MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thanh khoản cạn kiệt, đà bán tháo đã kết thúc và hoạt động gom mua đang ầm thầm diễn ra?

Các doanh nghiệp sẽ được hưởng nhiều hơn nhờ những ưu đãi và điều kiện để kinh doanh đến từ các chính sách vĩ mô. Điều này cho thấy năm nay kênh Chứng khoán có thể vẫn đang là kênh hấp dẫn để đầu tư.

Bởi tác động của đại dịch Covid-19, thị trường tài chính toàn cầu chao đảo. Bất chấp những nỗ lực, thành công của Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch, thị trường chứng khoán Việt cũng không ngoại lệ khi mà dòng vốn ngoại chiếm tỷ trọng khá lớn. Lực bán tháo rút vốn của khối ngoại tạo áp lực lên thị trường khiến nhiều cổ phiếu bị bán tháo đồng thời tạo ra thêm những hệ lụy lên áp lực margin call, áp lực tâm lý lên nhà đầu tư Việt.

Dù nói gì đi chăng nữa, sự thật là thị trường Việt Nam đã vừa phải chứng kiến cú sụt giảm kinh hoàng từ ngưỡng nghìn điểm của VnIndex về ngưỡng 660 điểm hiện tại. Mức sụt giảm của thị trường chứng khoán lên đến hơn 30% và hàng triệu tỷ vốn hóa thị trường đã bốc hơi. Nhà đầu tư thua lỗ nặng nề. Nhưng, câu hỏi bây giờ là: Đâu là vùng đáy của thị trường và việc bán tháo có còn tiếp diễn?

Đà bán tháo đã kết thúc?

Ngưỡng hỗ trợ 660 điểm của Vnindex đang tỏ ra khá chắc chắn trong thời gian qua. Thị trường dường như đã tìm thấy điểm tựa để bấu víu khi mà nhiều lần, VnIndex rơi về ngưỡng 660 điểm lại có cú hồi phục mạnh. Và, cứ mỗi lần chỉ số rơi về điểm số này thì lực bán có dấu hiệu cạn kiệt, thanh khoản thấp. Nhiều người kỳ vọng rằng, 660 điểm là khu vực điểm số mà nhà đầu tư đã đạt ngưỡng khá cân bằng tài khoản, không bị ép bán còn bên mua cũng sẵn sàng mua để gom góp dần những cổ phiếu đã về mức giá rẻ mạt.

Thực tế, cả bên mua và bên bán đã nhiều lần cố gắng phá vỡ thế cân bằng trên nhưng đều thất bại. Có những phiên bên bán gia tăng sức ép nhưng không thành công bởi lực mua giá thấp chặn dưới khá lớn.

Thống kê của chúng tôi cho thấy, ở vùng giá 660->750 điểm cuối tháng 3/2020 này, thanh khoản thị trường chứng khoán thấp hơn vùng giá 750-800 điểm hồi cuối tháng 2 đầu tháng 3. Các số liệu cho thấy, có vẻ như khoảng một tháng rưỡi đầu tiên chịu đựng đà giảm sâu ngay sau tết nguyên đán đẩy chỉ số từ 991 điểm (phiên 22/1/2020 trước tết nguyên đán) về vùng 800 điểm giữa tháng 3/2020 thì nhà đầu tư đã qua giai đoạn hoảng loạn. Kinh nghiệm từ những cú sụt giảm trong quá khứ khiến nhiều nhà đầu tư nhanh chóng cân bằng tài khoản, giảm vay nợ tránh áp lực margin nên tâm lý thị trường trở nên bớt hoảng loạn hơn.

Sang những ngày cuối tháng 3, khi tâm lý nhà đầu tư bình ổn trở lại, tài khoản cân bằng hơn thì thị trường đã liên tục xuất hiện những phiên tăng điểm bên cạnh những phiên giảm sâu. Tức, cứ mỗi khi có thông tin không tích cực trên thị trường quốc tế, trong nước thì thị trường chứng khoán ngay lập tức xuất hiện 2 "cánh" đối lập là bên bán cứ bán và bên mua cứ tiếp tục gom mua. Thị trường không còn trạng thái bán tháo trên diện rộng mà không có lực cầu đỡ!

Hoạt động gom mua đang âm thầm diễn ra?

Điều mà cả thế giới đang nỗ lực bên cạnh công tác phòng-chống dịch bệnh là giảm đau kinh tế. Tức, các quốc gia đều đang nỗ lực hết mình để nền kinh tế không bị tổn thương. Hàng loạt gói kích thích kinh tế, hàng loạt động thái về chính sách kinh tế, vĩ mô đã được nhiều quốc gia tung ra.

Ở Việt Nam, nỗ lực giảm đau kinh tế càng thấy rõ nét hơn bao giờ hết khi mà hàng loạt gói kích thích kinh tế, chính sách thuế, chính sách thuê đất, chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng Covid-19 được Nhà nước đưa ra...Đồng thời với hành động của Nhà nước, các ngân hàng cũng chung tay hành động với hàng loạt gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp; doanh nghiệp cũng hành động để cứu chính mình và xã hội, xã hội cũng nỗ lực góp công-của để Nhà nước nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh. Cơ hội có thể xuất hiện ngay trong nguy cơ và nếu Việt Nam vẫn làm tốt hơn thế giới trong công tác chống dịch thì cơ hội lại càng rộng mở. Với niềm tin Việt Nam sẽ sớm kiểm soát được dịch bệnh và nhiều cổ phiếu đã giảm quá đà, hoạt động gom mua cổ phiếu giá rẻ đã được nhiều bên kích hoạt.

Nhóm kích hoạt đầu tiên để cứu giá cổ phiếu là doanh nghiệp. Trong bối cảnh dịch bệnh leo thang và nhiều hoạt động kinh doanh trễ lại, doanh nghiệp có nguồn tiền dư dôi chưa đầu tư vào đâu đã mạnh tay mua lại cổ phiếu của doanh nghiệp mình khi giá đã về quá rẻ.

Nhóm tiếp đến kích hoạt tiền là các ông chủ doanh nghiệp. Hơn ai hết, ban lãnh đạo doanh nghiệp là người hiểu rõ nhất tình hình kinh doanh, cơ hội của doanh nghiệp mình. Thấy cổ phiếu đã quá rẻ, họ rót tiền mua vào.

Và, theo nhiều nguồn tin chúng tôi có được, không ít nhà đầu tư tổ chức với quy mô vốn khá lớn trên thị trường cũng đã gom mua dần. Không quá vội vã nhưng hoạt động bắt đáy đã dần dần được thực hiện khi bức tranh "trong nguy có cơ" dần lộ diện.

Và cuối cùng, nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ khi đã cân bằng tài khoản để không bị force margin cũng đã mua vào cổ phiếu. 

Vì sao chứng khoán đã rẻ, lực cầu đã có mà "trend" dài chưa xuất hiện?

Tận dụng thời điểm có thông tin khá tích cực trong nỗ lực phòng chống dịch bệnh, tung các gói hỗ trợ cho nền kinh tế, nỗ lực tự cứu mình của các doanh nghiệp, lực cầu mua cổ phiếu đã cố gắng đẩy mạnh vào thị trường chứng khoán nhưng thông thường, sự hào hứng chỉ đến được sau 1-2 phiên lại bị ngắt mạch. Lý giải điều này, một chuyên viên phân tích của một công ty chứng khoán từng lý giải đó là bởi không có sự tiếp nối của lực cầu dù bên bán không tỏ ra quá mạnh. Điều này cho thấy bên mua đang khá cẩn trọng trong việc tham gia vào thị trường.

Theo một chuyên viên phân tích chứng khoán từng nhận định trong chuỗi bán tháo của thị trường chứng khoán nhiều năm về trước, để phá vỡ thế cân bằng hiện tại và kích thích dòng tiền tham gia mạnh trở lại thì thị trường cần có một bên tỏ rõ sức mạnh, hoặc đến từ bên mua, hoặc đến từ bên bán. Một con sóng nổi lên sẽ khiến cả hai bên cùng hồ hởi và thị trường sẽ trở nên sôi động. Thị trường loay hoay giữa hai kịch bản:

Kịch bản thứ nhất, bên mua sẽ là người làm chủ và dẫn dắt thị trường. Theo đó cả hai chỉ số có xu hướng tăng điểm dần đan xen với những phiên giảm điểm và khối lượng giao dịch phải tăng dần đều. Khi thị trường tăng điểm vào lúc này bên bán sẽ đổ hàng ra, vì thế lực cầu phải đủ mạnh để hấp thụ hết. Tuy nhiên, kịch bản này khó lòng xảy ra ở thời điểm hiện tại bởi tâm lý lo ngại của nhà đầu tư đang khá cao và không có nhiều thông tin mang tính đột biến dẫn dắt hành động mua đuổi giá.

Kịch bản còn lại là bên bán làm chủ với quy mô bán mạnh trên diện rộng áp đảo hoàn toàn lực cầu đang chặn phía dưới. Cú rơi sâu này sẽ tạo một áp lực đáng kể lên các nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu. Thông thường kịch bản này ở thời điểm hiện tại sẽ nhận được "sự đồng thuận" từ 3 nhóm nhà đầu tư: 

-Nhóm thứ nhất là nhóm bắt đáy và trung bình giá: việc thị trường đi ngang và khối lượng giao dịch đang giảm dần khiến nhóm nhà đầu tư này cho rằng đáy của nó đã hình thành sau đợt giảm điểm mạnh. Họ cho rằng có thể thị trường sẽ tăng mạnh trở lại sau đó và hành động gom cổ phiếu xuất hiện. Tuy nhiên, vấn đề ở đây lại là sự kiên nhẫn, bản thân họ cũng không rõ bao giờ thị trường sẽ tăng trở lại. Thời gian đi ngang kéo dài càng lâu càng khiến nhóm này ức chế và bi quan vào việc bắt đáy cổ phiếu vừa qua. Hành động bán sẽ xuất hiện ngay khi thị trường có dấu hiệu bán mạnh và đi xuống.

-Nhóm thứ 2 là nhóm nhà đầu tư bị kẹt cổ phiếu giá cao nhưng không chịu nhiều áp lực thoái hàng. Nhóm này cương quyết giữ cổ phiếu nhưng cũng không bỏ lỡ cơ hội lướt sóng theo quan điểm bán rẻ để mua lại rẻ hơn.

-Nhóm thứ 3 là nhóm chuyên lướt sóng, và đây là nhóm thường tạo áp lực đáng kể mỗi khi thị trường giảm điểm. Phần lớn người trong nhóm này khá rành rọt về phân tích và nhanh nhạy với sự tăng giảm của thị trường. Họ không còn cổ phiếu, để bán được họ phải vay mượn Chứng khoán từ nhóm thứ 2 nhưng lại không giỏi trading để tham gia lướt sóng.

Kịch bản thứ 2 là kịch bản thường hay diễn ra trong quá khứ. Việc phá vỡ thế cân bằng hiện tại như hiện nay vừa tạo ra một thị trường sôi động, vừa tăng thanh khoản và đưa mức giá cổ phiếu về mặt bằng hợp lý hơn nữa để từ đó kích thích dòng tiền mới còn chưa tham gia quay trở lại. 

Nếu kịch bản thứ 2 xảy ra, theo chuyên viên phân tích kể trên, đó là điều tuyệt vời với người đang cầm tiền có mục tiêu đầu tư trung hạn. Thực tế, tại thời điểm rất nhiều cổ phiếu đã tìm đến ngưỡng giá khá an toàn, nên để mua được giá rẻ hơn thì chỉ nhờ vào những phiên bị bán mạnh như vậy. Mạnh tay gom mua những cổ phiếu cơ bản là hành động không tồi.

Thanh khoản cạn kiệt, đà bán tháo đã kết thúc và hoạt động gom mua đang ầm thầm diễn ra? - Ảnh 1.

Phương Chi

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên