MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thận trọng và kỳ vọng khi mở cửa tài chính, viễn thông với EVFTA

Với EVFTA, bảo hiểm được kỳ vọng tiếp đà tăng trưởng mạnh, còn viễn thông được nhìn nhận là lĩnh vực không dễ nhảy vào.

Bất kỳ tác động nào đến hai ngành tài chính và viễn thông sẽ tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của tất cả các ngành khác. Nói đến hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), ngành tài chính ngân hàng và ngành viễn thông có nhiều điểm đặc biệt trong hoạt động đàm phán, yêu cầu mở cửa của hai ngành vô cùng đặc thù. Nếu mở cửa rộng sẽ tạo ra thêm cạnh tranh tạo ra thêm cơ hội cho hai ngành phát triển, đồng thời tất cả các ngành khác sẽ được hưởng lợi.

BizLIVE giới thiệu nhận định của một số chuyên gia chia sẻ tại một hội thảo gần đây về tác động của EVFTA đối với hai lĩnh vực này.

Ngành tài chính và viễn thông chỉ có thể mở cửa một cách thận trọng

Bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập VCCI

Hai ngành tài chính và viễn thông liên quan vô cùng chặt chẽ đến vấn đề rất quan trọng đó là an ninh, với ngành tài chính là an ninh tiền tệ và ngành viễn thông là an toàn thông tin, vì vậy mở cửa vừa phải mạnh nhưng lại cũng vừa phải thận trọng, vậy nên thực sự rất khó. Vì vậy việc xem xét kỹ lưỡng tác động của hiệp định thương mại tự do đến hai ngành tài chính và viễn thông vô cùng có ý nghĩa.

Tác động trực tiếp của các hiệp định thương mại nói chung lên hai ngành tài chính, viễn thông và các ngành khác liên quan có thể không quá lớn, nhưng tác động gián tiếp thực sự lớn. Theo thống kê của Tổng cục Thống kê, trong khoảng 3 năm vừa qua, mỗi năm chúng ta có thêm hơn 100 nghìn doanh nghiệp, nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động lên 715 nghìn doanh nghiệp. Chỉ tính riêng số đó thôi, chúng ta cũng có thể thấy lượng khách hàng của ngành tài chính viễn thông lớn đến như thế nào.

Đó là còn chưa kể đến sự thay đổi của người dân khi thương mại điện tử, dịch vụ tài chính phát triển mang đến nhiều cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp.

Theo phân công, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm đàm phán về ngành bảo hiểm và ngành chứng khoán. Ngành bảo hiểm là ngành mở cửa duy nhất trong các nhóm dịch vụ tài chính. Cho đến hiện tại, ngành chứng khoán chưa có nhiều thay đổi. Tuy nhiên trong lần họp Quốc hội gần đây nhất, cũng có rất nhiều đề xuất về việc chúng ta mở cửa ngành chứng khoán mạnh hơn, thông qua đó thu hút được nguồn vốn lớn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

EVFTA là hiệp định đầu tiên mở cửa cho ngành bảo hiểm y tế

Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, đại diện Vụ Hợp tác Quốc tế - Bộ Tài chính

Theo quan điểm của tôi, so với WTO hay CPTPP, ngành bảo hiểm sau EVFTA sẽ nhận được nhiều sự quan tâm hơn. Cam kết EVFTA nhấn mạnh vào cung cấp qua biên giới với dịch vụ nhượng tái bảo hiểm, điều này khá giống với CPTPP và như vậy chúng ta đã tạo được mặt bằng cao với loại hình dịch vụ này. Đối với những nước có khả năng thực hiện cam kết cao như các nền kinh tế phát triển trong EVFTA mở rộng hơn so với CPTPP.

Phần mở cửa hơn so với WTO trong ngành này, đó chính là được thành lập chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài, với điều kiện sau 3 năm hiệp định có hiệu lực, chúng ta đã giữ phần này nhiều năm nay nhưng giờ đây chúng ta đã mở ra vì nhu cầu của thị trường và vì chính lợi ích mà nó có thể mang lại.

Điểm đáng lưu ý thứ 3 của hiệp định này so với WTO chính là chúng ta mở cửa hiện diện thương mại đối với bảo hiểm y tế (health insurance), định đạng trong phân loại chính là bảo hiểm nhân thọ, đây có thể là tin vui đối với phần đông người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp tham gia bảo hiểm nhân thọ bởi nhu cầu về bảo vệ sức khỏe của chúng ta ngày càng cao khi mà đời sống kinh tế xã hội ngày một phát triển, thị trường Việt Nam là thị trường lớn với 100 triệu dân và đó cũng xuất phát từ nhu cầu nội tại của Việt Nam, điểm này rất đáng lưu ý của EVFTA mà Bộ Tài chính cũng đã cân nhắc để có được.

Đây cũng là hiệp định đầu tiên mà chúng ta mở cửa cho ngành dịch vụ y tế, bảo hiểm sức khỏe này.CPTPP và các hiệp định FTA khác đều không có. Khu vực kinh tế EU rất mạnh về hoạt động quản lý sản phẩm này, điều đó sẽ giúp bổ trợ cho nhu cầu trong nước của chúng ta.

Ngành tài chính trong đó bao gồm cả bảo hiểm, ngân hàng và chứng khoán có tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm khoảng 7,5%, mức tăng trưởng này cao gấp rưỡi mức tăng trưởng trung bình chung của nhiều ngành dịch vụ khác.

Trong ngành bảo hiểm hiện đang có 64 doanh nghiệp bảo hiểm và chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài, con số này không nhiều so với con số 126 ngân hàng và tổ chức tín dụng và không thấm vào đâu so với con số 198 công ty chứng khoán. Nhưng tính riêng ngành bảo hiểm, con số 64 công ty bảo hiểm cũng khá lớn.

Tỷ lệ người dân Việt Nam tham gia bảo hiểm nhân thọ mới chỉ đạt 10% dân số

Ông Bùi Gia Anh, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam

Ngành bảo hiểm Việt Nam bắt đầu phát triển từ cách đây 26 năm trên cơ sở nghị định 100CP vào ngày 18/12/1993, đây chính là nghị định đầu tiên để mở cửa phát triển ngành bảo hiểm Việt Nam, đến hiện tại thị trường đã có 64 doanh nghiệp bảo hiểm, trong đó có 30 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 18 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm, 1 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài…

Hiện tại trong số 30 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có 16 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Và trong nhóm 18 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam thì có đến 17 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Khung pháp lý dành cho ngành bảo hiểm ngày một hoàn thiện và đồng bộ. Luật dành cho ngành bảo hiểm đã được sửa đổi năm 2000, năm 2010 và gần đây nhất là năm 2019, Quốc hội tạo điều kiện. Thị trường bảo hiểm những năm gần đây có tốc độ tăng trưởng vũ bão, đến trên 20%/năm. Bảo hiểm phi nhân thọ tăng trưởng khoảng 12,13% còn bảo hiểm nhân thọ tăng trưởng từ 25 đến 30%.

Ở Việt Nam hiện nay mới chỉ có khoảng 10% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ trong khi đó tỷ lệ tương đương tại các nền kinh tế phát triển lên đến từ 80 đến 90% người dân tham gia bảo hiểm nhân thọ. Vì vậy tiềm năng phát triển của ngành còn rất lớn. Các nước quanh Việt Nam như Singapore, Malaysia cũng có tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm nhân thọ lên đến trên 70%.

Việc nhà nước ký thêm các hiệp định thương mại trong đó gần nhất phải kể đến EVFTA sẽ mang đến thêm nhiều cơ hội cho doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài vào Việt Nam. Các nước châu Âu đều có lịch sử phát triển và quản lý ngành bảo hiểm lâu dài và chuyên nghiệp. Các doanh nghiệp Việt Nam khi có thêm sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài sẽ có thêm cơ hội học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm hợp tác.

Doanh nghiệp nước ngoài không dễ nhảy vào "sân chơi" viễn thông của Việt Nam

Ông Vũ Quý Quyền, Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Thông tin Truyền thông

Thị trường viễn thông của chúng ta giờ vẫn chủ yếu tập trung các “ông lớn” và chủ yếu toàn nhà nước cả. Rất nhiều người đặt câu hỏi tại sao doanh nghiệp nước ngoài đã vào đây bao nhiêu năm rồi cuối cùng lại ra đi, rút tiền về, cam kết của chúng ta trong các hiệp định thương mại tự do rất quan trọng, Việt Nam mở cửa thật đấy, dù mở cửa 100% nhưng để vào được thị trường, doanh nghiệp phải vượt qua rất nhiều rào cản kỹ thuật.

Hiện chỉ có duy nhất một liên doanh viễn thông là Vietnam Mobile nhưng thị phần của liên doanh này cũng không lớn. Vì thế, khi EVFTA có hiệu lực thì các nhà đầu tư nước ngoài cũng không dễ nhảy vào sân chơi rất khó cạnh tranh này.

EVFTA hay các FTA đều có 2 mảng cam kết, đầu tiên là mở cửa thị trường (mở cửa biên giới), nhưng những biện pháp, chính sách quản lý ở sau biên giới mới là quan trọng. Do đó, có thể nói, EVFTA có hiệu lực sẽ tạo cơ hội cho cả hai bên, doanh nghiệp Việt có cơ hội có thêm thị trường mấy trăm triệu dân ở EU, ngược lại các nước EU có thêm thị trường 90 triệu dân ở Việt Nam.

Với lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech), đây là một lĩnh vực còn khá mới và vẫn còn phải chờ khung pháp lý chính thức do Bộ Tài chính cùng Bộ Thông tin và Truyền thông hợp tác xây dựng.

Fintech là một thành tố của thương mại điện tử và thương mại điện tử là xuyên biên giới. Đây chính là một trong những điểm cần phải làm rõ của hiệp định EVFTA.

Theo Ngọc Diệp

BizLive

Trở lên trên