MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tháng 1/2024, Việt Nam đầu tư vào nước nào nhiều nhất: Top 1 gây bất ngờ, là một nước siêu giàu

Các nhà đầu tư Việt Nam trong tháng 1/2024 đã rót tiền vào 6 quốc gia, vùng lãnh thổ, ở 7 ngành.

Việt Nam đầu tư vào 6 quốc gia trong tháng 1/2024

Bộ kế hoạch và đầu tư vừa công bố số liệu về tình hình đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong tháng đầu tiên của năm 2024.

Theo đó, trong tháng 1/2024, các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài 11 dự án đầu tư mới với tổng số vốn của phía Việt Nam là 16,2 triệu USD, gấp 9,3 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng này, các nhà đầu tư cũng không thực hiện điều chỉnh vốn đầu tư đối với các dự án hiện hữu.

Các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài ở 7 ngành. Trong đó, vốn đầu tư tập trung nhiều nhất vào các ngành hoạt động kinh doanh bất động sản (chiếm 33,2% vốn); xây dựng (chiếm 30,9% vốn), khai khoáng (chiếm 24,7% vốn). Các ngành khác chiếm tỷ lệ vốn nhỏ.

Có 6 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam trong tháng 1/2024 là Hoa Kỳ (36,1%), Đức (33,2%), Lào (26,2%), Campuchia, Hàn Quốc và Thụy Điển.

Lũy kế đến ngày 20/1/2024, Việt Nam đã có 1.710 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư Việt Nam hơn 22,1 tỷ USD. Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài tập trung nhiều nhất vào các ngành khai khoáng (31,6%); nông, lâm nghiệp, thủy sản (15,5%). 

Tháng 1/2024, Việt Nam đầu tư vào nước nào nhiều nhất: Top 1 gây bất ngờ, là một nước siêu giàu - Ảnh 1.

Trong một diễn biến khác, tính đến ngày 20/1/2024, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt hơn 2,3 tỷ USD, tăng 40,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Có 39 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong tháng 01/2024. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 1,4 tỷ USD, chiếm 59,5% tổng vốn đầu tư, tăng 72,8% so với cùng kỳ 2023; Nhật Bản đứng thứ hai với gần 297 triệu USD, chiếm 12,6% tổng vốn đầu tư, gấp hơn 7 lần so với cùng kỳ; Tiếp theo là Sa-moa, Trung Quốc, HongKong,…).

Loạt doanh nghiệp Việt kiếm bộn tiền từ thị trường nước ngoài

Có rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang tiến hành đầu tư ra nước ngoài. Lĩnh vực ghi nhận nhiều thành quả tích cực nhất là công nghệ thông tin. Thông tin từ Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức cho biết, có khoảng 1.500 doanh nghiệp công nghệ số có doanh thu từ thị trường nước ngoài, tăng gần 4% so với năm 2022. Trong số đó, có những doanh nghiệp có doanh thu tỷ đô từ thị trường này.

Đầu tiên phải kể đến Tập đoàn FPT. FPT Software - một công ty thành viên phụ trách lĩnh vực dịch vụ công nghệ thông tin cho thị trường nước ngoài của tập đoàn này cho biết đã cán mốc 1 tỷ USD doanh thu dịch vụ công nghệ thông tin từ thị trường nước ngoài. Đây cũng là doanh nghiệp công nghệ đầu tiên của Việt Nam đạt doanh thu tỷ USD từ xuất khẩu phần mềm.

Tập đoàn FPT cho biết, mục tiêu dài hạn của chiến lược toàn cầu hóa do công ty đặt ra là "bước lên đẳng cấp cao hơn trong nhóm doanh nghiệp dịch vụ công nghệ thông tin tỷ USD", đạt 5 tỷ USD doanh thu cho thị trường nước ngoài vào năm 2030.

Tháng 1/2024, Việt Nam đầu tư vào nước nào nhiều nhất: Top 1 gây bất ngờ, là một nước siêu giàu - Ảnh 2.

Tập đoàn FPT là doanh nghiệp công nghệ đầu tiên của Việt Nam đạt doanh thu tỷ USD từ xuất khẩu phần mềm

Một trong những doanh nghiệp công nghệ thông tin khác không thể không nhắc đến Viettel. Viettel có tổng công ty chuyên đầu tư quốc tế - Viettel Global. Đầu tư ra nước ngoài là một trong những trụ cột phát triển của Viettel. Doanh thu từ thị trường nước ngoài của Viettel cán mốc 3,6 tỷ USD trong năm 2023, hoàn thành 105% kế hoạch năm, tăng 615 triệu USD so với năm 2022 và cao nhất từ trước tới nay.

Tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ đạt 20,6%, gấp 5 lần so với tăng trưởng trung bình của thế giới, trong đó cao nhất là Lumitel (Viettel tại Burundi) tăng trưởng 37,8%, Natcom (Viettel tại Haiti) tăng trưởng 29,3%, Movitel (Viettel tại Mozambique) tăng trưởng 28,9%, Mytel (Viettel tại Myanmar) tăng trưởng 24,9%. Đến nay, Viettel Global đang vận hành 10 nhà mạng tại 10 quốc gia, tổng quy mô thị trường 270 triệu dân với gần 100 triệu khách hàng, trong đó, nắm vị trí số 1 về thị phần tại 6 thị trường.

Bên cạnh những lĩnh vực đầu tư đem lại hiệu quả, cũng có những dự án đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường nước ngoài thua lỗ. 

Một số lĩnh vực, dự án đầu tư không đạt hiệu quả, phải dừng đầu tư, có nguy cơ mất vốn phải kể đến các dự án thăm dò, khai thác dầu khí của PVEP (có tỷ trọng vốn đầu tư cao), dự án muối mỏ Kali tại Lào của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam. Một số dự án viễn thông gặp rủi ro tỷ giá, có lỗ lũy kế lớn, mất quyền kiểm soát…

Theo khảo sát của Ngân hàng UOB đưa ra hồi tháng 7/2023 cho thấy, cứ 10 doanh nghiệp thì có 9 doanh nghiệp tại Việt Nam đang tìm cách mở rộng sang thị trường nước ngoài trong 3 năm tới.

Động lực mở rộng ra nước ngoài của các doanh nghiệp là nhằm tăng doanh thu, cải thiện lợi nhuận và xây dựng danh tiếng với tư cách là một doanh nghiệp quốc tế. 72% doanh nghiệp tại Việt Nam nhắm đến khu vực Đông Nam Á cho kế hoạch mở rộng trong tương lai. Thái Lan, Singapore và Malaysia là những điểm đến ưa thích trong khu vực Đông Nam Á của các doanh nghiệp Việt Nam.

Theo Pha Lê

Đời sống pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên