MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thận trọng với những chiếc "bẫy" vay tiền trực tuyến

16-08-2017 - 11:24 AM | Tài chính - ngân hàng

Cùng với các ứng dụng vay tiền trực tuyến của các ngân hàng, công ty tài chính thì thời gian gần đây xuất hiện hàng loạt ứng dụng vay tiền của các doanh nghiệp.

Chỉ cần tải ứng dụng về điện thoại, qua vài thao tác nhập thông tin mà không cần chứng minh thu nhập, chỉ một vài ngày hoặc thậm chí chỉ 30 phút sau là tiền vay đã được chuyển về tài khoản. Việc vay tiền quá dễ dàng liệu có phải là những “viên đạn bọc đường”?


Các ứng dụng vay tiền trực tuyến nở rộ thời gian gần đây

Các ứng dụng vay tiền trực tuyến nở rộ thời gian gần đây

Vay được tiền sau 30 phút

Từ đầu năm đến nay, trên các phần mềm tải ứng dụng của điện thoại thông minh xuất hiện hàng loạt ứng dụng vay tiền trực tuyến như Zot…, Vaymuon.., Vaytieudung…, SHA vay…

Theo đó, chỉ cần tải một ứng dụng vay tiền, nhập các thông tin cơ bản về tên, số chứng minh nhân dân, số tiền cần vay, thời hạn vay… và cũng không cần hợp đồng lao động, giấy tờ chứng minh thu nhập, người có nhu cầu có thể dễ dàng tiếp cận khoản vay từ 1 triệu đồng đến 30 triệu đồng, thậm chí là 200 triệu đồng. Sau 5 phút, khoản vay đã được duyệt và có thể và chưa đến 1 ngày số tiền vay đã được chuyển đến tài khoản.

Theo quảng cáo về một ứng dụng vay tiền trực tuyến của Công ty CP SHA Toàn Cầu thì “Chỉ cần 1 chiếc smartphone chụp ảnh CMND + GPLX ,bạn có thể vay tiền với lãi suất 220-440 đồng/1 triệu đồng/1 ngày (8-16% /năm) tại bất kỳ đâu mà không cần đến bất kỳ một điểm giao dịch nào”.

Quy trình xử lý và xét duyệt hồ sơ của SHA thông thường sẽ mất từ 1-3 ngày cho lần vay đầu tiên và 30-60 phút cho lần vay thứ hai. Ngoài những giấy tờ trên, ứng dụng vay tiền này cũng yêu cầu khách hàng quay 1 video nói mục đích vay, đồng thời cung cấp số điện thoại người thân (bố/mẹ đẻ, anh/chị/em ruột, vợ/chồng).

Nhân viên tư vấn của SHA cũng cho biết hạn mức vay tại ứng dụng này là từ 1-200 triệu đồng, thời hạn cho vay từ 1 tháng - 3 năm. Tuy nhiên, ngoài lãi suất đã công bố, khách hàng sẽ phải trả thêm khoản phí 8% tổng số tiền vay cho lần vay đầu, từ 4-7% cho lần vay sau. Như vậy, tổng tiền lãi khách phải trả sẽ lên tới 25%/năm, thậm chí hơn. Mức phạt thanh toán chậm dao động từ 150.000-300.000 đồng.

Ngoài ứng dụng cho vay tiền, trên các trang mạng còn quảng cáo nhiều ứng dụng kết nối nhu cầu vay và cho vay tiền. Với ứng dụng Vay….vn, dù khẳng định “không phải ngân hàng, không phải công ty tài chính” nhưng đơn vị này lại kêu gọi khách hàng có tiền “trở thành nhà đầu tư của ứng dụng này để có lợi nhuận 12-20%/năm cho khoản tiền nhàn rỗi”…

Rủi ro lớn

Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo, người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ tính pháp lý của đơn vị cho vay và nội dung thỏa thuận trong hợp đồng vay để tránh rủi ro khi quyết định vay tiền. Bởi đến nay, Ngân hàng Nhà nước chưa cấp phép cho bất kỳ đơn vị nào huy động và cho vay trực tuyến như vậy.

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico cho biết, theo quy định của pháp luật, hiện chỉ có hai chủ thể được phép hoạt động trong lĩnh vực cấp tín dụng, một là ngân hàng, hai là các đơn vị cầm đồ. Chỉ có ngân hàng và các tổ chức tín dụng mới được thực hiện huy động vốn, cấp tín dụng, còn lại tất cả các chủ thể khác tham gia hoạt động này đều là kinh doanh tiền tệ trái phép.

Vì vậy, theo luật sư Trương Thanh Đức, người có nhu cầu vay tiền hoặc người có nhu cầu đầu tư phải tìm hiểu kỹ tính pháp lý của những đơn vị này. “Đầu tiên, đây là hoạt động bất hợp pháp, sau là rủi ro quá lớn. Chẳng có đơn vị nào mà không biết “đầu đuôi xuôi ngược” như thế nào lại cho vay một cách dễ dàng như vậy. Chắc chắn một điều là lãi suất sẽ rất cao và các hình thức đòi nợ cũng sẽ rất khủng khiếp” – luật sư Trương Thanh Đức phân tích.

Về một số ứng dụng được kết nối người cho vay và người vay tiền, được quảng cáo như “Grab, Uber” trong hoạt động tín dụng, luật sư Trương Thanh Đức cho biết, nếu các ứng dụng này chỉ kết nối theo kiểu hỗ trợ thì không vấn đề gì, nhưng nếu kết nối có “ăn” hoa hồng thì cũng rơi vào trường hợp môi giới tiền tệ trái phép.

“Ngay cả Grab hay Uber còn đang tranh cãi về tính pháp lý, huống hồ trong lĩnh vực tiền tệ thì quy định còn chặt chẽ hơn nhiều, thậm chí bán 1 USD cũng có thể bị phạt mấy trăm triệu đồng. Hơn nữa, trong các hoạt động môi giới hợp pháp (như bất động sản) cũng phải được cấp chứng chỉ mới môi giới được chứ không phải ai thích thì làm” - luật sư Trương Thanh Đức cho biết.

Xem link gốc tại đây

Theo Linh Nhật

An Ninh Thủ Đô

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên