấp nhận được”, đồng thời kêu gọi Israel và Hamas “tiến xa hơn nữa” để đạt được thỏa thuận ngừng bắn.
“Đây là một cơ hội không thể bỏ lỡ, và một cuộc tấn công trên bộ vào Rafah sẽ không thể chấp nhận được vì những hậu quả nhân đạo tàn khốc của nó cũng như tác động gây bất ổn trong khu vực”, ông Guterres nói với Tổng thống Italy Sergio Mattarella.
Tuyên bố của người đứng đầu Liên hợp quốc được đưa ra khi có thông báo rằng Hamas đã đồng ý với một thỏa thuận ngừng bắn, nhưng các quan chức Israel cho biết những điều khoản mà Hamas đã chấp nhận không khớp với những điều khoản mà Israel yêu cầu.
Cuối ngày 6/5, Văn phòng Thủ tướng Israel cho biết nội các chiến tranh của nước này đã nhất trí quyết định thúc đẩy chiến dịch quân sự ở Rafah “nhằm gây áp lực quân sự lên Hamas, với mục tiêu đạt được tiến bộ trong việc giải thoát con tin và các mục tiêu chiến tranh khác”.
Báo Tin Tức