Thảm họa dự báo sẽ lặp lại ở châu Âu: Tất cả gấp rút chuẩn bị cho mùa hè khắc nghiệt đang tới
Châu Âu ghi nhận mùa hè nóng kỷ lục vào năm 2022 và hiện tượng nắng nóng này có thể lặp lại năm 2023.
- 07-04-2023Thiếu điện nước, địa hình khắc nghiệt cùng cực: Trung Quốc xây cả nghìn km đường cao tốc xuyên "Sa mạc Tử thần" như thế nào?
- 30-03-2023Bất chấp trừng phạt khắc nghiệt, EU vẫn làm ăn với Nga
- 29-03-2023Chỗ này bão tuyết trắng trời, chỗ kia chìm trong biển nước: Người dân ở địa phương này của Mỹ nếm trải sự khắc nghiệt chưa từng có của thiên nhiên
Các nhà khoa học về khí hậu cho biết, thế giới có thể phá vỡ kỷ lục nhiệt độ trung bình mới vào năm 2023 hoặc 2024 do biến đổi khí hậu và sự quay trở lại của hiện tượng thời tiết El Nino.
"El Nino thường liên quan đến nhiệt độ phá vỡ kỷ lục ở cấp độ toàn cầu. Dù điều này chưa được xác định sẽ xảy ra vào năm 2023 hay 2024, nhưng tôi nghĩ nó vẫn có nhiều khả năng xảy ra", Carlo Buontempo, Giám đốc Dịch vụ Thay đổi khí hậu Copernicus của EU cho biết.
Nắng nóng đỉnh điểm ở châu Âu năm 2022
Năm ngoái, nhiều khu vực ở châu Âu đã chứng kiến hạn hán nghiêm trọng đến mức nguồn cung cấp nước uống bị hạn chế.
Một nghiên cứu được công bố vào tuần trước cho thấy người châu Âu, đặc biệt là ở phía nam của lục địa, đang phải chịu nhiều áp lực về nhiệt độ hơn trong những tháng mùa hè do biến đổi khí hậu gây ra các đợt thời tiết khắc nghiệt kéo dài.
Đợt hạn hán dữ dội ở châu Âu vào năm ngoái đã làm tan chảy dòng sông băng. Cơ quan quan sát khí hậu của Liên minh châu Âu tuần trước nhấn mạnh rằng, hiện tượng tương tự có thể lặp lại trên lục địa này.
2/3 các con sông của châu Âu đã ghi nhận mực nước giảm xuống dưới mức trung bình và 5 kilômét khối băng đã biến mất khỏi sông băng Alpine, Dịch vụ Thay đổi Khí hậu Copernicus (C3S) cho biết trong bản cập nhật hàng năm.
Với lượng khí thải do con người tạo ra, toàn cầu đang nóng lên. Và châu Âu lại đang nóng lên nhanh gấp đôi so với mức trung bình của thế giới: 2,2 độ C trong 5 năm qua.
Vào năm 2022, Copernicus, cơ quan theo dõi nhiều chỉ số khí hậu qua vệ tinh cho biết, lục địa này đã chứng kiến năm nóng thứ 2 và mùa hè nóng nhất kể từ năm 1950.
Bà Samantha Burgess, phó giám đốc C3S cho biết, dự báo cho năm 2023 vẫn chưa chắc chắn, nhưng "với nồng độ khí nhà kính trong khí quyển cao hơn, xác suất xảy ra nhiều năm nóng hơn tiếp tục gia tăng".
Bà Burgess cho biết, miền nam châu Âu vẫn "cực kỳ khô hạn", người dân sẽ cảm nhận được các tác động trong năm nay. "Thật không may, các tác động có thể đã xảy ra trong mùa trồng trọt. Vì vậy, chúng ta có thể thấy sản lượng cây trồng năm nay giảm do mùa đông và mùa xuân khô hạn".
Giờ đây, một số cư dân ở những khu vực từng chứng kiến đợt hạn hán tồi tệ nhất vào năm ngoái đang chuẩn bị cho việc lặp lại các hạn chế về việc sử dụng nước mà họ đã từng trải qua trước đây.
Mùa màng ở Tây Ban Nha bị đe dọa và trữ lượng nước uống cạn kiệt
Hạn hán ở Tây Ban Nha đã gia tăng trong năm nay, đe dọa nguồn nước uống, mùa màng và làm tăng nguy cơ cháy rừng.
Cơ quan khí tượng Aemet của nước này cho biết tháng 3 và tháng 4 rất khô hạn và tệ hơn nữa là sẽ không có mưa trong những tuần tới. Các hiệp hội nông dân Tây Ban Nha gần đây cảnh báo rằng hạn hán đã khiến 60% các vùng nông thôn "nghẹt thở".
Họ cho biết, các loại cây trồng như lúa mì và lúa mạch có thể sẽ mất trắng hoàn toàn ở 4 khu vực trong năm nay.
Và ở phía đông bắc Tây Ban Nha, Aemet nói rằng hạn hán đã đạt đến “tỷ lệ bất thường”. Khu vực Catalonia đang chịu ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng của hạn hán. Hồ chứa của khu vực đang chỉ ở mức 9% so với công suất, nguồn nước uống cho 6 triệu người sống ở khu đô thị của Barcelona đang gặp rủi ro.
Một số thành phố có trữ lượng nước uống thấp đến mức các tàu chở dầu được huy động để cung cấp nước cho người dân.
Trong khi đó, ngôi làng Castellcir ở phía bắc Barcelona có 800 cư dân. Họ đã dùng tàu chở dầu để chở nước trong gần 1 năm. Hội đồng thị trấn đã gửi thư cho người dân, thông báo về tình trạng thiếu nước và yêu cầu họ giảm mức tiêu thụ nhiên liệu, đồng thời không bơm nước đầy bể bơi.
Mùa hè khô hạn ở lưu vực sông Po ở Ý.
Miền bắc Italy hứng chịu đợt hạn hán tồi tệ nhất trong vòng 70 năm qua vào mùa hè năm ngoái. Một số khu vực gần như cạn kiệt nước để tưới cho cây trồng, khiến nguồn cung cấp lương thực gặp rủi ro. Mực nước sông Po giảm xuống mức thấp kỷ lục.
Người dân khu vực này cho biết, vào năm ngoái, họ đã bơm trực tiếp nước từ giếng tự đào có độ sâu khoảng 10 mét. Tuy nhiên, năm nay, họ lo sợ mực nước ngầm đã xuống thấp hơn và cách làm trên sẽ không còn hiệu quả.
Maria Camisotti, một cư dân của Ariano nel Polesine (Ý) cho biết, cô đã cắt giảm lượng nho cô trồng bởi những lo ngại về các hạn chế đối với nước được áp dụng trong mùa hè năm ngoái.
"Giải pháp của tôi lúc này là cầu nguyện và hy vọng", cô chia sẻ.
Anh rục rịch chuẩn bị cho mùa hè
Các hộ gia đình và các công ty cấp nước đã khuyến nghị người dân tiết kiệm nước ngay bây giờ khi các quan chức đang chuẩn bị cho một mùa nóng sắp tới ngay cả khi lượng mưa đạt kỉ lục vào tháng trước.
Nhóm Hạn hán Quốc gia (NDG) của Anh đã lên kế hoạch cho một "trường hợp xấu nhất" khi đất nước trải qua đợt nắng nóng và tình trạng thiếu nước như năm ngoái lặp lại.
Nước Anh đã trải qua tháng 7 khô hạn nhất trong 50 năm và nhiệt độ đạt mức cao kỷ lục mới là 40,3 độ C.
Thể thao & văn hóa